Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo biện pháp hữu hiệu và đơn giản nhất để phòng ngừa covid-19 là rửa tay sạch sẽ. Chính vì vậy, mọi người nên sát khuẩn tay bằng cồn với những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được kiểm nghiệm trước khi đưa ra thị trường.
1. Sát khuẩn là gì?
Sát khuẩn là quá trình tiêu diệt hoặc loại bỏ tất cả các dạng của vi sinh vật sống bao gồm cả bào tử vi khuẩn.
2. Khi nào nên sử dụng dung dịch rửa tay sát khuẩn tay bằng cồn?
Rửa tay không dùng nước với dung dịch chứa cồn chỉ nên được áp dụng khi không có điều kiện rửa tay bằng nước và xà phòng nhưng chỉ khi tay không thấy rõ vết dơ. Nếu tay có vết dơ thấy rõ thì nên rửa tay thường quy (dùng xà phòng thường (nước hoặc bánh) để rửa tay).
3. Loại cồn nào cho tác dụng diệt khuẩn tốt nhất?
Cồn 70 độ cho tác dụng diệt khuẩn tốt hơn cồn 90 độ. Bởi vì cồn 90 độ vừa thoa lên tay đã bay hơi rất nhanh, không đủ thời gian tồn tại trên tay để diệt vi khuẩn. Còn những loại cồn dưới 60 độ lại không đảm bảo để sát khuẩn. Cồn 70 độ là độ cồn có tốc độ bốc hơi chậm hơn, vừa đủ thời gian để tiêu diệt vi khuẩn. Tóm lại, không dùng cồn ở nồng độ cao 90% vì bốc hơi nhanh, không đảm bảo thời gian tiếp xúc và độ an toàn.
Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cũng đã khuyến cáo người dân hãy tự bảo vệ mình bằng cách rửa tay với xà phòng và nước sạch, đây là lựa chọn đầu tiên vì phương pháp này giúp làm giảm được tất cả các loại vi trùng. Chỉ trong trường hợp không có xà phòng và nước thì sử dụng sản phẩm sát khuẩn tay nhanh có nồng độ cồn tối thiểu 60%.
4. Sát khuẩn tay bằng cồn trong bao nhiêu giây là đảm bảo?
Khi sử dụng các dung dịch sát khuẩn có cồn hoặc sử dụng cồn để rửa tay nhanh, bạn cần thực hiện trong ít nhất 30 giây, chà xát và đảm bảo tất cả vị trí trên da tay đều được tiếp xúc với chất khử trùng và để khô tự nhiên. Virus sẽ bị bất hoạt sau khoảng 3-4 phút sử dụng dung dịch này. Do đó, cần chú ý trong vòng 3-4 phút sau khi thực hiện rửa tay nhanh, virus trên tay chưa kịp bị tiêu diệt hoàn toàn nên vẫn có thể lây sang người khác.
Tuy nhiên, thời gian tiếp xúc và lượng chất khử khuẩn cũng quyết định rất lớn đến khả năng diệt khuẩn. Do đó việc tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng của từng loại dung dịch là thực sự cần thiết. Ví dụ cùng một thành phần chính là Ethanol (cồn) nhưng các sản phẩm khác nhau sẽ có cách dùng khác nhau. Các sản phẩm thường dùng trong bệnh viện như: Aniosgel 85 NPC có thể diệt được các chủng virus như Herpes Virus, Rotavirus, Coronavirus trong vòng 30 giây (ở điều kiện tiêu chuẩn) với hướng dẫn sử dụng là 3ml/30 giây, với Asirub dạng dung dịch được hướng dẫn sử dụng 3-4 ml trong 1 phút, Alphasept handrub nên dùng 3ml với thời gian tối thiểu tiếp xúc trên tay 30 giây... Đồng thời, để tính toán được liều lượng dùng, nhà sản xuất cần thiết kế các vòi bơm định lượng cho mỗi sản phẩm mà theo đó, mỗi lần bơm sẽ bơm ra một lượng vừa đủ cho một lần rửa tay.
5. Thành phần chính của dung dịch rửa tay sát khuẩn nhanh
- Dung dịch rửa tay sát khuẩn: chứa 2-4% chlorhexidine hoặc 5-7% povidone iodine hoặc 1% triclosan... dùng trong rửa tay phẫu thuật. Các loại dung dịch sát khuẩn đang sử dụng tại bệnh viện là Microshield 2% và 4% (dùng trong phòng mổ).
- Dung dịch khử khuẩn không dùng nước có thể chứa một trong các hóa chất sau: Alcohol (cồn), Chlorhexidine, Chlorine, Hexachlorophene, Iodine, Para Chloro Meta Xylenol, hợp chất amoni bậc 4 và Triclosan, thường có kèm chất dưỡng da.
Trên thực tế, thành phần chính của các loại nước rửa tay y tế nói chung và nước rửa tay khô nói riêng hiện nay thường bao gồm: Dung dịch ethanol (cồn), nước tinh khiết, sodium lactate (một loại chất hút ẩm), fragrance (hương liệu tạo mùi hoặc các loại tinh dầu làm thơm), benzalkonium chloride (chất diệt khuẩn)... Theo các bác sĩ, nước sát khuẩn tay nhanh hay nước rửa tay khô có khả năng diệt nhanh các loại vi khuẩn, virus, các mầm bệnh gây hại cho sức khỏe, khiến chúng không thể phát triển và bảo vệ bàn tay sạch sẽ. Một số loại nước rửa tay, nước sát khuẩn tay bằng cồn còn có thể chứa một số thành phần dưỡng chất, vitamin giúp bàn tay mềm mại hơn.
6. Kỹ thuật rửa tay bằng dung dịch chứa cồn
- Bước 1: Lấy 3-5 ml dung dịch rửa tay cho vào lòng bàn tay.
- Bước 2: Chà xát mạnh tay trong 1 phút, chà hai lòng bàn tay vào nhau và chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại.
- Bước 3: Chà hai lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào các kẽ ngón. Chà xát mu các ngón tay này lên lòng bàn tay kia và tiếp tục thực hiện ngược lại (mu tay để khum sao cho khớp với lòng bàn tay).
- Bước 4: Chà xát ngón tay cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại (lòng bàn tay ôm lấy ngón cái). Chà xát các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại.
Chú ý: Khi hoàn thành bước 4 mà tay vẫn chưa khô thì tiến hành lại từ bước 2 đến 4 cho đến khi tay khô.
Mặt khác, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên lựa chọn những sản phẩm nước rửa tay nhanh không rõ nguồn gốc xuất xứ và không được kiểm nghiệm trước khi đưa ra thị trường vì không đảm bảo độ an toàn và khả năng diệt khuẩn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.