Nghiệm pháp bong rau, đỡ rau, kiểm tra bánh rau để làm gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Nghiệm pháp bong rau, đỡ rau, kiểm tra bánh rau là thủ thuật sau mỗi cuộc sinh thường, nhằm kiểm tra bánh rau, sót rau, hay có những bất thường để có thể xử trí kịp thời.

1. Nghiệm pháp bong rau

Nghiệm pháp bong rau được thực hiện sau khi thai đã sổ ra ngoài khoảng 20-30 phút, nhằm kiểm tra tình trạng bong rau.

Bác sĩ sẽ dùng cạnh bàn tay đặt trên bờ xương mu, ấn vào đoạn dưới tử cung và đẩy tử cung lên.

  • Rau chưa bong: nếu cuống rau bị kéo lên cùng sự di chuyển đáy tử cung.
  • Rau đã bong: nếu cuống rau sẽ đứng im hoặc di động ít.
  • Rau bong xuống đến âm đạo: nếu cuống rau tụt xuống thấp hơn.

Sau khi rau sổ ra ngoài, sản phụ tiếp tục xoa đáy tử cung qua thành bụng cho đến khi tử cung co chặt lại. Trong 2 giờ đầu có thể xoa tử cung mỗi lần cách nhau 15 phút, đảm bảo tử cung co lại tốt có thể dừng xoa tử cung.

Ngoài ra, nếu sau 30 phút mà rau chưa bong hoặc có xuất hiện chảy máu nhiều thì cần tiến hành bóc tách rau thai nhân tạo.

2. Đỡ rau

Sau khi rau đã bong ra, các bác sĩ sẽ tiến hành đỡ rau thai. Bác sĩ sẽ đặt tay lên bụng sản phụ xem độ co tử cung. Nếu tử cung co chưa tốt thì có thể xoa bóp bên ngoài để tử cung co chặt hơn.

Các bước tiến hành đỡ rau thai bao gồm:

  • Một tay đặt ở bụng dưới của sản phụ, tay xòe ngón cái ở một bên và bốn ngón còn lại ở bên đối diện. Đẩy nhẹ tử cung về phía rốn và giữ tại chỗ. Tay còn lại cần lấy dây rau thai và kéo với lực tăng dần. Ban đầu kéo rau thai xuống phía dưới, sau đó kéo ngang và cuối cùng là hướng lên để bánh rau từ từ ra ngoài.
  • Khi bánh rau sắp sổ ra ngoài, cần hạ thấp dây rốn xuống sao cho bánh rau và màng rau có thể dễ dàng rơi ra ngoài. Nếu màng rau không ra ngoài thì cầm bánh rau xoắn lại nhiều vòng để màng ra từ từ.
  • Đánh giá co hồi tử cung bằng cách nắn bụng dưới, quan sát âm hộ xem có xảy ra tình trạng chảy máu không.

Đỡ rau thai chỉ thực hiện khi rau đã bong ra
Đỡ rau thai chỉ thực hiện khi rau đã bong ra

3. Kiểm tra bánh rau

Kiểm tra bánh rau là thủ thuật cuối cùng nhằm kiểm tra xem rau còn sót hay có bất thường nào không. Bánh rau sau khi sổ ra sẽ được đặt trên một cái khay. Điều dưỡng sẽ cầm dây rốn nâng bánh rau lên vuốt nhẹ xuống. Sau đó quan sát:

  • Lỗ rách của màng: màng sổ ra đủ có lỗ rách tròn đều. Nếu rách nham nhở thì rất có thể còn sót ít màng trong tử cung.
  • Mạch máu: quan sát các mạch máu của màng để phát hiện bánh rau hoặc múi rau phụ.

Đặt bánh rau xuống khay theo hướng mặt múi của nó ngửa lên trên. Làm sạch mặt trên, gạt các cục máu ra để quan sát múi rau.

  • Múi rau bình thường: mịn, nhẵn và có màu đỏ thẫm.
  • Khuyết: phần múi rau khuyết có thể còn sót lại trong tử cung.

Mục đích của việc kiểm tra bánh rau để tránh còn sót rau trong tử cung. Nếu còn sót rau hay có chảy máu thì cần phải kiểm soát tử cung và cần phải tiến hành lấy rau nhân tạo.


Kiểm tra bánh rau được thực hiện cẩn thận, kỹ càng.
Kiểm tra bánh rau được thực hiện cẩn thận, kỹ càng.

Tóm lại, nghiệm pháp bong rau, đỡ rau và kiểm tra bánh rau là một thủ thuật không thể thiếu của mỗi cuộc sinh đẻ, giúp sản phụ lấy rau thai và kiểm tra đánh giá xem rau còn sót trong tử cung không để có biện pháp xử trí theo phác đồ điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe