Cha mẹ cần biết rằng chứng hay quên ở tuổi dậy thì là có thật. Khi có biểu hiện đãng trí, cuộc sống của trẻ có thể đang trở nên hỗn loạn. Hiểu về các nguyên nhân dẫn đến chứng hay quên của người trẻ, cha mẹ sẽ giúp con tổ chức, sắp xếp mọi việc rõ ràng, hiệu quả hơn.
1. Các nguyên nhân thường gặp gây chứng hay quên ở tuổi dậy thì
1.1. Thay đổi nội tiết tố gây ra chứng hay quên
Với sự gia tăng của các hormone hoàn toàn mới, não bộ sẽ bị kích thích quá mức với những cảm xúc thường khó kiểm soát. Khi não tiếp tục phát triển trong suốt thời kỳ thiếu niên, sự phát triển này sẽ ảnh hưởng đến chức năng ở các phần khác nhau của não, bao gồm cả vỏ não trước trán.
Lúc này, chứng hay quên ở tuổi dậy thì có thể là do việc lập kế hoạch, trí nhớ và khả năng kiểm soát các hành vi xã hội đã bị ảnh hưởng do sự phát triển diễn ra trong não. Chứng hay quên trở thành điều không thể tránh khỏi với sự tiến hóa liên tục mà não bộ trải qua trong thời kỳ thanh thiếu niên.
1.2. Thiếu thời gian dành cho giấc ngủ
Trẻ bước vào tuổi dậy thì thường cần dành ra nhiều thời gian trong ngày để ngủ, tạo điều kiện cho cơ thể phát triển. 8 đến 10 giờ mỗi đêm là thời gian khuyến nghị về giấc ngủ mà thanh thiếu niên cần trong những năm phát triển quan trọng này.
Tuy nhiên, trẻ thường ham thích nhiều việc khác nhau thay vì để ngủ. Điều này có thể khiến khả năng tập trung và ghi nhớ khó đạt được.
1.3. Đa tác vụ
Thanh thiếu niên nên làm từng nhiệm vụ một vì não có thể bị quá tải và mắc chứng hay quên.
Khi phải lĩnh hội quá nhiều thông tin, cần thực hiện nhiều hoạt động trong một ngày, từ học hành, ăn uống, hoạt động thể chất, vui chơi với bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác mới mở ra, có thể khiến một đứa trẻ vào tuổi dậy thì choáng ngợp đến mức mắc chứng hay quên liên tục, bỏ sót những gì cần phải làm.
1.4. Tình trạng sức khỏe
Chứng hay quên của người trẻ đôi khi dễ bị bỏ qua các nguyên nhân do tình trạng bất thường ảnh hưởng đến não, như chứng khó đọc, tăng động giảm chú ý, trầm cảm, tổn thương não thực thể do u não, sau chấn thương đầu hoặc các vấn đề về tuyến giáp.
Nếu cha mẹ nghĩ rằng con mình mắc chứng hay quên nhiều hơn mức có thể chấp nhận thì nên đưa trẻ đến khám tại bác sĩ nhi khoa.
2. Các nguyên nhân ít gặp có thể gây mất trí nhớ ở thanh thiếu niên
2.1. Khả năng tiếp thu chậm
Một số trẻ có thể học chậm khiến trí nhớ kém và thụt lùi trong học tập so với các bạn cùng lứa tuổi.
Các đặc điểm khác của người học chậm bao gồm:
- Thiếu tập trung;
- Trí tưởng tượng kém;
- Không có khả năng diễn đạt ý tưởng bằng lời nói;
- Kỹ năng xã hội kém.
Lưu ý rằng trẻ học chậm không phải lúc nào cũng bị rối loạn tâm thần. Thay vào đó, trẻ có thể chỉ cần nhiều thời gian hơn những người khác để xử lý và hiểu các khái niệm. Với các kỹ thuật giảng dạy được cải tiến và sự quan tâm hơn nữa của cha mẹ và giáo viên, các vấn đề về trí nhớ ở trẻ có thể được giải quyết hiệu quả.
2.1. Dùng thuốc gây mất trí nhớ ở thanh thiếu niên
Một số loại thuốc cũng có thể là nguyên nhân của chứng hay quên ở người trẻ. Thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm và thuốc huyết áp có thể ảnh hưởng đến trí nhớ. Những loại thuốc này tạo ra tác dụng an thần, có thể khiến bộ não khó tập trung và ghi nhớ thông tin.
2.3. Thiếu vitamin B-12
Một nghiên cứu trên 3.156 trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 12 cho thấy sự thiếu hụt vitamin B12 có liên quan đến việc đi học lại lớp và nghỉ học ở trẻ em. Một nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng lượng vitamin B12 thấp có thể liên quan đến rối loạn nhận thức thần kinh. Vì vậy, thiếu hụt vitamin cũng có thể là một lý do dẫn đến tình trạng mất trí nhớ đột ngột ở thanh thiếu niên.
