Ngoại tâm thu là gì? Ngoại tâm thu có nguy hiểm không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn - Bác sĩ Tim mạch Can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Ngoại tâm thu là một trong những dạng rối loạn nhịp tim thường gặp trên lâm sàng. Rối loạn nhịp này đặc trưng với sự xuất hiện của các nhịp ngoại lai khiến nhịp tim trở nên không đều. Ngoại tâm thu có thể là một rối loạn nhịp sinh lý và không gây nguy hiểm ở những người khỏe mạnh nhưng cũng có thể là dấu hiệu nguy cơ đối với một số trường hợp có tổn thương cấu trúc tim 

1. Ngoại tâm thu là gì?

Cấu trúc giải phẫu của một quả tim bình thường bao gồm 4 buồng, bao gồm: tâm nhĩ phải, tâm nhĩ trái, tâm thất phải và tâm thất trái. Hệ thống phát xung và dẫn truyền tín hiệu trong tim được cấu tạo từ nhiều thành phần khác nhau. Trong đó, nút xoang nằm ở thành trong của nhĩ phải có vai trò chủ nhịp, tự động phát xung và kiểm soát nhịp tim đều đặn trong mức từ 60 nhịp/phút đến 90 nhịp/phút ở người bình thường.

Ngoại tâm thu là thuật ngữ nhằm chỉ một tình trạng rối loạn nhịp tim, đặc trưng bởi sự xuất hiện các nhịp đến sớm bất thường không nằm trong sự kiểm soát của nút xoang. Các nhát bóp sớm có thể xuất hiện đơn độc hoặc nhiều nhát xuất hiện cùng nhau và được nối tiếp bằng một khoảng nghỉ bù ngay sau đó. Vị trí phát ra các xung động bất thường này được sử dụng để phân loại ngoại tâm thu. Trên thực tế lâm sàng, ngoại tâm thu thường bao gồm hai nhóm chính ngoại tâm thu nhĩngoại tâm thu thất.

Ngoại tâm thu nhĩ xuất hiện khi cấu trúc ở tâm nhĩ không phải nút xoang phát ra các xung động sớm hơn bình thường. Nhịp tim đến sớm hơn và có thể được bù trừ bằng một khoảng nghỉ bù sau đó. Tương tự, ngoại tâm thu thất có nguồn gốc từ sự phát xung bất thường từ tâm thất. Điều này khiến tâm thất co bóp sớm hơn nhưng không đảm bảo được lưu lượng máu bình thường. Ngoại tâm thu thất có thể bình thường hoặc là biểu hiện của các tình trạng bệnh lý tim mạch nguy hiểm khác.


Cùng với ngoại tâm thu nhĩ thì ngoại tâm thu thất là một bệnh lý của ngoại tâm thu
Cùng với ngoại tâm thu nhĩ thì ngoại tâm thu thất là một bệnh lý của ngoại tâm thu

2. Ngoại tâm thu có nguy hiểm không?

Mức độ nguy hiểm của ngoại tâm thu khác nhau tùy từng trường hợp. Ở một số người khỏe mạnh, ngoại tâm thu có thể chỉ là sinh lý. Đặc điểm của ngoại tâm thu trong trường hợp này là sự xuất hiện rải rác, tần suất thưa thớt trên một người trẻ hoặc những người không có bất kỳ bệnh lý tim mạch nào. Ngoại tâm thu trong tình huống này thường không cần can thiệp điều trị. Một số điểm lưu ý trong việc thay đổi thói quen và lối sống cần được ghi nhớ, bao gồm:

  • Ngừng sử dụng thuốc lá và thức uống có cồn, rượu bia
  • Lối sống lành mạnh và cân bằng
  • Không thức khuya
  • Tránh những căng thẳng trong cuộc sống, công việc
  • Thiết lập các khoảng thời gian nghỉ ngơi phù hợp
  • Không làm việc và học tập quá sức

Ở tình huống khác, khi ngoại tâm thu xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn và gây ra các biểu hiện trên lâm sàng như hụt hơi, hạn chế vận động, khó thở, hồi hộp đánh trống ngực, người bệnh cần đến khám tại các cơ sở y tế. Những người có các yếu tố nguy cơ tim mạch hoặc đang mắc các bệnh lý tim mạch mãn tính trước đây là những đối tượng có nguy cơ cao và cần được quan tâm kĩ hơn.

Theo thời gian, ngoại tâm thu tồn tại dai dẳng có thể dẫn đến giảm hiệu quả tống máu của tim, khiến trái tim tăng công co bóp, có thể dẫn đến suy tim. Những bệnh nhân này cần được sử dụng thuốc điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch bên cạnh với việc thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt theo hướng có lợi. Thuốc được kê đơn ở đây cần đảm bảo hai mục tiêu chính, bao gồm điều chỉnh ngoại tâm thu và chữa trị các bệnh lý nền.


Ngoại tâm thu nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến suy tim
Ngoại tâm thu nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến suy tim

3. Chẩn đoán ngoại tâm thu

Phát hiện và xác định một trường hợp có ngoại tâm thu không phải là việc quá khó khăn trên lâm sàng. Người khỏe mạnh có ngoại tâm thu xuất hiện đơn lẻ và rời rạc thường không có biểu hiện gì, tuy nhiên những trường hợp này thường không quá nguy hiểm và thường được phát hiện một cách tình cờ.

Một số người bệnh có bệnh lý tim mạch trước đó với tần suất của ngoại tâm thu khá dày đặc thường sẽ có các triệu chứng trên lâm sàng như:

  • Hồi hộp đánh trống ngực, thấy tim đập nhanh và mạnh
  • Đau ngực
  • Cảm giác hụt hơi
  • Chóng mặt
  • Ngất xỉu trong một số trường hợp
  • Hạn chế một số hoạt động thể lực
  • Bắt mạch thấy loạn nhịp

Ngoại tâm thu nhĩ thường có ít biểu hiện hơn ngoại tâm thu thất. Triệu chứng phổ biến nhất ở những người xuất hiện ngoại tâm thu nhĩ là cảm giác nhịp tim không đều, bắt mạch thấy rối loạn kiểu thêm nhịp hoặc mất nhịp.

Triệu chứng lâm sàng đóng vai trò gợi ý và định hướng đến chẩn đoán ngoại tâm thu nhưng để chẩn đoán xác định cần có các phương tiện cận lâm sàng, phổ biến nhất là điện tim. Điện tim hay điện tâm đồ (ECG) là phương tiện ghi lại các hoạt động của tim dưới dạng sóng. Điện tim có thể được đo tại một thời điểm hoặc trong 24 giờ liên tục tùy từng trường hợp. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện thêm điện tim gắng sức, siêu âm tim để đánh giá tổng quan tình trạng sức khỏe tim mạch của người bệnh. Đặc điểm của ngoại tâm thu trên điện tim là những nhịp đến sớm theo sau bởi các khoảng nghỉ bù.


Điện tâm đồ (ECG) giúp chẩn đoán bệnh ngoại tâm thu
Điện tâm đồ (ECG) giúp chẩn đoán bệnh ngoại tâm thu

4. Các phương pháp phòng tránh ngoại tâm thu

Thực tế, không có phương pháp nào khiến ngoại tâm thu không xuất hiện. Tuy nhiên, người bệnh có thể đẩy lùi các tác hại và biến chứng do ngoại tâm thu gây ra bằng một số các biện pháp như:

  • Tuân thủ một chế độ sống lành mạnh
  • Ngừng sử dụng thuốc lá và các loại thức uống chứa cồn như rượu, bia
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như cà phê
  • Hạn chế các món ăn và những loại thực phẩm chứa nhiều mỡ động vật
  • Bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả trong khẩu phần ăn
  • Giảm thiểu các căng thẳng trong công việc và cuộc sống
  • Không học tập và làm việc quá sức
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao
  • Tránh các tình huống xúc cảm mạnh
  • Điều trị hiệu quả các bệnh lý nền, nhất là các bệnh lý tim mạch
  • Duy trì sức khỏe tinh thần tốt, giữ trạng thái tích cực và thoải mái

Tập thể dục thường xuyên giúp phòng tránh ngoại tâm thu
Tập thể dục thường xuyên giúp phòng tránh ngoại tâm thu

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe