Thuốc Befatropyl được sử dụng phổ biến trong hỗ trợ điều trị suy giảm trí tuệ hoặc các bệnh lý liên quan đến não. Vậy loại thuốc Befatropyl được sử dụng như thế nào để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho sức khỏe? Cùng tìm hiểu những thông tin về thuốc trong bài viết dưới đây.
1. Thuốc Befatropyl là thuốc gì?
Thuốc Befatropyl có chứa thành phần chính là Piracetam với hàm lượng 800mg cùng các hoạt chất khác và tá dược vừa đủ 1 viên do nhà sản xuất cung cấp. Thuốc được bào chế ở dạng viên nén bao phim, quy cách đóng gói hộp gồm 5 vỉ, 1 vỉ có 10 viên.
2. Công dụng của thuốc Befatropyl
Thuốc Befatropyl chỉ định trong các trường hợp sau:
- Điều trị chóng mặt.
- Cải thiện một vài triệu chứng suy giảm trí tuệ bệnh lý ở người già như: suy giảm trí nhớ, kém tập trung, thiếu tỉnh táo, thay đổi khí sắc, rối loạn hành vi.
- Điều trị sau cơ nhồi máu não hay chấn thương sọ não.
- Điều trị hỗ trợ trẻ em mắc chứng khó đọc.
- Điều trị bệnh thiếu máu hồng cầu liềm.
- Điều trị nghiện rượu.
- Người bệnh cần điều trị giật rung cơ do nguyên nhân từ vỏ não.
Thuốc Befatropyl được khuyến cáo không sử dụng cho các đối tượng sau, cụ thể là:
- Bệnh nhân dị ứng với thành phần chính piracetam hay các tá dược có trong thuốc.
- Bệnh nhân suy thận nặng với hệ số độ thanh thải Creatinin dưới 20ml/phút.
- Bệnh nhân đang mắc bệnh suy gan hoặc bệnh Huntington.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Befatropyl
3.1. Liều dùng thuốc Befatropyl
Thuốc Befatropyl thường dùng cho người bệnh với liều từ 30-160mg/kg thể trọng mỗi ngày, tùy theo từng chỉ định , cụ thể là:
- Rối loạn khả năng nhận thức và chóng mặt, dùng với liều 2 viên/lần, mỗi ngày dùng 3 lần.
- Điều trị nghiện rượu, dùng với liều 12g/ngày trong thời gian cai rượu đầu tiên. Liều dùng để điều trị duy trì là 2,4g mỗi ngày.
- Suy giảm nhận thức sau chấn thương não (có kèm chóng mặt hoặc không), dùng khởi liều với 9-12g/ngày, liều duy trì là 2,4g/ngày, dùng liên tục ít nhất trong 3 tuần.
- Thiếu máu hồng cầu liềm: Dùng với liều 160mg/kg/ngày, chia làm 4 lần trong ngày.
- Điều trị giật rung cơ: dùng với liều 7,2g/ngày, chia làm 2-3 lần. Tùy theo đáp ứng, cứ 3-4 ngày một lần, tăng thêm 4,8g mỗi ngày cho tới khi đạt liều tối đa là 20g/ngày.
3.2. Cách dùng thuốc Befatropyl
Thuốc Befatropyl được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, sử dụng bằng đường uống. Uống thuốc với nước đun sôi để nguội, có thể uống thuốc cùng hoặc không cùng với thức ăn.
Thuốc Befatropyl không gây độc cho người bệnh khi dùng với liều rất cao. Vì vậy, không cần thiết phải có những biện pháp đặc biệt dùng để điều trị đặc hiệu hay hỗ trợ khi xảy ra tình trạng quá liều ở người bệnh dùng thuốc. Tuy nhiên, người dùng thuốc nên báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn thêm thông tin.
4. Tác dụng phụ của thuốc Befatropyl
Khi sử dụng thuốc Befatropyl, người bệnh có thể gặp các tác dụng không mong muốn sau:
- Toàn thân: Cảm giác mệt mỏi, yếu sức.
- Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn và nôn, tiêu chảy cấp, chướng bụng, đau quặn bụng.
- Thần kinh: Cảm giác bồn chồn, lo lắng, dễ bị kích thích, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, ngủ gà.
- Một số tác dụng phụ ít gặp như: Chóng mặt, run tay chân, tăng ham muốn tình dục.
Trong quá trình dùng thuốc, nếu người bệnh xuất hiện các tác dụng phụ, cần thông báo ngay cho bác sĩ biết để được tham khảo ý kiến và tư vấn phù hợp.
5. Tương tác thuốc Befatropyl
Thuốc Befatropyl không được khuyến cáo dùng đồng thời với tinh chất tuyến giáp có thể gây ra cho người dùng thuốc các triệu chứng như lú lẫn, dễ bị kích thích và rối loạn giấc ngủ.
6. Một số lưu ý khi dùng thuốc Befatropyl
- Cần theo dõi chức năng thận trong quá trình dùng thuốc Befatropyl đối với người bệnh bị suy thận và người bệnh lớn tuổi (trên 70 tuổi).
- Trường hợp người bệnh có hệ số thanh thải Creatinin là 40-60ml/phút, creatinin huyết thanh từ 1,25-1,7mg/100ml thì nên chỉ định dùng với liều bằng 1⁄2 so với liều bình thường được khuyến cáo.
- Trường hợp người bệnh có hệ số thanh thải Creatinin là 20-40ml/phút, creatinin huyết thanh từ 1,7-3mg/100ml thì nên chỉ định dùng với liều bằng 1⁄4 so với liều bình thường được khuyến cáo.
- Không nên dùng thuốc Befatropyl cho phụ nữ có thai hay cho con bú vì chưa xác định mức độ an toàn của thuốc tác động trên thai nhi và trẻ bú mẹ.
- Tránh dùng cho người đang lái xe hay điều khiển máy móc vì thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như chóng mặt, ngủ gà, mệt mỏi.
Trên đây là những thông tin quan trọng của thuốc Befatropyl việc đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng và tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ sẽ mang tới kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.