Wokadine là một dung dịch dùng để sát khuẩn da, niêm mạc, được sử dụng hỗ trợ trong những trường hợp viêm do nhiễm vi sinh vật gây bệnh. Để hiểu rõ về thuốc và cách dùng an toàn, bạn hãy tham khảo những thông tin dưới đây.
1. Wokadine là thuốc gì?
Thuốc Wokadine có thành phần chính là Povidon iod, đóng chai 100ml, đây là một dạng dung dịch sát khuẩn, được bào chế với hàm lượng thành phần khác nhau.
Đối với loại Wokadine 1% được dùng để súc miệng, Wokadine 10% được dùng để sát khuẩn ngoài da.
Povidon iod có thể hấp thụ toàn thân phụ thuộc vào vùng và tình trạng sử dụng thuốc như dùng trên diện rộng, da, niêm mạc, vết thương, các khoang trong cơ thể.
Povidon được dùng làm chất mang iod. Dung dịch povidon iod khi dùng sẽ giải phóng iod dần dần tại da hay niêm mạc, do đó kéo dài tác dụng sát khuẩn diệt vi khuẩn, nấm, virus, động vật đơn bào, kén và bào tử. Mặc dù tác dụng của thuốc kém hơn so với các chế phẩm chứa iod tự do, nhưng ít độc hơn, vì lượng iod tự do thấp hơn.
2. Thuốc Wokadine có tác dụng gì?
Thuốc Wokadine được bào chế dạng dung dịch Povidone Iod 1% được dùng để súc miệng, súc họng trong trường hợp nhiễm khuẩn tại vùng miệng họng. Thuốc giúp sát khuẩn bề mặt niêm mạc vùng hầu họng, vùng miệng hạn chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh. Đặc biệt khi có các vết thương, vết loét hay trước khi thực hiện thủ thuật vùng miệng.
Đối với dạng bào chế Povidone iod 10% được dùng để sát khuẩn ngoài da, không dùng để súc miệng. Có tác dụng tránh nhiễm khuẩn, virus, nấm... gây bệnh trên các vết thương hở, vết bỏng.
Một số trường hợp cụ thể có thể dùng Wokadine như:
- Viêm lưỡi do vi khuẩn hay nấm candida.
- Viêm niêm mạc miệng.
- Viêm họng, viêm amidan.
- Hỗ trợ trong điều trị nhiễm virus như cảm cúm, Covid...
- Vết thương hở ngoài da, vết bỏng...
- Sát trùng da trước khi phẫu thuật, sát khuẩn tay làm vệ sinh cho nhân viên y tế trước khi phẫu thuật.
3. Không dùng Wokadine khi nào?
Không dùng thuốc Wokadine trong các trường hợp sau:
- Người có tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Không sử dụng thuốc này cho người có tiền sử mẫn cảm với iod.
- Chống chỉ định dùng cho trẻ sơ sinh đến dưới 2 tuổi, phụ nữ đang mang thai.
- Không sử dụng trên những vùng đang bị chảy nhiều máu, tổn thương sâu.
- Không được dùng dung dịch này để nhỏ tai khi bị thủng màng nhĩ.
- Bệnh nhân gặp các vấn đề về tuyến giáp như cường giáp trạng thì không nên sử dụng. Người đang dùng phóng xạ Iod điều trị bệnh tuyến giáp cũng không nên dùng.
4. Cách sử dụng Wokadine
Đối với Wokadine 1%: Đây là dung dịch súc miệng nên bạn dùng bằng cách súc miệng như sau:
- Lấy một lượng dung dịch Wokadine vừa đủ hoặc có thể pha loãng với tỷ lệ 1:1, sau đó súc miệng và súc họng trong vòng 30 giây.
- Sau khi súc miệng họng xong thì bỏ lượng dung dịch thuốc.
- Dung dịch này chỉ súc họng và súc miệng bạn không nuốt dung dịch này.
- Mỗi ngày có thể súc họng hay súc miệng từ 2 đến 4 lần, tùy tình trạng nhiễm khuẩn.
- Không dùng kéo dài trên 14 ngày khi chưa được chỉ định.
Đối với dung dịch Wokadine 10%: Được dùng để sát khuẩn trên da.
- Sát khuẩn trực tiếp trên vết thương nhỏ hay tốt nhất là pha loãng với nước sạch nếu dùng trên diện dạ rộng. Nhất là dùng vết bỏng rộng hoặc vệ sinh cơ quan sinh dục sau khi sinh đẻ có vết rạch tầng sinh môn...
- Dùng mỗi ngày 2, tùy mức độ tổn thương mà có thể tăng số lần sử dụng.
- Không dùng quá 14 ngày mà chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
5. Tác dụng phụ của thuốc Wokadine
Chế phẩm này khi dùng có thể gây kích ứng tại chỗ, mặc dù ít kích ứng hơn iod tự do.
Đối với Wokadine 1% thường gây ra các phản ứng tại chỗ, vì gần như rất hiếm thấy Iod được hấp thu toàn thân.
- Phản ứng phụ thường thấy như ngứa, đỏ niêm mạc, vết phồng rộp.
- Dị ứng do iod, đốm xuất huyết, viêm tuyến nước bọt, nhưng với tỷ lệ rất thấp.
- Rất hiếm gặp gây ra phản ứng sốc phản vệ, tuy nhiên nếu gặp gây ra nguy hiểm cho người bệnh. Cần được đưa tới cơ sở y tế gần nhất khi có biểu hiện như hạ huyết áp, khó thở, phù nề họng...
Trong trường hợp dùng ngoài da (Wokadine 10%) với diện dùng lớn, vết thương rộng có thể hấp thu toàn thân và gây ra các tác dụng phụ như: Ảnh hưởng tới tuyến giáp như giảm chức năng tuyến giáp hay cơn bão giáp trạng; gây nhiễm acid chuyển hóa; tăng natri huyết và tổn thương chức năng thận; cơn động kinh; co giật; giảm bạch cầu trung tính; kích ứng trên da...
Nếu thấy có kích ứng tại chỗ khi dùng, bạn nên ngừng dùng thuốc và hỏi ý kiến bác sĩ hay dược sĩ để được tư vấn đổi loại thuốc phù hợp. Những phản ứng phụ khác xảy ra bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ, để được điều trị phù hợp.
6. Một số điều cần chú ý khi dùng Wokadine
- Bạn cần chú ý về tiền sử dị ứng với hoạt chất có trong sản phẩm. Đọc kỹ hướng dẫn về cách dùng thuốc trên tờ hướng dẫn.
- Chú ý: Do dung dịch Wokadine có nhiều nồng độ khác nhau, bạn cần phải hết sức thận trọng để chọn đúng dung dịch có thể súc miệng, dung dịch này thường có nồng độ thấp 1%, tuyệt đối không dùng dung dịch 10% để súc miệng.
- Dung dịch này là dung dịch sát khuẩn, chỉ dùng nếu có nhiễm các loại vi sinh vật gây bệnh. Không được dùng thay thế nước sát khuẩn an toàn khác dùng hàng ngày để súc miệng và không nên dùng quá 14 ngày trong một đợt điều trị.
- Phụ nữ mang thai hay cho con bú: Khi dùng có thể gây hấp thụ toàn thân và qua nhau thai, bài tiết vào sữa gây ảnh hưởng tới thai nhi hay trẻ bú mẹ. Vì vậy, nên tránh dùng cho đối tượng này khi không cần thiết, đặc biệt là phụ nữ mang thai 6 tháng cuối thai kỳ.
- Tương tác thuốc: Tránh dùng cùng lúc với nhiều loại dung dịch sát trùng khác nhau; Không dùng với xà phòng, dung dịch hoặc loại thuốc mỡ có chứa thủy ngân.
- Bảo quản: để thuốc nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp, nhiệt độ dưới 25 độ C. Để xa tầm tay của trẻ em.
Hy vọng, với những thông tin trên về thuốc bạn đã biết công dụng, cách dùng và điều cần lưu ý khi dùng Wokadine. Dung dịch sát khuẩn này được dùng rất phổ biến nhưng cũng cần dùng thận trọng, không nên quá lạm dụng.