Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có kích thước tương đối nhỏ, nằm phía trước cổ và có hình con bướm. Những bệnh nhân mắc phải bệnh lý tuyến giáp sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn,... Một trong những bệnh lý tuyến giáp phổ biến nhất hiện nay là viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto.
1. Viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto là bệnh gì?
Viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công vào tuyến giáp, một tuyến nhỏ thuộc cơ quan ở cổ và nằm bên dưới yết hầu. Tuyến giáp vốn là một phần thuộc hệ thống nội tiết, chuyên sản xuất hormone đóng vai trò phối hợp với rất nhiều chức năng của cơ thể. Bệnh viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto thường gặp ở những người có tuyến giáp hoạt động kém.
2. Nguyên nhân gây ra viêm tuyến giáp Hashimoto
Dù vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân của bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto, nhưng nhìn chung những yếu tố dưới đây được coi là tác nhân chính gây bệnh, gồm có:
- Gen di truyền: theo thống kê, đa số các trường hợp bệnh nhân mắc phải bệnh viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto đều có người thân trong gia đình từng mắc phải căn bệnh này hoặc một số bệnh lý liên quan đến tuyến giáp, hay chứng rối loạn hệ miễn dịch. Do đó tính di truyền được xem như một thủ phạm gây nên bệnh viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto.
- Giới tính: phụ nữ thường có nguy cơ mắc phải bệnh Hashimoto cao hơn nam giới. Đặc biệt, có rất nhiều phụ nữ đã mắc phải những vấn đề về tuyến giáp trong khoảng 1 năm đầu tiên sau sinh. Mặc dù những vấn đề này có thể tự khỏi, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp bệnh phát triển lớn mạnh hơn, trở thành bệnh viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto trong những năm sau đó.
- Nhiễm phóng xạ: nhiều báo cáo đã chỉ ra rằng số lượng bệnh nhân bị viêm tuyến bắt đầu gia tăng từ những người đã bị nhiễm phóng xạ hoặc các bệnh nhân xạ trị do mắc bệnh ung thư máu Hodgkin.
3. Cơ chế hình thành viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto
Hiện nay, cơ chế bệnh sinh vẫn chưa được hiểu rõ toàn bộ, nhưng tất cả các chuyên gia y tế đều công nhận đây là căn bệnh tự miễn. Trước kia, khi chưa thể tìm ra được kháng thể trong máu của những người mắc bệnh, căn bệnh này thường chỉ được chẩn đoán bằng cách xác định qua sinh thiết tuyến giáp.
Bệnh viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto còn có tên gọi là viêm tuyến giáp lympho mạn tính, được chia thành 2 dạng chính như sau:
- Viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto đối với các thể kinh điển.
- Những dạng viêm tuyến giáp thể tự miễn khác, gồm có các biến dạng của Hashimoto, và một số dạng tổn thương khá tương đồng với Hashimoto như bệnh viêm tuyến giáp lympho ở trẻ em và thiếu niên, hoặc viêm tuyến giáp teo (những dạng này có thể gây ra myxedema “vô căn”), hay viêm tuyến giáp teo nhưng không có triệu chứng.
Liên quan đến dịch tễ học, dù chưa có những điều tra cụ thể nhưng qua ghi nhận có thể thấy bệnh viêm giáp Hashimoto rất phổ biến, với tần suất đang có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây.
Đặc biệt, 90% bệnh xảy ra ở phụ nữ, tuy nhiên bệnh cũng có thể được bắt gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhiều nhất trong nhóm tuổi từ 30-60 tuổi, có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau như yếu tố gia đình, hoặc xảy ra đồng thời cùng với một số căn bệnh tự miễn khác như: đái tháo đường, thiếu máu ác tính, suy cận giáp vô căn, teo tuyến thượng thận vô căn, viêm khớp dạng thấp, nhược cơ, viêm gan mạn tấn công, bạc tóc sớm, hội chứng Sjogren, xơ gan do mật,...
Riêng hội chứng Schmidt có thể gồm những bệnh sau: viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto, đái tháo đường, suy thượng thận vô căn, suy cận giáp, suy buồng trứng.
4. Chẩn đoán, điều trị viêm giáp Hashimoto như thế nào?
Phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời sẽ mang lại những hiệu quả tốt nhất cho người bệnh. Do đó, nếu gặp một số triệu chứng sau của bệnh, hãy nhanh chóng gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị bệnh:
- Mệt mỏi, cơ thể đau nhức;
- Chịu lạnh kém, dễ nhạy cảm với những cơn gió lạnh;
- Thường xuyên bị táo bón;
- Da khô và nhợt nhạt, móng tay dễ gãy, tóc rụng nhiều;
- Tăng cân không rõ nguyên nhân;
- Kinh nguyệt không ổn định, bị rong kinh hoặc quá kinh;
- Giảm trí nhớ.
Để đưa ra những chẩn đoán kịp thời về bệnh viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto, bệnh nhân sẽ được bác sĩ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm máu bắt buộc để kiểm tra được hàm lượng hormon của tuyến giáp trong máu.
Đa số các trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện những xét nghiệm T3 và T4 nhằm xác định tình trạng suy giáp của người bệnh, nếu như cả 2 giá trị trên đều nằm trong giới hạn cho phép thì bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện thêm xét nghiệm TSH.
Đây là một loại hormon được tiết ra khá nhiều để kích thích cho tuyến giáp hoạt động nếu tuyến giáp đang có xu hướng hoạt động yếu đi. Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân kiểm tra những kháng thể có thể chống lại các thành phần của tuyến giáp trong cơ thể của người bệnh như: anti- TPO, anti- TG.
Bệnh viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto sẽ không gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh nếu đang trong giai đoạn bình giáp. Do đó, nếu đang trong giai đoạn này, bệnh nhân không cần phải điều trị bằng thuốc, chỉ cần thực hiện các bước khám định kỳ nhằm theo dõi diễn biến cụ thể của bệnh.
Trong những trường hợp bệnh đã chuyển biến đến giai đoạn suy giáp, khi đó tuyến giáp sẽ không cung cấp đủ lượng hormon tuyến giáp, do đó việc điều trị bệnh này bằng cách sử dụng hormon thay thế levothyroxine được cho là điều cần thiết.
Loại thuốc này sẽ không gây ra các tác dụng phụ không mong muốn nếu sử dụng được đúng mục đích, và đúng liều lượng được bác sĩ chỉ định. Sau một khoảng thời gian sử dụng thuốc thì tình trạng bệnh sẽ được cải thiện rõ rệt, và tuyến giáp sẽ nhỏ dần nhưng đối với việc ngưng thuốc là điều không thể và không nên.
Viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto là một bệnh lý rất phức tạp. Trong đó quá trình phát hiện bệnh, tìm hiểu nguyên nhân, cơ chế hình thành bệnh tương đối khó khăn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do đó, bạn nên lựa chọn cơ sở uy tín để thăm khám bệnh lý.
Phát hiện sớm viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto có thể giúp nâng cao hiệu quả của quá trình điều trị và giảm các biến chứng không mong muốn. Biện pháp hiệu quả nhất là khám sức khỏe tổng quát định kỳ để sớm phát hiện ra các vấn đề về tuyến giáp và các vấn đề sức khỏe khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.