Các triệu chứng thiếu vitamin B12 khác bao gồm:
- Tê và cảm giác ngứa ran ở tay và chân;
- Thiếu máu;
- Yếu đuối;
- Mệt mỏi;
- Viêm lưỡi.
2.4. Sử dụng chất gây nghiện
Các nghiên cứu phát hiện ra rằng lạm dụng chất kích thích, chẳng hạn như rượu và ma túy, có thể dẫn đến thay đổi cấu trúc và chức năng của não. Uống nhiều rượu cũng có thể liên quan đến chứng hay quên của người trẻ.
2.5. Căng thẳng và lo lắng
Các vùng hạch hạnh nhân và hồi hải mã của não rất quan trọng để xử lý cảm xúc, lưu giữ chúng dưới dạng ký ức. Những điều này cũng liên quan đến việc học và điều hòa trí nhớ. Các nghiên cứu phát hiện ra rằng những đứa trẻ tiếp xúc với căng thẳng và lo lắng trong thời thơ ấu cho thấy thay đổi trong sự phát triển của hạch hạnh nhân cũng như hồi hải mã, dẫn đến mất trí nhớ ở tuổi thiếu niên.
2.6. Sử dụng thiết bị quá mức
Trong thời đại bùng nổ các thiết bị nghe nhìn, mặc dù cần phải điều tra thêm, các nghiên cứu hiện có cho thấy việc sử dụng điện thoại thông minh trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến chức năng bộ nhớ ở thanh thiếu niên.
3. Các biện pháp khắc phục tại nhà để cải thiện trí nhớ ở trẻ dậy thì
Làm theo lời khuyên của bác sĩ là cách điều trị tốt cho chứng mất trí nhớ ngắn hạn. Nếu nguyên nhân cơ bản được điều trị, trẻ hoàn toàn có thể lấy lại khả năng ghi nhớ bình thường. Tuy vậy, để giúp con trong quá trình điều trị, cha mẹ có thể xem xét thử một số biện pháp khắc phục tại nhà sau để cải thiện sự tập trung cho trẻ hiệu quả hơn”
- Nhai kẹo cao su: Vai trò của nhai kẹo cao su là làm tăng khả năng tỉnh táo và tập trung, đây có thể là lý do đằng sau hiệu suất học tập và làm việc của trẻ sẽ đạt được tốt hơn.
- Tập Yoga và thiền định: Các bài tập yoga kết hợp có thể giúp cải thiện trí nhớ, giúp tăng hiệu suất học tập ở thanh thiếu niên. Thiền có thể giúp đạt được mức độ tập trung và ý thức cao hơn. Các bài tập thở có thể giúp giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe tinh thần tốt hơn. Do đó, khuyến khích trẻ tập yoga và thiền thường xuyên sẽ có thể hạn chế chứng hay quên nếu thực hành lâu dài và nhất quán.
- Tập đọc: Các nghiên cứu phát hiện ra rằng cần tập trung để đọc một thứ gì đó được trình bày ở định dạng khó đọc là một biện pháp luyện tập để giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn.
- Vẽ nguệch ngoạc: Mặc dù đây được coi là dấu hiệu của sự thiếu chú ý, các nghiên cứu cho biết vẽ nguệch ngoạc có thể giúp não bộ tập trung và nhớ lại thông tin tốt hơn. Hành động vô thức này cũng có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện sự tập trung.
- Thường xuyên cười: Tình trạng căng thẳng nhiều làm dư thừa sản xuất hormone cortisol khiến các tế bào thần kinh liên quan đến học tập và trí nhớ bị hỏng. Lúc này, tiếng cười sẽ giúp giảm mức cortisol, cải thiện trí nhớ ngắn hạn. Vì vậy, cha mẹ cần khuyến khích con thường xuyên cười và vui vẻ.
Tóm lại, khi não tiếp tục phát triển trong suốt thời kỳ thiếu niên, sự phát triển này sẽ ảnh hưởng đến chức năng ở các phần khác nhau của não, gây ra chứng hay quên ở tuổi dậy thì. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố khác cũng khiến trẻ mắc chứng hay quên nhưng đây là một khía cạnh bình thường trong cuộc sống. Là cha mẹ, người lớn cần đảm bảo điều kiện phát triển bình thường về mặt tinh thần cho trẻ, quan sát xem con có các bất thường sức khỏe nào khác hay không để được thăm khám kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: stonewaterrecovery.com, .mvorganizing.org, momjunction.com