Bài được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Nội tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Ngoại tâm thu thất (PVCs) là nguyên nhân phổ biến nhất của nhịp tim không đều. Đây là dạng rối loạn nhịp tim phổ biến, thường được phát hiện một cách tình cờ, xuất hiện ở cả người khỏe mạnh và những người mắc bệnh lý tim mạch. Một số tên gọi khác của ngoại tâm thu thất là: Phức bộ thất đến sớm, nhát bóp thất đến sớm, ổ phát nhịp ngoại vị ở tâm thất.
1. Ngoại tâm thu thất là gì?
Ngoại tâm thu thất là tình trạng xuất hiện nhịp đập đến sớm bất thường, bắt nguồn từ cơ tâm thất (buồng tim phía dưới), thường có khoảng dừng nhẹ và sau đó là một nhịp tim mạnh hơn bình thường, xảy ra ngẫu nhiên hoặc có chu kỳ nhất định.
Ngoại tâm thu thất có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất từ 50 – 70 tuổi và ở nam nhiều hơn nữ. Về cơ bản, ngoại tâm thu được phân chia thành 2 nhóm chính: Ngoại tâm thu đơn giản (ngoại tâm thu đơn ổ, xuất hiện không thường xuyên) và ngoại tâm thu phức tạp (lặp lại, nhịp đôi, thường xuyên, đa ổ,...). Nhìn chung, ngoại tâm thu đơn giản thường có tiên lượng tốt hơn ngoại tâm thu phức tạp.
2. Các triệu chứng của ngoại tâm thu thất là gì?
Khi có ngoại tâm thu thất xảy ra, bệnh nhân thường mô tả đó là "cảm giác hồi hộp" hoặc "nhịp bị bỏ qua, rớt nhịp". Nhịp đập theo sau ngoại tâm thu thất có thể đủ mạnh để gây đau hoặc khó chịu ở ngực. Nếu ngoại tâm thu thất xảy ra thường xuyên hoặc xảy ra theo chuỗi, chúng có thể gây cảm giác rung rinh ở ngực hoặc cổ. Nếu ngoại tâm thu thất xảy ra nhiều, chúng đủ để làm giảm khả năng bơm máu của tim, bệnh nhân có thể bị suy nhược, chóng mặt hoặc ngất xỉu.
3. Nguyên nhân gây ra ngoại tâm thu thất?
Người khỏe mạnh ở mọi lứa tuổi đều có thể xuất hiện ngoại tâm thu thất. Trong hầu hết các trường hợp, ngoại tâm thu thất không kéo dài và nguyên nhân cơ bản không thể được xác định. Nếu ngoại tâm thu thất xảy ra thường xuyên hoặc kéo dài thì có nhiều khả năng liên quan đến bệnh tim, chấn thương tim hoặc các tình trạng khác không liên quan đến tim, chẳng hạn như rối loạn điện giải. Một số loại thuốc, rượu, ma túy và sự tăng adrenaline cao do căng thẳng, tập thể dục hoặc caffeine cũng có thể gây ra ngoại tâm thu thất.
4. Ngoại tâm thu thất được chẩn đoán như thế nào?
Ngoại tâm thu thất có thể khó chẩn đoán vì chúng xảy ra trong những khoảng thời gian không thể đoán trước được. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ khó phát hiện ra ngoại tâm thu thất trong quá trình khám sức khỏe định kỳ trừ khi bệnh nhân có ngoại tâm thu thất tại thời điểm khám hoặc có các bệnh tim cấu trúc khác. Ở những người không có bất kỳ bệnh tim nào đã được chẩn đoán, ngoại tâm thu thất thường được phát hiện tình cờ khi làm điện tâm đồ định kỳ (ECG). Ở những bệnh nhân đã biết bệnh tim, ngoại tâm thu thất có thể được phát hiện trong quá trình làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh tim đó.
Khi có triệu chứng của ngoại tâm thu thất, bệnh nhân thường được chỉ định đo ECG để chẩn đoán xác định; đây là xét nghiệm tiêu chuẩn, chính xác, dễ thực hiện và không xâm lấn. Ngoài ra, máy theo dõi Holter ECG, giúp ghi điện tâm đồ liên tục suốt 24 hoặc 48 giờ, có thể được chỉ định cho những trường hợp có triệu chứng ngoại tâm thu thất ít nhất một lần trong ngày. Máy có thể giúp ghi nhận tần suất, hình dạng, mức độ nguy hiểm của ngoại tâm thu thất và so sánh mối liên hệ với các triệu chứng trong ngày như mệt, chóng mặt, ngất.
Ngoài ra, nghiệm pháp ECG gắng sức cũng được khuyến cáo cho một số bệnh nhân bị ngoại tâm thu thất để đánh giá mức độ nguy hiểm của chúng, cũng như tìm nguyên nhân gây bệnh.
Các trung tâm tim mạch lớn như bệnh viện Vinmec còn có các xét nghiệm chuyên biệt khác, cấp cao hơn, dành cho những bệnh nhân bị ngoại tâm thu thất không thể thực hiện ECG gắng sức hoặc những người có nguy cơ cao mắc các bệnh tim phức tạp hơn; bao gồm chụp MRI tim, CT tim, SPECT xạ hình tưới máu cơ tim, chụp mạch vành xâm lấn hoặc thăm dò điện sinh lý.
5. Ngoại tâm thu thất được điều trị như thế nào?
Đối với những trường hợp thỉnh thoảng có ngoại tâm thu thất mà không có các triệu chứng khác và không có bệnh tim nền hoặc bất thường cấu trúc tim khác thì không cần điều trị. Có thể thử các biện pháp có thể giúp hạn chế ngoại tâm thu thất xuất hiện bằng cách giảm lượng caffeine, thuốc lá và rượu, đồng thời giảm căng thẳng và lo lắng. Nếu các loại thuốc đang dùng gây ra ngoại tâm thu thất, hãy thảo luận với bác sĩ để thay đổi thuốc.
Khi ngoại tâm thu thất gây ra do bất thường cấu trúc tim hoặc các bệnh lý tim nền khác, việc điều trị các bất thường này sẽ làm biến mất ngoại tâm thu thất.
Thuốc chẹn beta thường được kê cho những bệnh nhân bị ngoại tâm thu thất đi kèm với suy tim hoặc mắc bệnh mạch vành. Đây là loại thuốc an toàn và hiệu quả, thường được sử dụng để điều trị rối loạn nhịp tim. Các loại thuốc khác có thể được sử dụng để điều trị ngoại tâm thu thất bao gồm thuốc chẹn kênh canxi và Flecaine, Amiodarone,...
Cắt đốt điện sinh lý có thể được chỉ định cho những trường hợp ngoại tâm thu thất thường xuyên hoặc kéo dài. Phương pháp này dùng năng lượng sóng radio để triệt đốt các ổ tế bào cơ tim phát nhịp bất thường. Đây là một thủ thuật xâm lấn, thường chỉ định cho những bệnh nhân không thể dung nạp thuốc chẹn beta, dùng thuốc không hiệu quả hoặc không thể tuân thủ điều trị bằng thuốc lâu dài.
Đối với những bệnh nhân bị bệnh mạch vành, ngoại tâm thu thất xuất hiện dày hoặc tăng khi gắng sức, thường can thiệp đặt stent mạch vành hoặc phẫu thuật bắc cầu mạch vành có thể giúp kiểm soát ngoại tâm thu thất.
6. Ai là người có nguy cơ mắc ngoại tâm thu thất?
Hầu hết mọi người đều có thể xuất hiện ngoại tâm thu thất tại một số thời điểm, từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành. Trong một nghiên cứu trên những người khỏe mạnh của quân đội, tỷ lệ mắc bệnh ngoại tâm thu thất là 0,5% ở những người dưới 20 tuổi và 2,2% ở những người trên 50 tuổi. Nghiên cứu này cho thấy có sự gia tăng của ngoại tâm thu thất cũng như các loại rối loạn nhịp khác ở người lớn tuổi. Ngoại tâm thu thất xảy ra phổ biến hơn ở người lớn tuổi, người có bệnh tim nền, có tiền sử cơn đau tim, hoặc có tiền căn gia đình bị rối loạn nhịp tim.
7. Những rủi ro liên quan đến ngoại tâm thu thất là gì?
Hầu hết các ngoại tâm thu thất xảy ra không thường xuyên và lành tính. Nếu ngoại tâm thu thất xuất hiện thường xuyên thì có thể làm tăng nguy cơ tiến triển thành các rối loạn nhịp nghiêm trọng có thể gây tử vong như nhanh thất, rung thất. Những trường hợp ngoại tâm thu thất dày ở bệnh nhân mắc bệnh tim tiềm ẩn, bất thường về cấu trúc của tim hoặc tiền sử bị cơn đau tim trước đó cũng có nguy cơ đột tử cao hơn.
8. Khi nào tôi nên khám chuyên khoa tim mạch?
Đối với hầu hết mọi người, ngoại tâm thu thất xảy ra không thường xuyên và lành tính. Nếu ngoại tâm thu thất xuất hiện thường xuyên hoặc kéo dài (thời gian vài phút) hoặc bạn có bất thường về cấu trúc tim, tiền sử cơn đau tim hoặc các bệnh tim khác thì nên đến khám với bác sĩ chuyên khoa tim mạch để ngăn ngừa sớm các rối loạn nhịp nguy hiểm tính mạng.
Hiện nay, Trung tâm Tim Mạch bệnh viện Vinmec Times City đang nỗ lực từng ngày nhằm đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng điều trị các bệnh lý tim mạch, xây dựng các đơn vị tim mạch chuyên sâu dưới sự giúp đỡ của các trường đại học, bệnh viện hàng đầu trên thế giới. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ tim mạch, hãy đăng ký Gói khám tim mạch tại Vinmec ngay hôm nay.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.