Ngải cứu là gì và nó được sử dụng như thế nào?

Ngải cứu là một trong những loại thảo dược phổ biến và có nhiều tác dụng trong y học cổ truyền. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn chi tiết hơn về cây ngải cứu, xem xét lại những lợi ích và cách sử dụng, thông tin về liều lượng và những nhược điểm tiềm ẩn của loại cây này.

1. Cây ngải cứu là gì?

Cây ngải cứu có tên là Latin là Artemisia absinthium là một loại cây cỏ có giá trị cao, có mùi hương đặc biệt, được sử dụng như một loại thảo dược có lợi cho sức khỏe. Mặc dù cây ngải cứu có nguồn gốc từ Châu Âu nhưng vì đặc tính rất dễ phát triển trên nhiều vùng khí hậu khác nhau, đến nay cây ngải cứu có thể được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới từ Châu Á, Châu Phi và cả châu Mỹ.

Ngải cứu có thân màu trắng bạc hoặc xanh bạc, lá có màu vàng-xanh và hoa có dạng búp có màu sáng hoặc vàng nhạt. Tất cả những phần của cây đều được sử dụng làm thuốc trong y học cổ truyền trong hàng trăm năm nay.

Loại cây này đã trở nên nổi tiếng bời được sử dụng để tạo ra rượu ngải cứu (Absinthe). Đây là một loại rượu có nguồn gốc từ Pháp được ưa chuộng bởi rất nhiều nghệ sĩ vào thế kỉ thứ 19, trong đó có cả họa sĩ người Hà Lan Vincent Van Gogh và loại rượu này cũng đã gây ra nhiều tác dụng phụ cho người sử dụng.

Từ lâu, ngải cứu được xem như là một chất gây ảo giác và là một chất gây độc, vì vậy cây ngải cứu đã bị cấm tại Hoa Kỳ trong hơn một nửa thế kỷ từ năm 1912 đến năm 2007. Hiện nay, ngải cứu đã được công nhận hợp pháp và được cho phép sử dụng tại Hoa Kỳ.


Ngải cứu là một loại thảo dược có lợi cho sức khỏe
Ngải cứu là một loại thảo dược có lợi cho sức khỏe

2. Các hợp chất có trong ngải cứu và đặc tính hóa học của chúng

Ngải cứu thường được chiết xuất hoặc sử dụng để chế biến trà. Dầu ngải cứu cũng được tạo ra từ thân và lá ngải cứu, trong khi sử dụng với mục đích chiết xuất hoặc hòa với cồn có thể sử dụng toàn bộ thành phần của cây.

Những sản phẩm này chứa ít năng lượng, vitamin hoặc khoáng chất nhưng chứa một lượng lớn hợp chất từ cây, một hợp chất hóa học nổi tiếng có trong ngải cứu được biết đến là Thujone.

Hợp chất này có hai dạng là alpha thujone và beta-thujone, chúng khác nhau ở mức độ phân tử. Mặc dù những sự khác nhau này rất ít nhưng mang lại những ý nghĩa khác nhau. Alpha thujone có nhiều độc tính hơn và nó cũng là thành phần chính có trong ngải cứu.

Thujone có tác dụng kích thích não bộ thông qua ức chế gamma aminobutyric (GABA), đây là một chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung ương.

Mặc dù phức hợp này có nhiều lợi ích khác nhau nhưng khi hấp thụ một lượng lớn thujone sẽ gây độc và thường gây ra các triệu chứng động kinh và thậm chí có thể tử vong.

Tóm lại, ngải cứu là một loại thảo dược quý giá có chứa thujone mang lại nhiều lợi ích nhưng có thể gây độc nếu sử dụng quá mức.


Ngải cứu có thể gây ra các triệu chứng động kinh nếu sử dụng nhiều
Ngải cứu có thể gây ra các triệu chứng động kinh nếu sử dụng nhiều

3. Lợi ích và công dụng của ngải cứu

Ngoài việc được sử dụng để sản xuất rượu absinthe và các sản phẩm khác, ngải cứu cũng có nhiều ứng dụng trong thực hành y khoa ở các quốc gia ngoài châu Âu, ví dụ như nền y học cổ truyền Trung Hoa.

Mặc dù tác dụng phụ phổ biến của rượu ngải cứu gây nên ảo giác, mất ngủco giật nhưng ngải cứu không được xem là một chất gây ảo giác. Vì khi uống một lượng lớn rượu có chứa thujone, những triệu chứng này có thể do một phần tác dụng của rượu gây nên. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh nguyên nhân của các triệu chứng này là do rượu hay do ngải cứu có trong rượu. Vì vậy, những triệu chứng này chỉ có giá trị lịch sử và chưa được chứng minh rõ ràng.

3.1. Tác dụng giảm đau

Ngải cứu được ứng dụng từ lâu trong việc giảm đau và có đặc tính kháng viêm, được sử dụng trong giảm đau các bệnh lý viêm xương khớp.

Một nghiên cứu kéo dài 4 tuần ở 90 người trường thành có viêm khớp gối, bệnh nhân được thoa thuốc mỡ ngải cứu 3% trong 3 lần mỗi ngày giúp cải thiện mức độ đau và chức năng vận động. Trong khi những người không điều trị, mức độ đau và cứng khớp không giảm.

Cần lưu ý rằng bản thân cây ngải cứu không nên bôi trực tiếp lên da vì nồng độ các hợp chất quá cao có thể gây nên tình trạng bỏng da.

Hiện nay, vẫn chưa đủ bằng chứng để chứng minh liệu trà và ngải cứu chiết xuất có tác dụng giảm đau.

3.2. Tác dụng chống nhiễm ký sinh trùng

Ngải cứu cũng có tác dụng điều trị nhiễm giun đường tiêu hóa từ thời Ai Cập cổ đại. Đặc tính chống lại ký sinh trùng này được xem như là một tác dụng của thujone. Tuy nhiên, những bằng chứng về tác dụng đặc hiệu này vẫn chỉ mang tính chất lịch sử.

Đáng chú ý, các nghiên cứu trên động vật và trong phòng thí nghiệm cho thấy loại thảo dược này có thể chống lại sán dây và một số loại ký sinh trùng khác mặc dù các nghiên cứu này có thể không được áp dụng trên người. Vì vậy, cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn để đánh giá tác dụng này của ngải cứu.


Chất Thujone có trong ngảu cứu có tác dụng điều trị nhiễm giun đường tiêu hóa
Chất Thujone có trong ngảu cứu có tác dụng điều trị nhiễm giun đường tiêu hóa

3.3. Đặc tính chống oxy hóa

Ngoài thujone, ngải cứu cũng có chứa một hợp chất đang chú ý khác là chamazulene. Tác dụng của chamazulene hoạt động như một chất chống oxy hóa và chúng có nồng độ cao nhất trong giai đoạn trước khi ra hoa.

Các chất chống oxy hóa như chamazulene có thể chống lại stress oxy hóa trong cơ thể, đây có thể là nguyên nhân đưa đến ung thư, các bệnh lý tim mạch, bệnh Alzheimer và một số bệnh lý khác.

Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu về các đặc tính của hợp chất này.

3.4. Tác dụng chống viêm

Artemisinin là một hợp chất khác được tìm thấy trong cây ngải cứu có tác dụng kháng viêm. Phản ứng viêm kéo dài thường có liên quan đến một số bệnh mãn tính của cơ thể.

Artemisinin có tác dụng ức chế các cytokine, đây là những protein được tiết ra bởi hệ miễn dịch của cơ thể thúc đẩy quá trình viêm.

Những nghiên cứu cho thấy ngải cứu có thể giúp làm giảm nhẹ bệnh Crohn. Đây là bệnh lý đặc trưng bởi hiện tượng viêm đường tiêu hóa. Những triệu chứng có thể bao gồm tiêu chảy, mệt mỏi, đau bụng hoặc các vấn đề ở đường tiêu hóa khác.

Trong một nghiên cứu trên 40 người trưởng thành có tình trạng này, những bệnh nhân sử dụng thực phẩm chức năng chứa 500mg ngải cứu 3 lần mỗi ngày làm giảm triệu chứng và giảm nhu cầu sử dụng thuốc kháng viêm steroid sau 8 tuần khi so sánh với nhóm sử dụng giả dược. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả này.

Tóm lại, ngải cứu có nhiều lợi ích như giảm đau, kháng viêm, chống oxy hóa và ký sinh trùng. Tuy nhiên những lợi ích này cần có thêm nhiều bằng chứng khoa học.


Ngải cứu có thể giúp làm giảm nhẹ bệnh Crohn
Ngải cứu có thể giúp làm giảm nhẹ bệnh Crohn

4. Liều lượng và mức độ an toàn

Vì vẫn còn thiếu nhiều bằng chứng nên chưa có hướng dẫn về liệu lượng chính xác của việc sử dụng ngải cứu. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức chính phủ đã đặt ra những hạn chế đối với các sản phẩm ngải cứu vì tác dụng gây độc của những hợp chất có trong ngải cứu.

Cộng đồng liên minh Châu Âu (EU) đã giới hạn các loại thực phẩm được chế biến từ cây ngải cứu ở mức 0,23 mg thujone/pound (0,5 mg/kg), ngưỡng cho đồ uống có cồn như rượu ngải cứu là 16mg/pound (35 mg/kg).

Tại Hoa Kỳ, FDA hạn chế tất cả các sản phẩm chứ thujone ở mức 10 phần triệu (ppm) hoặc ít hơn). Với lượng thujone này được xem là không đáng kể và an toàn ở hầu hết mọi người. Các sản phẩm trà ngải cứu và tinh chất chiết xuất chưa được cấp phép bởi FDA. Nếu bạn không chắc chắn về liều lượng cần dùng, bạn nên tham khảo ý kiến từ các bác sĩ.

5. Những lưu ý và tác dụng phụ có thể có của ngải cứu

Những bệnh nhân có cơ địa nhạy cảm hoặc đang có các vấn đề sức khỏe nhất định không nên sử dụng ngải cứu. Những tình trạng này bao gồm:

  • Mang thai: bạn không nên sử dụng ngải cứu nếu đang mang thai vì có thể là nguyên nhân gây sảy thai;
  • Đang cho con bú;
  • Động kinh. Thujone kích thích não bộ và có thể gây co giật. Ngoài ra, ngải cứu cũng có thể làm giảm tác dụng của các thuốc chống động kinh như gabapentin và primidone;
  • Bệnh lý tim: sử dụng thảo dược ở những bệnh nhân có bệnh lý tim đang điều trị Warfarin có thể gây xuất huyết tiêu hóa;
  • Bệnh lý ở thận: ngải cứu độc cho thận và làm tăng nguy cơ suy thận;
  • Dị ứng.

Những bệnh nhân có cơ địa nhạy cảm có thể bị dị ứng khi ăn ngải cứu
Những bệnh nhân có cơ địa nhạy cảm có thể bị dị ứng khi ăn ngải cứu

Sử dụng quá mức ngải cứu có thể gây rối loạn tiêu hóa, suy thận, buồn nôn, nôn và co giật. Tuy nhiên, bạn sẽ không gặp phải những vấn đề này nếu sử dụng một lượng nhỏ. Ngoài ra, ngải cứu có thể gây bỏng nếu bôi trực tiếp lên da và nên sử dụng ở dạng thuốc mỡ hoặc dạng lỏng.

Cuối cùng, bạn không nên sử dụng bất kỳ sản phẩm ngải cứu nào quá 4 tuần. Vượt quá thời gian này được xem là kéo dài và việc sử dụng thảo dược này trong thời gian dài vẫn chưa được chứng minh về mức độ an toàn cũng như tác dụng phụ.

Nếu bạn đang muốn xây dựng một chế độ dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu thì bạn nên đến khoa dinh dưỡng của các cơ sở y tế uy tín để được khám và tư vấn.

Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là chuyên khoa nghiên cứu ứng dụng các phương pháp chữa bệnh bằng ăn uống và xây dựng các chế độ dinh dưỡng phù hợp theo từng bệnh lý khác nhau, dựa trên sự phù hợp với thể trạng của người Việt Nam.

Cung cấp các dịch vụ về lĩnh vực dinh dưỡng lâm sàng: cung cấp chế độ ăn thường và chế độ ăn uống tuỳ theo bệnh lý cho các bệnh nhân điều trị nội trú, phục hồi dinh dưỡng cho bệnh nhân suy dinh dưỡng, tư vấn và hướng dẫn chế độ ăn cho bệnh nhân.

Để đăng ký khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe