Amtesius là thuốc được sử dụng để điều trị các chứng ho có đờm, nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm phế quản cấp tính và mãn tính, viêm khí quản...
1. Amtesius là thuốc gì?
Amtesius thành phần chính chứa: Bromhexin hydroclorid 4mg. Được dùng để trị các nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm phế quản cấp tính, cơn cấp của bệnh viêm phế quản mãn tính, viêm khí phế quản, các chứng giãn phế quản, khí quản có nhiều chất tiết gây triệu chứng khó thở, khò khè,...
Amtesius có tác dụng tan đờm, tăng dung lượng hô hấp ở những bệnh nhân lớn tuổi bị nhiễm khuẩn đường hô hấp. Do hoạt hóa tổng hợp sialomucin và phá vỡ các sợi acid mucopolysaccharide nên thuốc làm đờm lỏng hơn và ít quánh hơn. Từ đó giúp đờm từ phế quản dễ khạc ra ngoài hơn, tăng hiệu quả điều trị. Vì vậy, phải sau 2 - 3 ngày uống thuốc mới có tác dụng trên lâm sàng.
Amtesius được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa và được phân bố rộng khắp cơ thể. Chuyển hóa đầu tiên ở gan và được đào thải chủ yếu qua nước tiểu.
2. Chỉ định của thuốc Amtesius
Thuốc Amtesius được chỉ định để điều trị:
- Viêm phế quản cấp tính, kèm ho, khò khè nhiều;
- Điều trị hỗ trợ cơn cấp của bệnh viêm phế quản mạn;
- Viêm khí phế quản;
- Chứng giãn phế quản;
- Điều trị các trường hợp khí quản có nhiều chất tiết gây khò khè, khó chịu cần long đờm, tiêu nhầy.
3. Chống chỉ định của thuốc Amtesius
Chống chỉ định sử dụng thuốc Amtesius với người bị mẫn cảm với kháng sinh nhóm beta– lactamvà Bromhexine.
4. Tương tác thuốc Amtesius
- Hạn chế dùng chung Amtesius với các thuốc chống ho vì sẽ làm tăng ứ đọng dịch tiết trong đường hô hấp.
- Tránh dùng chung Amtesius với các thuốc làm giảm dịch tiết phế quản.
- Phối hợp Amtesius với nhóm thuốc kháng sinh Aminoglycosid hay thuốc lợi tiểu mạnh (Furosemide, Ethacrynic acid) có thể gây độc cho chức năng thận.
- Amtesius làm giảm tác dụng của thuốc uống ngừa thai chứa Oestrogen.
5. Lưu ý khi sử dụng Amtesius
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú không nên dùng Amtesius do chưa kiểm nghiệm được tính an toàn của thuốc cho thai.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Amtesius cho người bệnh có tiền sử loét dạ dày (do thuốc làm tiêu dịch nhầy, nên có thể gây huỷ hoại niêm mạc dạ dày, làm tăng tình trạng nặng của bệnh).
- Thận trọng khi sử dụng Amtesius cho người bệnh hen vì thành phần thuốc có thể gây co thắt phế quản ở một số người dễ mẫn cảm.
- Khi dùng Amtesius cho người bệnh bị suy gan hoặc suy thận nặng: Cần phải theo dõi chặt chẽ vì sự thanh thải Amtesius và các chất chuyển hóa có thể bị giảm.
- Chú ý khi dùng Amtesius cho người cao tuổi hoặc suy nhược quá yếu, trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi do không khạc đờm được hiệu quả từ đó càng tăng ứ đọng đờm đờm ở đường hô hấp.
6. Liều dùng và cách dùng thuốc Amtesius
Cách dùng: Thuốc Amtesius bào chế dưới dạng thuốc cốm pha hỗn dịch uống. Người bệnh nên uống trực tiếp sau khi ăn.
Liều dùng:
- Người lớn; trẻ em lớn hơn 12 tuổi: 2 gói/ lần x ngày 3– 4 lần.
- Trẻ em 5 – 12 tuổi: 1 gói/ lần x ngày 3 lần.
- Trẻ em 1– dưới 5 tuổi: 1/2 gói/ lần x ngày 3 lần.
- Trẻ em dưới 1 tuổi: 1/2 gói/ lần x ngày 2 lần.
7. Tác dụng phụ của thuốc Amtesius
Khi dùng thuốc Amtesius, người bệnh có thể gặp tác dụng không mong muốn như:
- Đau thượng vị, có thể lan sang hai bên vùng bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, cảm giác khô miệng, tăng men gan;
- Trên hệ thần kinh: Đau âm ỉ vùng đầu, chóng mặt, hoa mắt, ra nhiều mồ hôi;
- Da: Ban da, mày đay;
- Trên hệ hô hấp có thể gây ứ dịch tiết phế quản do bệnh nhân không khạc đờm được.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Amtesius. Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.