Nguyên nhân bị khó thở khi nằm

Hiện tượng khó thở khi nằm sẽ có thể ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe của chúng ta. Nó gây ra cảm giác khó chịu, mệt mỏi hoặc có thể trở thành dấu hiệu cảnh báo bệnh lý của cơ thể. Bị khó thở khi nằm có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hãy tham khảo bài viết này để biết được nguyên nhân gây hiện tượng này, các triệu chứng và phương pháp điều trị tình trạng này.

1. Nguyên nhân gây khó thở khi nằm

Khó thở khi nằm là tình trạng bất thường khi một người cảm thấy khó thở khi nằm thẳng. Khi đó, đầu phải được nâng lên bằng cách ngồi hoặc đứng để có thể thoải mái hoặc thở sâu. Dưới đây là một số nguyên nhân bệnh lý phổ biến gây khó thở khi nằm:

  • Hội chứng ngưng thở khi nằm ngủ: do amidan cản trở hô hấp hay đường thở yếu, lưỡi quá lớn hay vị trí của hàm
  • Suy tim: bệnh lý này thường khiến người bệnh thức giấc nửa đêm cùng với đó là tình trạng khó thở đột ngột.
  • Hen suyễn: do niêm mạc đường hô hấp bị phù nề, tiết nhiều đờm nên người bệnh thường xuyên cảm thấy khó thở khi nằm xuống, thở dồn, tức ngực.
  • Phù phổi: do chất lỏng dư thừa tích tụ trong các túi khí ở phổi nên người bệnh sẽ cảm thấy khó thở, nhất là sau khi nằm.
  • Viêm mũi, viêm xoang: khi thời tiết thay đổi những bệnh nhân này hay bị chảy nước mũi, ho, thở gấp và khó thở khi nằm ngửa. Nguyên nhân do nước mũi chảy xuống họng chặn đường hô hấp, khiến cho oxy không được đưa đến phổi.
  • Bệnh lý khác: rối loạn hoảng sợ, tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD).

Ngoài các nguyên nhân bệnh lý phổ biến trên, việc nằm ngủ bị khó thở cũng có thể là do các nguyên nhân không phải bệnh lý như:

  • Nằm ngay sau khi ăn: Sau bữa ăn nếu bạn nằm ngay, thức ăn bị đẩy ngược lên thực quản hoặc tạo thành áp lực đè lên cơ hoành. Ngồi nghỉ hoặc đi lại nhẹ nhàng sau khi ăn có thể giúp giảm bớt cảm giác khó chịu này.
  • Béo phì hoặc thừa cân. Tuy không trực tiếp gây khó thở khi nằm nhưng béo phì thường gây áp lực lên cơ hoành và phổi, dẫn đến tình trạng khó thở khi nằm.
  • Việc mặc quần áo quá bó, quá chật cũng có thể gây ra cảm giác tương tự.

Ngoài ra, nếu mắc coronavirus chủng mới bạn có thể gặp triệu chứng khó thở. Do vậy, khi có các biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc nghi ngờ mình tiếp xúc gần với người nhiễm virus corona, hãy liên hệ với cơ quan y tế để được hướng dẫn cách ly và điều trị Covid-19.


Khó thở khi nằm là tình trạng bất thường khi một người cảm thấy khó thở khi nằm thẳng
Khó thở khi nằm là tình trạng bất thường khi một người cảm thấy khó thở khi nằm thẳng

2. Các triệu chứng khó thở khi nằm

Ban đầu bạn có thể cảm thấy khó thở khi nằm xuống, khó khăn khi hít vào và thở ra. Nếu khó thở là do chứng ngưng thở khi ngủ hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), người bệnh còn có thể gặp một số triệu chứng khác:

Khi mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể có các triệu chứng sau:

  • Khó duy trì giấc ngủ
  • Cảm thấy mệt mỏi cả ngày
  • Ngáy khi ngủ
  • Đau đầu khi ngủ dậy
  • Đau họng khi ngủ dậy

Các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) gồm có:

  • Ho mãn tính
  • Khó thở mỗi khi hoạt động
  • Thở khò khè
  • Viêm phế quản hay các bệnh nhiễm trùng ở vùng ngực thường xuyên

Hãy gọi cấp cứu ngay nếu gặp bất cứ triệu chứng nào sau đây cùng với khó thở:

  • Đau ở ngực
  • Đau nhói ở cánh tay ,cổ hoặc vai
  • Sốt
  • Thở gấp
  • Nhịp tim nhanh
  • Xung yếu
  • Chóng mặt khi đứng hoặc ngồi

3. Xử trí với hiện tượng khó thở khi nằm xuống

3.1. Thăm khám bác sĩ chuyên khoa

Do có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên tình trạng khó thở khi nằm, trong đó có những nguyên nhân bệnh lý nguy hiểm, cần được điều trị để ngăn ngừa ảnh hưởng đến sức khỏe nên tốt nhất, hãy thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt khi hiện tượng này xảy ra với bạn. Người bệnh hãy cho bác sĩ biết về triệu chứng mà mình đang gặp phải, bệnh lý đang mắc cũng như các loại thuốc mà bạn đang sử dụng. Đây cũng là cơ sở để bác sĩ có biện pháp xử trí tốt nhất.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, thực hiện những kỹ thuật kiểm tra cần thiết để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây khó thở ở từng bệnh nhân như:

Tổn thương đường thở là nguyên nhân chủ yếu gây tình trạng khó thở khi nằm xuống. Do vậy, biện pháp điều trị phổ biến được áp dụng sẽ nhằm mục đích làm giảm tổn thương niêm mạc đường hô hấp, tái cấu trúc phế quản và phổi cùng với đó là ngăn chặn quá trình xơ hóa.


Thăm khám bác sĩ chuyên khoa khi bị khó thở khi nằm
Thăm khám bác sĩ chuyên khoa khi bị khó thở khi nằm

3.2. Biện pháp hỗ trợ tại nhà

Nếu bạn gặp hiện tượng khó thở khi nằm, bạn cũng có thể thực hiện một số biện pháp hỗ trợ tại nhà sau đây để giảm thiểu sự khó chịu, bao gồm:

  • Hãy ngồi dậy và hít thở sâu để cho hơi thở được điều hòa trở lại.
  • Giảm cân nếu khó thở xuất phát từ nguyên nhân thừa cân, béo phì.
  • Thường xuyên tập luyện tập thể dục, thể thao để giúp tinh thần sảng khoái, tăng cường sức đề kháng, từ đó giấc ngủ của bạn sẽ sâu và ngon hơn
  • Mỗi ngày hãy dành thời gian tập hít thở sâu, thở đều
  • Xây dựng chế độ ăn khoa học, lành mạnh, bỏ hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, nghỉ ngơi khoa học.

Trên đây là những thông tin hữu ích về hiện tượng khó thở khi nằm. Do có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên hiện tượng này, nên bạn không được chủ quan. Nếu xuất hiện tình trạng khó thở khi nằm, hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và tìm phương pháp điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe