Nguyên nhân gây chứng khó đọc

Hội chứng khó đọc là một rối loạn ngôn ngữ, thường gặp ở trẻ nhỏ và có thể gặp ở người trưởng thành. Nếu được phát hiện, can thiệp thích hợp thì người mắc chứng khó đọc có thể sinh hoạt, học tập như người bình thường.

1. Chứng khó đọc là gì?

Chứng khó đọc là tình trạng khó khăn trong học tập, làm giảm khả năng đọc, viết và đánh vần của một người. Đây là một tình trạng thần kinh và không liên quan tới trí thông minh.

Chứng khó đọc là tình trạng phổ biến với tỷ lệ mắc khoảng 5 - 10% dân số. Không chỉ ở trẻ em, nhiều người trưởng thành vẫn gặp khó khăn khi đọc và viết. Việc chẩn đoán, hướng dẫn và hỗ trợ điều trị chứng khó đọc ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp làm giảm tác động của tình trạng này.

2. Triệu chứng của hội chứng khó đọc


Khó xử lý âm thanh là một trong các biểu hiện đặc trưng của hội chứng khó đọc
Khó xử lý âm thanh là một trong các biểu hiện đặc trưng của hội chứng khó đọc

Chứng khó đọc có thể biểu hiện ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu xuất hiện khi còn nhỏ. Tình trạng này có những biểu hiện đặc trưng gồm:

  • Chậm đạt các mốc phát triển: Trẻ mắc chứng khó đọc thường học bò, đi bộ, tập nói,... muộn hơn so với các bạn cùng lứa. Trẻ có thể phát âm sai các từ hoặc không phân biệt được các âm từ khác nhau;
  • Khó khăn khi học đọc: Trẻ thường gặp khó khăn khi phát âm, xử lý và hiểu cách phát âm của mỗi từ. Triệu chứng khó đọc có thể phát sinh khi người bệnh bắt đầu học các kỹ năng phức tạp hơn như ngữ pháp, đọc trôi chảy, phân biệt và sử dụng các cấu trúc câu, sử dụng các câu phức,...;
  • Khó khăn khi học viết: Người mắc chứng khó đọc có thể viết sai từ hoặc nhanh chóng quên đi cách viết của từ;
  • Khó xử lý âm thanh: Bệnh nhân gặp khó khăn khi xử lý âm thanh của những từ có nhiều âm tiết;
  • Triệu chứng khác: Mất nhiều thời gian ghi nhớ các chữ cái trong bảng chữ cái và cách phát âm chúng; gặp khó khăn trong việc phối hợp các hoạt động; khó tập trung, khó diễn đạt suy nghĩ của mình, dễ bị dị ứng, hen suyễn, chàm da,...

3. Các nguyên nhân gây chứng khó đọc

Chứng khó đọc không liên quan tới trí thông minh mà liên quan tới một số gene làm nhiệm vụ kiểm soát sự phát triển của não bộ. Đây là tình trạng di truyền (yếu tố di truyền ảnh hưởng tới não và khả năng làm việc với các từ ngữ).

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng khó đọc gồm: Gia đình có tiền sử mắc chứng khó đọc, gặp vấn đề bất thường ở các bộ phận của não liên quan tới việc đọc. Ngoài ra, một số trường hợp có thể mắc phải chứng khó đọc sau khi bị chấn thương não hoặc đột quỵ.

4. Chẩn đoán và điều trị chứng khó đọc


Tư vấn tâm lý và hỗ trợ giảm bớt sự căng thẳng, tự ti của trẻ để kiểm soát chứng khó đọc
Tư vấn tâm lý và hỗ trợ giảm bớt sự căng thẳng, tự ti của trẻ để kiểm soát chứng khó đọc

4.1 Chẩn đoán

Chẩn đoán chứng khó đọc ở trẻ nhỏ có thể gặp phải nhiều khó khăn vì đôi khi biểu hiện của bệnh không rõ ràng. Bác sĩ thường sẽ căn cứ vào sự phát triển tự nhiên của bố mẹ, kết quả giáo dục, tiền sử bệnh lý, tiền sử gia đình; đồng thời kiểm tra trẻ về thị giác, thính giác, não bộ, đưa ra bảng hỏi và các thử nghiệm tâm lý, kiểm tra kỹ năng đọc và học tập,... để đánh giá chính xác về tình trạng bệnh của trẻ.

4.2 Cách kiểm soát chứng khó đọc

Chứng khó đọc thường khó chẩn đoán, điều trị hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu được hỗ trợ kịp thời từ trường học và gia đình thì trẻ mắc phải hội chứng này có thể cải thiện đáng kể. Việc kiểm soát chứng khó đọc ở trẻ em thường gồm các biện pháp như:

  • Phát triển chương trình học phù hợp riêng với trẻ;
  • Trẻ mắc chứng khó đọc có thể được sử dụng các công cụ hỗ trợ học tập, khai thác trên các giác quan khác như thị giác, thính giác, xúc giác;
  • Tư vấn tâm lý, hỗ trợ để giảm bớt sự căng thẳng, tự ti của trẻ, có thể cho thêm thời gian trong các kỳ thi cho những trẻ mắc chứng khó đọc;
  • Cha mẹ cần phát hiện vấn đề của trẻ càng sớm càng tốt, thực hành đọc to với trẻ, khuyến khích trẻ đọc nhiều sách hơn, thường xuyên hơn;
  • Đánh giá, xác định các lĩnh vực mà người mắc chứng khó đọc có khả năng làm tốt hơn, hỗ trợ họ phát triển, thực hiện các công việc về thế mạnh;
  • Các mẹo khác: Quản lý thời gian tốt hơn bằng cách chia công việc thành các phần nhỏ; sử dụng công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói; sử dụng các công cụ ghi chú trực quan (bôi màu cho những luận điểm quan trọng trên văn bản); làm việc trong một không gian yên tĩnh, sử dụng nút tai chống ồn nếu cần thiết để hạn chế sự xao lãng.

Nếu không được điều trị, chứng khó đọc có thể khiến trẻ mất tự tin, lo lắng, hiếu chiến, không giao tiếp với bạn bè và mọi người xung quanh, ngăn cản sự phát triển các tiềm năng của trẻ khi trưởng thành. Vì vậy, cần phát hiện sớm để điều trị chứng khó đọc bằng các lộ trình giáo dục. Do đó, nếu thấy con, em mình gặp khó khăn khi đọc, viết, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để chẩn đoán và có sự can thiệp phù hợp, tích cực.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe