Bài viết được viết bởi Dược sĩ Nguyễn Thu Giang - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Thuốc Neo-codion là thuốc thường được sử dụng trong điều trị ho khan, tuy nhiên đây là thuốc kê đơn, không nên lạm dụng. Với hoạt chất chính là Codein camphosulphonat, mỗi viên chứa 15 mg Codein, có tác dụng giảm ho do tác dụng trực tiếp lên trung tâm gây ho ở hành não. Codein làm khô dịch tiết đường hô hấp và làm tăng độ quánh của dịch tiết phế quản. Codein không đủ hiệu lực để giảm ho nặng. Codein là thuốc giảm ho trong trường hợp ho khan làm mất ngủ.
1. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Codein
Thuốc được chỉ định điều trị triệu chứng ho khan do kích thích ở người lớn.
Liều thường dùng:
- Người lớn: 1 viên/ lần, lặp lại sau 6 giờ nếu cần, không quá 4 lần/ ngày.
- Người cao tuổi hoặc người bệnh suy gan: liều khởi đầu nên giảm nửa liều dùng của người lớn, và có thể tăng lên nếu cần thiết tùy thuộc vào mức độ dung nạp và nhu cầu, nhưng không quá liều người lớn bình thường, các lần uống cách nhau ít nhất 6 giờ.
Một số đối tượng không được dùng Codein bao gồm:
- Mẫn cảm với các thành phần của thuốc
- Suy hô hấp
- Ho ở người bệnh hen suyễn
- Phụ nữ cho con bú
- Trẻ em dưới 18 tuổi
2. Phản ứng phụ của thuốc
Khi sử dụng thuốc, có thể gặp những phản ứng không mong muốn sau:
- Thường gặp (tỷ lệ gặp > 1%): đau đầu, chóng mặt, khát, có cảm giác lạ, buồn nôn, nôn, táo bón, bí tiểu, tiểu ít, mạch nhanh hoặc chậm, hồi hộp, yếu mệt, hạ huyết áp thế đứng
- Ít gặp (tỷ lệ gặp từ 0.1 – 1%): ngứa, mày đay, suy hô hấp, bồn chồn, đau dạ dày, co thắt ống mật
- Hiếm gặp (tỷ lệ gặp < 0.1%): phản ứng phản vệ, ảo giác, mất phương hướng, rối loạn thị giác, co giật, suy tuần hoàn, đỏ mặt, toát mồ hôi, mệt mỏi
- Nghiện thuốc: dùng Codein trong thời gian dài với liều từ 240mg – 540mg/ngày có thể gây nghiện thuốc với các biểu hiện thường gặp khi thiếu thuốc là bồn chồn, run, co giật cơ, toát mồ hôi, chảy nước mũi. Có thể gây lệ thuộc thuốc về tâm lý, thân thể và gây quen thuốc
Thuốc có một số tương tác:
- Với rượu: rượu làm tăng tác dụng an thần của thuốc, làm giảm nhận thức, có thể gây nguy hiểm khi lái xe và vận hành máy móc. Vì vậy cần tránh uống rượu và các thuốc chứa cồn khi đang dùng thuốc
- Thuốc giảm đau có nguồn gốc morphin, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin H1, các thuốc an thần, gây ngủ, giải lo âu (trừ benzodiazepin) làm tăng tác dụng làm dịu thần kinh trung ương, giảm nhận thức, có thể gây nguy hiểm khi lái xe và vận hành máy móc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn: Dược Thư Quốc Gia Việt Nam 2015, SPC