Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hồng Phúc - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Thiểu niệu và vô niệu là đặc điểm của chứng suy thận cấp - căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Do đó, bệnh nhân bị suy thận cấp cần được nhận biết đặc điểm để xử trí điều trị kịp thời.
1. Suy thận cấp là gì?
Suy thận cấp là tình trạng chức năng của hai quả thận bị suy giảm hoặc mất hoàn toàn trong một khoảng thời gian, nhưng chỉ tạm thời. Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà các chức năng của thận bị suy giảm hoặc mất đi một cách nhanh chóng, khiến mức lọc của vi cầu thận bị suy giảm hoàn toàn, gây ra tình trạng thiểu niệu và vô niệu, làm tăng nồng độ các chất như ure, creatinin trong máu, các cân bằng như nước - điện giải, kiềm - toan và một số cân bằng khác trong cơ thể bị rối loạn...
2. Đặc điểm suy thận cấp
Hội chứng suy thận cấp có những đặc điểm sau:
- Thiểu niệu, vô niệu kéo dài: Người bệnh đi tiểu ít hoặc không có nước tiểu trong khoảng 1 - 3 tuần hoặc dài hơn.
- Nồng độ ure, creatinin trong máu tăng: Khi tình trạng thiểu niệu và vô niệu kéo dài sẽ dẫn đến nồng độ các chất như ure, creatinin trong máu tăng lên, tình trạng bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng khi nồng độ các chất này tăng nhanh.
- Rối loạn cân bằng nước - điện giải và kiềm toan: Thiểu niệu và vô niệu kéo dài cũng gây ra tình trạng các cân bằng trong cơ thể như nước - điện giải và kiềm toan bị rối loạn.
- Tỉ lệ tử vong cao: Khi nồng độ các chất như ure, kali, ... trong máu tăng cao, phù phổi, sẽ dẫn đến tử vong.
3. Vì sao bị suy thận cấp?
Có nhiều nguyên nhân gây suy thận cấp, tuy nhiên, các triệu chứng lâm sàng và tổn thương về mô bệnh học của các nguyên nhân gây ra là giống nhau.
- Suy thận cấp trước thận: Các nguyên nhân bao gồm sốc thể tích do chấn thương, bị phỏng, phá thai, sảy thai, phẫu thuật, ... gây xuất huyết; sốc tim do bị nhồi máu cơ tim; sốc nhiễm khuẩn do bị nhiễm khuẩn đường ruột, nhiễm trùng máu và sốc quá mẫn do bị sốc phản vệ, gây ra suy thận cấp.
- Suy thận cấp tại thận: Các nguyên nhân cụ thể bao gồm nhiễm độc do kim loại nặng, các chất độc trong môi trường lao động hoặc tự nhiên, các loại thuốc kháng sinh, thuốc gây mê; các bệnh lý thận như mạch máu thận, viêm cầu thận, viêm kẽ thận; tắc nghẽn thận do tinh thể, gây ra suy thận cấp.
- Suy thận cấp sau thận: Các nguyên nhân có thể bao gồm thần kinh bị tổn thương gây liệt bàng quang, tắc nghẽn bể thận, tắc nghẽn niệu quản hoặc tắc nghẽn bàng quang do sỏi hoặc khối u; thắt nhầm niệu quản khi phẫu thuật, gây suy thận cấp.
4. Triệu chứng suy thận cấp qua từng giai đoạn
Suy thận cấp tiến triển qua 4 giai đoạn: khởi đầu, thiểu niệu và vô niệu, tiểu trở lại và phục hồi. Dưới đây là triệu chứng cụ thể của bệnh qua từng giai đoạn:
- Giai đoạn khởi đầu: Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, người bệnh sẽ bị thiểu niệu hoặc vô niệu trong các khoảng thời gian khác nhau.
- Giai đoạn thiểu niệu và vô niệu: Ở giai đoạn này, người bệnh bắt đầu bị thiểu niệu hoặc vô niệu kéo dài, khoảng từ 1 - 2 ngày đến vài tuần. Khi tình trạng thiểu niệu, vô niệu kéo dài sẽ dẫn đến lượng ure và creatinin trong máu tăng lên. Khi nồng độ các chất này tăng lên cao, bệnh sẽ diễn tiến càng nặng. Đồng thời cũng dẫn đến các rối loạn cân bằng nước - điện giải và cân bằng kiềm toan gây phù, thiếu máu, rối loạn tim mạch, co giật, nôn, xuất huyết, khó thở, hôn mê,... Ở giai đoạn này, nếu không xử trí kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong do ngừng tim, phù phổi cấp, phù não, ngộ độc kali.
- Giai đoạn tiểu trở lại: Chức năng thận bắt đầu hồi phục, bệnh nhân suy thận cấp sẽ đi tiểu trở lại với số lần đi tiểu và lượng nước tiểu tăng dần. Mặc dù vậy, nếu các biến chứng không được điều trị ở những giai đoạn trước, khả năng tử vong vẫn có thể xảy ra, tuy nhiên tỷ lệ thấp hơn khi bệnh nhân được lọc thận nhân tạo.
- Giai đoạn hồi phục: Nếu không có biến chứng, nồng độ ure và creatinin trong máu của người bệnh giảm và dần trở về mức bình thường, chức năng thận và sức khỏe của người bệnh hồi phục.
5. Suy thận cấp có phục hồi được không?
Khả năng và mức độ hồi phục chức năng thận do suy thận cấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
- Nguyên nhân gây bệnh: Suy thận cấp do bỏng có khả năng hồi phục rất ít, tỷ lệ hồi phục đối với các nguyên nhân do sản khoa, nội khoa, chấn thương/phẫu thuật lần lượt là 10 - 15%, 30% và 60%.
- Điều kiện xử trí ban đầu: Nếu không được xử trí sớm thì tỉ lệ tử vong sẽ cao.
- Cách thức xử trí: Điều trị rối loạn cân bằng nước - điện giải rất quan trọng trong điều trị suy thận cấp.
Như vậy, nếu bệnh nhân được chẩn đoán, phát hiện và xử trí điều trị kịp thời, phù hợp với phương thức chính xác và tích cực, có thể phục hồi chức năng thận gần như hoàn toàn hoặc hoàn toàn. Hiện nay, sử dụng thận nhân tạo để lọc máu, đồng thời kết hợp điều trị bảo tồn là phương pháp hữu hiệu trong điều trị suy thận cấp. Ngược lại, nếu để suy thận cấp tiến triển thành suy thận mãn tính, chức năng thận bị suy giảm dần dần với những tổn thương sẽ mất dần cơ hội hồi phục.
Suy thận cấp với đặc điểm chính là thiểu niệu hoặc vô niệu, là hội chứng nghiêm trọng có thể gây tử vong cao nếu không được xử trí kịp thời và phù hợp.
BSCK I Nguyễn Hồng Phúc đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong Hồi Sức cấp cứu. Trước khi là Bác sĩ Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc, bác sĩ Phúc từng tại công tác tại các bệnh viện: Bệnh Viện Phổi Bắc Ninh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi – Thành phố Hồ Chí Minh.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.