Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Bệnh mạch vành là khái niệm dùng để mô tả tình trạng máu đến tim không được đáp ứng một cách đầy đủ bởi lòng máu nuôi tim bị hẹp hay bị tắc, hoặc do nguyên nhân khác, chủ yếu là do xơ vữa động mạch. Đây là một trong những căn nguyên gây tử vong số 1 trong các bệnh lý liên quan đến tim mạch.
1. Dấu hiệu của bệnh nhân mắc bệnh mạch vành
Triệu chứng nổi bật nhất ở bệnh nhân bệnh mạch vành là đau thắt ngực trái, thường xảy ra khi xúc động, nhiễm lạnh hoặc gắng hết sức để làm gì đó. Bệnh nhân mắc bệnh mạch vành thường cảm thấy đau như ai đó bóp vặn, xoắn trong tim, tình trạng đau có thể lan sang hàm, qua cẳng cánh tay hoặc vai, một số ít trường hợp lan ra sau lưng hoặc vùng cột sống...
Thường thì khi người bệnh được nghỉ ngơi, cơn đau chỉ kéo dài từ 5-10 phút rồi tự hết, còn nếu cơn đau kéo dài trên 15 phút thì khả năng rất cao là do nhồi máu cơ tim. Những vị trí thường xảy ra đau là vùng tim, sau xương ức hoặc giữa ngực.
Có 2 loại đau thắt ngực, bao gồm: đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định. Tình trạng đau thắt ngực ổn định xảy ra do mảng xơ vữa khiến lòng động mạch vành bị hẹp, khi người bệnh gắng sức đề làm gì đó hay trong cùng 1 hoàn cảnh, tình trạng này sẽ xuất hiện lặp đi lặp lại.
Đau thắt ngực không ổn định có thể xảy ra kể cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi hoặc gắng sức nhưng tình trạng này không đỡ khi đã ngừng gắng sức. Nếu không được xử trí kịp thời đau thắt ngực không ổn định sẽ rất nguy hiểm vì dễ chuyển thành nhồi máu cơ tim.
Hoàn cảnh xảy ra đau thắt ngực chính là dấu hiệu chủ yếu để phân biệt giữa đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định. Ổn định là khi gắng sức với 1 mức độ nhất định, còn nếu đau thắt ngực xuất hiện khi nghỉ ngơi thì đây chính là sự không ổn định và có thể chuyển thành nhồi máu cơ tim, thậm chí đột tử.
Một số trường hợp mắc bệnh mạch vành không có dấu hiệu đau thắt ngực, chẳng hạn như người già, bệnh nhân bị tiểu đường, tắc nghẽn phổi mạn tính. Biểu hiện thường gặp ở những đối tượng này là cảm giác mệt mỏi hoặc khó thở khi cố gắng sức. Đây là lý do khiến cho việc chẩn đoán trở nên chậm trễ cho đến khi bệnh tiến triển thành nhồi máu cơ tim.
Bạn cần phải hết sức lưu ý và cẩn trọng nếu cơn đau thắt ngực xuất hiện. Bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán một cách chính xác nhất nguyên nhân gây nên tình trạng này.
2. Nguyên nhân gây bệnh mạch vành
Sự lắng đọng các chất béo như cholesterol được gọi là mảng xơ vữa, nằm dọc thành mạch, đây chính là nguyên nhân gây ra bệnh mạch vành. Sự lắng đọng này dày lên do thành mạch bị hẹp, thậm chí có thể tắc mạch. Rất nguy hiểm nếu tắc nghẽn không được điều trị bởi động mạch vành cung cấp máu giàu oxy đến cơ tim, người bệnh có thể bị nhồi máu cơ tim hoặc tử vong.
Khả năng bị xơ vữa gây hẹp động mạch vành tăng do rất nhiều yếu tố, bao gồm:
- Tuổi cao
- Nam có nguy cơ bị cao hơn nữ gấp 2-3 lần
- Gia đình có tiền sử mắc bệnh động mạch vành
- Do chủng tộc
Bên cạnh đó, có một số yếu tố nguy cơ thay đổi được, chẳng hạn như:
- Người bệnh hút thuốc là
- Béo phì
- Ít vận động
- Bị tăng huyết áp
- Cảm giác lo lắng, mệt mỏi
- Bệnh nhân bị đái tháo đường
- Bệnh nhân bị rối loạn mỡ máu
Xác định được các yếu tố nguy cơ giúp chúng ta có thể tránh, tử bỏ hoặc khống chế kịp thời những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được và biết rõ bản thân mình mang những yếu tố nguy cơ nào không thể thay đổi được. Đối với tất cả mọi trường hợp, nguyên tắc bất di bất dịch luôn là đề cao phòng bệnh. Vì vậy, nên cố gắng tạo ra một cuộc sống với ít những yếu tố nguy cơ nhất có thể.
3. Cách ngăn ngừa bệnh mạch vành
Dưới đây là một số biện pháp nhằm ngăn ngừa bệnh mạch vành, bao gồm:
- Thực hiện chế độ ăn nhiều rau quả, cá, ít cholesterol và mỡ bão hòa
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý
- Lượng muối đưa vào cơ thể cần được hạn chế
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao
- Không nên hút thuốc
- Tránh căng thẳng, mệt mỏi, áp lực, tạo cho bản thân tâm lý thoải mái nhất có thể
- Tránh uống rượu và các chất kích thích
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ
- Hạn chế ăn đồ ngọt
- Không nên ăn phủ tạng của động vật
- Một số bệnh lý liên quan đến bệnh mạch vành cần được điều trị, chẳng hạn như: tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì...
- Đối với bệnh nhân bệnh mạch vành cần tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Với những bệnh nhân bị tăng huyết áp hay có lượng cholesterol trong máu cao hoặc có nhiều yếu tố nguy cơ kết hợp, người bệnh cần được điều trị bằng thuốc. Bên cạnh đó, bạn cần thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, luyện tập thể dục đều đặn và các thói quen có hại nên được điều chỉnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Hội Tim mạch học Việt Nam