Đông máu là một trong những quá trình sinh lý vô cùng quan trọng trong cơ thể người bình thường, trong trường hợp cơ thể bị tổn thương và dẫn đến chảy máu. Nghiệm pháp co cục máu sẽ giúp kiểm tra khả năng đông máu để có hướng xử trí kịp thời.
1. Quá trình đông máu quan trọng thế nào?
Đông máu, cầm máu hiểu một cách đơn giản chính là sự thay đổi trạng thái vật lý của máu, chuyển từ dạng lỏng sang dạng gen rắn và sợi huyết để có thể bảo vệ vùng tổn thương thành mạch và không cho máu chảy ra khỏi mạch, ra ngoài cơ thể, đồng thời duy trì trạng thái máu lưu thông trong cơ thể người.
Cần phải có sự kết hợp của 3 yếu tố gồm: Tế bào máu, thành mạch, protein huyết tương thì mới tạo nên được quá trình đông máu. Đặc biệt, quá trình đông máu được chỉ đạo và điều hòa bởi các yếu tố thể dịch và thần kinh.
Bất cứ sự mất cân bằng nào xảy ra ở quá trình đông máu và chống đông máu đều có khả năng gây ra tình trạng tắc mạch hoặc chảy máu. Chính vì thế mà trong cơ thể luôn có sự cân bằng giữa hệ thống làm đông máu và chống lại đông máu. Rối loạn đông máu là chứng bệnh khá phổ biến mà người bệnh có thể gặp khi cơ thể bị thiếu hụt yếu tố làm đông máu, khiến cho máu không thể đông như bình thường và người bệnh lúc này có thể đối mặt với nguy cơ tử vong do mất máu quá nhiều. Ngược lại, trường hợp cơ thể bị thiếu hụt chất ức chế đông máu thì sẽ dẫn đến hiện tượng tắc mạch do có cục máu đông, chúng không tan và cản trở quá trình lưu thông máu.
2. Nghiệm pháp co cục máu là gì?
Quá trình hình thành sợi huyết trong cơ thể còn được gọi là đông máu, khi cơ thể gặp phải tổn thương dẫn đến chảy máu thì các sợi huyết sẽ co lại và tạo nên sự co cục máu đông. Lượng Fibrinogen, tiểu cầu, hematocrit và một số yếu tố khác sẽ đóng vai trò quyết định mức độ co của cục máu đông.
Nguyên lý co cục máu đông: Khi máu ra khỏi thành mạch thì sẽ bị đông do sự hình thành của các các sợi fibrin. Mạng lưới sợi fibrin sẽ ôm lấy các thành phần hữu hình rồi co rút lại để tạo nên cục máu đông tách rời khỏi phần huyết thanh.
3. Thực hiện nghiệm pháp co cục máu đông
Quá trình thực hiện nghiệm pháp co cục máu đông sẽ trải qua các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị phương tiện
- Bình cách thủy 37 độ C,
- Ống nghiệm sạch có kích thước 75 x 9,5mm
- Bông cồn sát trùng, bơm kim tiêm nhựa
Bước 2: Tiến hành kỹ thuật
- Kỹ thuật viên sẽ lấy máu tĩnh mạch và phân phối vào 2 ống thủy tinh (1,5 - 2ml) đã tráng bằng nước muối sinh lý.
- Để ống thủy tinh chứa máu vào bình cách thủy 37 độ C.
- Sau khoảng 2 - 4 giờ sẽ đọc kết quả.
Bước 3: Đọc kết quả xét nghiệm co cục máu đông
- Cục máu đông co hoàn toàn: Tạo cục máu bờ rõ ràng, phần huyết thanh chiếm khoảng từ 50-65% thể tích máu toàn phần và không có hồng cầu tự do.
- Cục máu đông co gần hoàn toàn: Tạo cục máu và phần huyết thanh chiếm khoảng 30-50%.
- Cục máu đông co không hoàn toàn: Tạo cục máu và phần huyết thanh chiếm khoảng <30%.
- Cục máu đông không co: Không tạo riêng phần huyết thanh.
- Cục máu đông bị nát: Tạo cục máu bờ không rõ ràng và hầu hết hồng cầu tự do trong huyết thanh.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.
XEM THÊM:
- Ý nghĩa của xét nghiệm đông máu
- Trường hợp nào cần xét nghiệm đông máu nhanh ROTEM?
- Các xét nghiệm giúp đánh giá khả năng đông máu, cầm máu