Nguồn gốc và vai trò của hồng cầu

Bài viết của Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Na - Bác sĩ Huyết học - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Vai trò của hồng cầu giúp cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho cơ thể. Thiếu hồng cầu là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu máu. Tình trạng này khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chán ăn...

1. Hồng cầu là gì?

Hồng cầu là tế bào làm nhiệm vụ vận chuyển oxy trong cơ thể. Chúng rất nhỏ và có hình dạng trông như những chiếc bánh vòng. Tuổi thọ trung bình của hồng cầu là 120 ngày trong cơ thể. Tế bào hồng cầu chứa một protein gọi là hemoglobin, chứa sắt, có khả năng gắn oxy và cũng là nguyên nhân làm cho máu màu đỏ. Thiếu nồng độ hemoglobin là nguyên nhân dẫn đến thiếu máu.

2. Hồng cầu được sinh ra như thế nào?

Hồng cầu được sinh ra từ tế bào gốc sinh máu, tăng sinh và biệt hóa qua các giai đoạn. Từ tế bào nguồn dòng hồng cầu (CFU-E), dưới tác động của erythropoietin (EPO), tế bào đầu dòng của hồng cầu được tạo ra, gọi là tiền nguyên hồng cầu (proerythroblast). Đó là tế bào có kích thước lớn (đường kính khoảng 20- 25μm) nhân tròn, lưới màu nhân sáng và rất mịn với một hạt nhân nhạt, có khi không thấy rõ hạt nhân. Bào tương tròn đều, ưa base mạnh (xanh thẫm) do chứa nhiều ribosom cần thiết cho việc tổng hợp một lượng lớn huyết sắc tố. Thường thấy khoảng sáng quanh nhân trên tiêu bản nhuộm Giemsa. Có khi thấy bào tương lồi ra tạo thành hình "giả túc".

Một tiền nguyên hồng cầu sinh ra hai nguyên hồng cầu ưa base I (erythroblast basophil) và thành bốn nguyên hồng cầu ưa base II. Tuy nhiên dưới kính hiển vi quang học, không thể phân biệt được nguyên hồng cầu ưa base I và nguyên hồng cầu ưa base II. Tính chất trưởng thành hơn (biệt hoá) so với tiền nguyên hồng cầu được thể hiện bởi sự ngưng tụ đặc biệt của chất nhân tạo thành từng cụm nhỏ thẫm màu, sắp xếp rất đều thành hình "nan hoa bánh xe" Kích thước tế bào nhỏ hơn tiền nguyên hồng cầu (đường kính 16-18 μm). Quá trình tổng hợp huyết sắc tố chỉ mới bắt đầu với một tỷ lệ rất thấp, do vậy trên tiêu bản nhuộm Giemsa gần như không nhận thấy sự thay đổi màu sắc của bào tương.

Một nguyên hồng cầu ưa base sinh ra hai nguyên hồng cầu đa sắc (erythroblast polycromatophil). Do bào tương đã có một lượng đáng kể huyết sắc tố (màu da cam) được tổng hợp và vẫn còn tồn tại các ribosom (ưa base) nên bào tương có màu pha trộn giữa xanh và da cam (xám xanh) trên tiêu bản nhuộm Giemsa. Tế bào có kích thước nhỏ hơn, đường kính khoảng 12-15 μm. Nhân thường tròn, nằm ở trung tâm bào tương, lưới màu nhân bắt đầu đông vón lại tạo nên hình ảnh những "cục" đều đặn. Thông thường, các nguyên hồng cầu đa sắc có khoảng sáng quanh nhân rất rõ nét. Đây là giai đoạn cuối cùng tế bào còn khả năng nhân đôi trong quá trình biệt hoá dòng hồng cầu.

Nguyên hồng cầu ưa acid (erythroblast acidophil) được tạo ra do nguyên hồng cầu đa sắc nhân đôi. Giai đoạn này, sự tổng hợp huyết sắc tố đã gần xong, tế bào không còn phân bào nữa. Nguyên hồng cầu ưa acid có đường kính 10-15 μm. Nhân tròn, nhỏ, màu rất sẫm nằm ở chính giữa tế bào và gần như sắp tan. Bào tương màu da cam, màu sắc gần như hồng cầu trưởng thành.

Hồng cầu lưới là giai đoạn cuối cùng của sự trưởng thành dòng hồng cầu còn vết tích nhân. Kích thước tế bào bằng hoặc to hơn hồng cầu trưởng thành một ít (đường kính 7-11 μm). Nhân đã biến mất. Trong bào tương còn lại một vài ty lạp thể và ribosom, làm cho tế bào còn khả năng tổng hợp một ít huyết sắc tố. Khi nhuộm tế bào bằng phương pháp tủa đặc biệt (nhuộm xanh cresyl), có thể quan sát được vết tích nhân còn sót lại là hình lưới hoặc các hạt nhỏ bắt màu tím sẫm trên nền bào tương xanh nhạt. Hồng cầu lưới ở lại tủy xương khoảng 24 giờ thì được phóng thích ra máu ngoại vi. Tại đây, chúng tồn tại thêm 24-48 giờ nữa ở trạng thái "lưới” rồi mất nhân hoàn toàn để trở thành hồng cầu trưởng thành. Hồng cầu lưới ở máu ngoại vi được coi là sự hiện diện của khả năng sinh hồng cầu của tủy xương. Khi hồng cầu lưới tăng nghĩa là tủy xương đang tạo hồng cầu mạnh mẽ.

Ở máu ngoại vi, số lượng hồng cầu trưởng thành ở người khoẻ mạnh bình thường trong khoảng 4,0-6,0 X 1012/l, tương ứng với lượng huyết sắc tố 120 - 180 g/l. Hồng cầu trưởng thành có hình đĩa lõm hai mặt, đường kính 7-8μm, dày 1-3μm, không có nhân. Trên tiêu bản máu nhuộm Giemsa, hồng cầu bắt màu đỏ hồng, ở giữa có khoảng sáng tròn.


Vai trò của hồng cầu: vận chuyển oxy trong cơ thể
Vai trò của hồng cầu: vận chuyển oxy trong cơ thể

3. Vai trò của hồng cầu là gì?

Vai trò của hồng cầu là gì? là câu hỏi được rất nhiều độc giả quan tâm. Chức năng của hồng cầu là vận chuyển khí oxy (O2) từ phổi đến các mô, đi khắp mọi nơi trong cơ thể, nhận lại khí cacbonic (CO2) từ các mô trở về phổi để đào thải. Tế bào hồng cầu rất mềm dẻo. Vai trò của hồng cầu là xuyên qua cả những mạch máu nhỏ nhất (mao mạch), để cung cấp oxy cho tất cả các tế bào trong cơ thể. Khi tế bào hồng cầu già sẽ bị tiêu hủy ở lách, tủy xương sẽ sinh hồng cầu mới để thay thế và duy trì lượng hồng cầu bị mất. Khi cơ thể thiếu hồng cầu sẽ biểu hiện mệt mỏi, da xanh tím do thiếu oxy.

Xét nghiệm hồng cầu trong máu cần được thực hiện khi có biểu hiện thiếu hồng cầu. Đồng thời, bạn nên khám sức khỏe tổng quát giúp phát hiện sớm tình trạng thiếu hồng cầu để có kế hoạch điều chỉnh kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe