Ngộ độc nấm: Những điều cần biết

Ăn nấm bị ngộ độc có thể xảy ra khi ăn nấm dại mọc trong vườn hoặc bên ngoài. Ngộ độc nấm rất nguy hiểm, khi chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong. Rất khó phân biệt giữa nấm ăn được và nấm độc, vì vậy tốt nhất không nên hái nấm dại để tránh ăn nấm bị ngộ độc.

1. Các triệu chứng ngộ độc nấm

1.1 Các triệu chứng ngộ độc nấm xuất hiện sớm, phổ biến

Tất cả các loại nấm độc đều gây nôn mửa và đau bụng, co thắt dạ dày, tùy vào loại nấm, các triệu chứng và mức độ ngộ độc nấm sẽ khác nhau. Các triệu chứng có thể xuất hiện sớm trong vòng 2 giờ sau khi ăn nấm hoặc xuất hiện muộn sau khi ăn nấm khoảng 6 giờ. Thông thường những triệu chứng xuất hiện sớm ít gây nguy hiểm hơn, bao gồm:

  • Tiêu hóa (nấm little brown, Chlorophyllum molybdites): viêm ruột, dạ dày, có thể kèm theo đau cơ, nhức đầu, tiêu chảy có máu (thỉnh thoảng). Các triệu chứng về tiêu hóa thường khỏi trong vòng 24 giờ.
  • Thần kinh (chủ yếu là nấm hallucinogenic, hay còn gọi là nấm ảo giác): các triệu chứng ngộ độc nấm xuất hiện trong vòng 15 - 30 phút bao gồm ảo giác, hưng phấn, nhịp tim tăng nhanh, tăng huyết áp, tăng oxy máu (thường xảy ra ở trẻ em).
  • Hệ muscarinic (nấm thuộc chi Inocybe và Clitocybe): hội chứng Sludge (hội chứng nhiễm độc thường gặp) với các biểu hiện như tim đập chậm, rối loạn nhịp tim, co cứng, tăng tiết phế quản, thở khò khè, đổ mồ hôi. Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 30 phút và khỏi trong 12 giờ.

1.2 Các triệu chứng ngộ độc nấm xuất hiện muộn, nghiêm trọng

Các loại nấm gây ra các triệu chứng ngộ độc chậm gồm các loài thuộc các chi Amanita, Gyromitra và Cortinarius. Trong đó, Amanita là loại nấm độc nhất, phần lớn các trường hợp ngộ độc nấm Amanita phalloides, đều dẫn đến tử vong.

Sau 6 - 12 giờ tiêu thụ nấm, độc chất gây viêm dạ dày ruột với mức độ nặng hơn, có thể kèm theo hạ đường huyết. Sau vài ngày, triệu chứng về tiêu hóa giảm bớt và dấu hiệu suy gan hoặc suy thận bắt đầu xuất hiện.

Nấm Gyromitra có thể gây hạ đường huyết đồng thời hoặc ngay sau khi bị viêm dạ dày ruột. Các biểu hiện khác có thể bao gồm, nhiễm độc hệ thần kinh trung ương (co giật) và sau vài ngày, hội chứng gan thận bắt đầu xuất hiện.

Đối với nấm Cortinarius thường có ở châu Âu, tình trạng viêm dạ dày ruột có thể kéo dài trong 3 ngày. Sau đó, khoảng 3 - 20 ngày, các triệu chứng của suy thận như đau hạ sườn và giảm lượng nước tiểu.


Ngộ độc nấm ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương gây co giật
Ngộ độc nấm ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương gây co giật

2. Chẩn đoán và điều trị ngộ độc nấm

Thông thường, rất khó để chẩn đoán ngộ độc nấm. Bác sĩ chủ yếu thăm khám lâm sàng, hỏi những triệu chứng, loại thực phẩm đã ăn gần đây.

Vì vậy, nếu nghi ngờ ai đó hoặc chính bạn bị ngộ độc nấm, cần lập tức liên hệ với bác sĩ. Nếu có biểu hiện co giật, ngừng thở, bất tỉnh, cần đưa đi cấp cứu ngay và đừng quên mang theo loại nấm độc đã ăn phải.

Nếu người bệnh có thể nôn ra, tình trạng nguy hiểm nhất có thể giảm xuống. Vì vậy, khi cấp cứu, điều đầu tiên bác sĩ sẽ tiến hành là cho người bị ngộ độc nấm uống than hoạt tính để gây nôn. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra các chỉ số thân nhiệt, nhịp tim và huyết áp, đồng thời theo dõi chặt chẽ để phát hiện các triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng.

Nếu không có triệu chứng ngộ độc nặng và nấm được phân tích khẳng định không gây nguy hiểm, người bệnh có thể được đưa về nhà và tiếp tục theo dõi trong vòng 24 giờ tiếp theo để xác định các triệu chứng ngộ độc khác có xảy ra hay không.

2.1 Điều trị ngộ độc nấm nhẹ

Với những triệu chứng ngộ độc nấm sớm và thường ít gây nguy hiểm, việc điều trị như sau:

  • Tiêu hóa: điều trị triệu chứng hỗ trợ.
  • Thần kinh: điều trị bằng thuốc an thần (ví dụ như benzodiazepines)
  • Hệ muscarinic: điều trị triệu chứng như thở khò khè, nhịp tim chậm bằng Atropin.

2.2 Điều trị ngộ độc nấm nặng

Với những triệu chứng ngộ độc nấm muộn và gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, việc điều trị sẽ chặt chẽ hơn, cụ thể:

  • Theo dõi tình trạng hạ đường huyết
  • Sử dụng liều lặp lại than hoạt tính
  • Điều trị suy thận bằng lọc máu
  • Điều trị suy gan có thể bằng phương pháp ghép gan, hoặc dùng thuốc hoặc điều trị tích cực
  • Điều trị thần kinh bằng truyền tĩnh mạch chậm pyridoxine 70 mg/kg trong 4 - 6 giờ (tối đa 5g/ngày)

Người bệnh ngộ độc nấm cần được điều trị tích cực theo phác đồ
Người bệnh ngộ độc nấm cần được điều trị tích cực theo phác đồ

3. Những triệu chứng ngộ độc nấm tái phát và phòng ngừa ăn nấm bị ngộ độc

Ngộ độc nấm có thể ảnh hưởng khó chịu đối với sức khỏe trong ngắn hạn, như nôn và tiêu chảy tái phát. Nếu bị ngộ độc nghiêm trọng, người bệnh cần nhiều thời gian hơn để hồi phục sức khỏe nhưng cũng có thể tình trạng tổn thương là vĩnh viễn.

Trong tự nhiên, rất khó để phân biệt nấm ăn được và các loài nấm độc Việt Nam. Những quy tắc truyền miệng trong dân gian thường không đáng tin cậy và tùy vào địa điểm cũng như thời điểm thu hoạch, mức độ độc hại của cùng một loại nấm có thể khác nhau.

Nếu ngộ độc nấm do ăn phải nấm không rõ nguồn gốc, việc quan trọng là phải xác định được loại nấm để tìm phương pháp điều trị cụ thể. Vì vậy, cách tốt nhất để tránh ăn phải nấm độc là không nên hái nấm dại.

Các loại nấm độc và nấm ăn được có thể mọc cạnh nhau và chúng ta không thể phân biệt được. Đặc biệt những loại nấm mọc dưới đất thường nguy hiểm hơn nấm mọc trên cây, nấm mọc trong rừng nguy hiểm hơn nấm mọc trên cỏ. Và nấu nấm độc cũng không loại bỏ được chất độc trong nấm. Nếu muốn ăn nấm, tốt nhất là nên mua nấm từ các cửa hàng thực phẩm uy tín, siêu thị.

Để có thêm thông tin về kiến thức về dinh dưỡng, thực phẩm an toàn, thông tin sức khỏe... bạn có thể truy cập website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: msdmanuals.com - familydoctor.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe