Một số người mắc viêm đường ruột có thể trải qua tình trạng tiêu chảy thường xuyên hoặc phải đối mặt với bệnh Crohn, một loại bệnh khiến cho các lớp của thành ruột bị viêm và tổn thương sâu. Điều này có thể xảy ra các biến chứng lâu dài như viêm loét hoặc tắc nghẽn đường tiêu hóa, suy dinh dưỡng và nguy cơ cao hơn là ung thư.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng BSCK I Đồng Xuân Hà - Phó trưởng khoa Khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
1. Viêm đường ruột là gì?
Viêm đường ruột (IBD) là những vấn đề liên quan đến tình trạng viêm mô mãn tính kéo dài trong đường tiêu hóa, bao gồm:
- Viêm loét đại tràng: Đây là tình trạng viêm và loét xuất hiện trên niêm mạc của đại tràng và trực tràng.
- Bệnh Crohn: Bệnh Crohn là tình trạng viêm niêm mạc hệ tiêu hóa, ảnh hưởng nhiều nhất đến phần ruột non. Cùng với đó, phần ruột già và đường tiêu hóa trên cũng có thể bị tổn thương, mặc dù không phổ biến.
Các triệu chứng đặc trưng của cả hai loại IBD này thường bao gồm tiêu chảy, đau bụng, mệt mỏi, sụt cân và chảy máu trực tràng. Một số trường hợp có thể chỉ thấy những triệu chứng nhẹ nhàng, nhưng đôi khi đây cũng là dấu hiệu cho thấy tình trạng suy giảm sức khỏe nghiêm trọng, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
2. Tại sao cần tầm soát định kỳ khi bị viêm ruột?
Viêm đường ruột có thể tăng nguy cơ viêm loét đường tiêu hóa bởi viêm trong đường ruột tạo điều kiện cho vi khuẩn gây hại tấn công. Bệnh viêm ruột mạn tính có thể dẫn đến viêm ruột kết gây loét và bệnh Crohn.
- Viêm ruột kết gây loét là tình trạng viêm ở ruột già, thường gây ra loét nặng ở phần trực tràng. Triệu chứng bao gồm tiêu chảy thường xuyên, phân có máu và nước nhầy nếu ruột kết bị tổn thương.
- Bệnh Crohn có thể tấn công bất kỳ vị trí nào trên hệ tiêu hóa, nhưng phổ biến nhất là ở cuối ruột non (đoạn cuối ruột hồi). Bệnh gây ra tình trạng viêm lan rộng và sâu vào các lớp thành ruột, vượt xa mức độ loét thường gặp trong viêm ruột kết và thường ảnh hưởng đến toàn bộ thành ruột.
Bên cạnh đó, viêm đường ruột còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được kiểm soát và điều trị đúng cách:
- Tắc nghẽn đường ruột: Viêm làm dày thành đường ruột, làm hẹp lòng ruột ngăn cản dòng chảy của ống tiêu hóa. Người bệnh có thể phải thực hiện cắt bỏ phần ruột bị viêm nếu tình trạng này tái diễn nhiều lần.
- Suy dinh dưỡng: Các triệu chứng như tiêu chảy, táo bón gây trở ngại cho quá trình hấp thu chất dinh dưỡng từ ruột, dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng, sút cân nhanh và mệt mỏi.
- Bệnh viêm đường ruột tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến ung thư ruột kết. Trong trường hợp không được điều trị trong khoảng 8 năm, bệnh có thể lan rộng sang đại trực tràng và thậm chí gây ra nguy cơ ung thư hậu môn. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thăm khám định kỳ cho những người mắc viêm đường ruột, nhằm sàng lọc các vấn đề tiêu hóa và ngăn ngừa bệnh trầm trọng hơn, đồng thời giảm thiểu nguy cơ phát sinh các biến chứng.
3. Nguyên nhân viêm đường ruột
Nguyên nhân gây viêm đường ruột đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Giả thuyết trước đây cho rằng chế độ ăn uống và tâm lý căng thẳng là một trong những nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, các bác sĩ đã kết luận các yếu tố này chỉ khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn chứ không phải nguyên nhân gây bệnh viêm ruột.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một số rối loạn chức năng của hệ thống miễn dịch có thể góp phần gây ra viêm đường ruột. Khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với vi khuẩn và virus xâm nhập, phản ứng miễn dịch bất thường có thể dẫn đến việc hệ miễn dịch tấn công sai lầm các tế bào trong hệ thống tiêu hóa. Ngoài ra, một số đột biến gen cũng được cho là có liên quan đến tình trạng viêm ruột.
Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Tuổi tác: Viêm ruột thường phát triển ở những người dưới 30 tuổi, cũng có một số trường hợp xuất hiện ở độ tuổi 50 - 60.
- Chủng tộc: Viêm đường ruột thường gặp ở người da trắng.
- Tiền sử gia đình có thành viên mắc bệnh.
- Thói quen hút thuốc lá.
- Sử dụng thuốc chống viêm không steroid như Ibuprofen, Naproxen natri, Diclofenac natri.
4. Dấu hiệu và triệu chứng của viêm đường ruột
- Triệu chứng phổ biến nhất của viêm đường ruột thường là tiêu chảy và đau bụng. Tiêu chảy có thể biến chuyển từ nhẹ đến nghiêm trọng, khiến người bệnh phải đi ngoài từ 20 lần/ngày trở lên. Hậu quả của tiêu chảy nặng có thể dẫn đến mất nước, nhịp tim tăng cao và tụt huyết áp. Nếu tình trạng máu trong phân và tiêu chảy kéo dài, người bệnh sẽ bị bệnh thiếu máu.
- Táo bón cũng là một trong những triệu chứng viêm ruột. Trong bệnh Crohn, táo bón thường là kết quả của tình trạng tắc nghẽn một phần của ruột. Trong viêm ruột kết gây loét, táo bón có thể là dấu hiệu của viêm trực tràng.
- Sốt, mệt mỏi và sút cân cũng là các dấu hiệu phổ biến do bệnh nhân chán ăn, khả năng hấp thụ giảm, mất nước vì tiêu chảy và viêm ruột mạn tính.
- Ngoài ra, một số người bị viêm đường ruột có thể xuất hiện các triệu chứng viêm nhiễm ở các vùng khác như khớp, mắt, gan và da. Trẻ em mắc bệnh viêm ruột có thể gặp phải tình trạng phát triển chậm.
5. Các biện pháp phòng ngừa và hạn chế viêm đường ruột tái phát
Để kiểm soát viêm đường ruột, người bệnh cần thực hiện các biện pháp sau:
- Rửa tay kỹ trước, trong và sau khi nấu ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Tránh uống nước chưa đun sôi và nước không được đảm bảo vệ sinh như nước suối hoặc nước giếng.
- Không sử dụng lại các dụng cụ dùng trong trong chế biến thực phẩm sống như trứng hoặc thịt gia cầm nếu chưa rửa sạch.
- Chỉ tiêu thụ thực phẩm đã nấu chín kỹ và bảo quản thực phẩm trong ngăn mát tủ lạnh.
- Hạn chế hút thuốc lá và tiêu thụ rượu bia.
6. Câu hỏi thường gặp về bệnh
Dưới đây là một số thông tin hữu ích giúp giải đáp những thắc mắc về căn bệnh này.
6.1 Có cần phải tầm soát định kỳ viêm đường ruột không?
Viêm ruột là căn bệnh nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Một trong những hậu quả đáng lo ngại nhất là gia tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Do đó, người bệnh nên thực hiện tầm soát và thăm khám định kỳ để theo dõi sát sao tình trạng bệnh, ngăn ngừa biến chứng và bảo vệ sức khỏe.
6.2 Chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người mắc viêm đường ruột là gì?
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm ruột, cụ thể:
- Thực phẩm nên ăn: Thực phẩm giàu axit béo Omega-3 (như hạt lanh, dầu cá...), thực phẩm dễ tiêu hóa (như bánh mì, bột yến mạch...).
- Thực phẩm nên hạn chế: Thực phẩm giàu axit béo Omega-6 (như thịt đỏ, đồ chiên...), sữa và các sản phẩm từ sữa (như phô mai, sữa chua...), thực phẩm có nhiều đường, đồ uống chứa cồn, caffeine…
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.