Thế nào là rối loạn tri giác?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Toán - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong điều trị Hồi sức – Cấp cứu.

Tri giác là một quá trình tâm lý, có khả năng tập hợp các đặc tính riêng lẻ của sự vật hiện tượng, do các giác quan phản ánh một cách khách quan thống nhất, trọn vẹn. Rối loạn tri giác thường gặp, nó luôn báo hiệu một bệnh lý của hệ thần kinh.

1. Tổng quan

  • Rối loạn tri giác / Rối loạn ý thức hoặc suy giảm ý thức, là một trạng thái mà ý thức bị ảnh hưởng do tổn thương não. Ý thức đòi hỏi cả Sự thức tỉnh (wakefulness) và Sự nhận thức (awareness).
  • Thức tỉnh là khả năng mở mắt và có các phản xạ cơ bản như ho, nuốt và mút/bú
  • Nhận thức gắn liền với các quá trình suy nghĩ phức tạp hơn và khó đánh giá hơn. Hiện tại, việc đánh giá nhận thức dựa vào các phản ứng thể chất được phát hiện trong các cuộc kiểm tra.

Có nhiều phân loại nhưng các rối loạn ý thức chính là:

  • Hôn mê
  • Trạng thái thực vật
  • Trạng thái ý thức tối thiểu

Một số bệnh cảnh khác:

  • Hội chứng khóa trong
  • Chết não (bài riêng)

Sử dụng chất kích thích quá liều có thể gây rối loạn tri giác
Sử dụng chất kích thích quá liều có thể gây rối loạn tri giác

2. Hôn mê

Là trạng thái khi một người không có dấu hiệu tỉnh táo và không có dấu hiệu nhận biết. Một người hôn mê nằm nhắm mắt và không phản ứng với môi trường, giọng nói hoặc kích thích đau. Hôn mê thường kéo dài dưới 2 - 4 tuần, trong thời gian đó một người có thể tỉnh dậy hoặc chuyển sang trạng thái thực vật hoặc trạng thái ý thức tối thiểu.


Ảo giác xuất hiện không do ý muốn chủ quan của người bệnh
Ảo giác xuất hiện không do ý muốn chủ quan của người bệnh

3. Trạng thái thực vật

Trạng thái thực vật là khi một người thức tỉnh nhưng không có dấu hiệu nhận thức

Một người ở trạng thái thực vật có thể:

  • Mở mắt của họ
  • Thức dậy và đi vào giấc ngủ đều đặn
  • Có các phản xạ cơ bản (chẳng hạn như chớp mắt khi chúng giật mình vì tiếng động lớn hoặc rút tay khi bị bóp mạnh)

Họ cũng có thể điều chỉnh nhịp tim và nhịp thở mà không cần sự hỗ trợ.

Nhưng một người ở trạng thái thực vật không thể hiện bất kỳ phản ứng có ý nghĩa nào, chẳng hạn như nhìn theo vật thể bằng mắt hoặc phản ứng với giọng nói. Họ cũng không có biểu hiện của cảm xúc.

Nếu một người ở trạng thái thực vật trong một thời gian dài, nó có thể được coi là:

  • Trạng thái thực vật liên tục nếu kéo dài hơn 4 tuần
  • Trạng thái thực vật vĩnh viễn khi đã hơn 6 tháng nếu tổn thương não không do chấn thương hoặc hơn 12 tháng nếu do chấn thương sọ não

Nếu một người được chẩn đoán là đang ở trạng thái thực vật vĩnh viễn, thì việc phục hồi là cực kỳ khó xảy ra nhưng không phải là không thể.


Ảo giác thường lặp đi lặp lại gây ám ảnh cho bệnh nhân
Ảo giác thường lặp đi lặp lại gây ám ảnh cho bệnh nhân

4. Trạng thái ý thức tối thiểu

Một người biểu hiện nhận thức rõ ràng nhưng tối thiểu hoặc không phù hợp thì được xếp vào trạng thái ý thức tối thiểu. Họ có thể có những khoảng thời gian có thể giao tiếp hoặc đáp ứng các yêu cầu, chẳng hạn như cử động ngón tay khi được hỏi. Một người có thể đi vào trạng thái ý thức tối thiểu sau khi hôn mê hoặc trạng thái thực vật. Trong một số trường hợp, trạng thái ý thức tối thiểu là một giai đoạn trên lộ trình phục hồi, nhưng trong những trường hợp khác, nó là vĩnh viễn.

Giống như trạng thái thực vật, trạng thái ý thức tối thiểu liên tục có nghĩa là nó kéo dài hơn 4 tuần.

Nhưng khó hơn để chẩn đoán trạng thái ý thức tối thiểu vĩnh viễn vì nó phụ thuộc vào những thứ như:

  • Loại tổn thương não
  • Tổn thương nghiêm trọng như thế nào
  • Người đó phản ứng như thế nào

Trong hầu hết các trường hợp, trạng thái ý thức tối thiểu thường không được coi là vĩnh viễn cho đến khi nó kéo dài vài năm.

5. Tại sao có rối loạn ý thức

Rối loạn ý thức có thể xảy ra nếu các bộ phận của não liên quan đến ý thức bị tổn thương.

  • Các loại chấn thương não này có thể được chia thành:
  • Tổn thương não do chấn thương- hậu quả của chấn thương đầu nghiêm trọng, chẳng hạn như chấn thương do tai nạn xe hơi hoặc ngã từ độ cao lớn...
  • Tổn thương não không do chấn thương: đột quỵ, nhiễm trùng...
  • Tổn thương não tiến triển: não bị tổn thương dần dần theo thời gian (ví dụ: do bệnh Alzheimer)

6. Hội chứng khóa trong

  • Thường do xuất huyết hoặc nhồi máu cầu não gây ra liệt tứ chi, làm gián đoạn và tổn thương các dây thần kinh sọ não dưới và các trung tâm điều khiển hướng nhìn ngang.
  • Bệnh nhân có chức năng nhận thức còn nguyên vẹn và tỉnh táo, mở mắt và chu kỳ ngủ - thức bình thường. Họ có thể nghe và nhìn thấy. Tuy nhiên, họ không thể cử động mặt dưới, nhai, nuốt, nói, thở miệng, cử động chân tay hoặc liếc ngang nhưng có thể di chuyển mắt theo chiều dọc, bệnh nhân có thể mở và nhắm mắt hoặc chớp mắt một số lần cụ thể để trả lời câu hỏi.

7. Chẩn đoán

  • Rối loạn ý thức sẽ chỉ được xác nhận sau khi đánh giá đầy đủ để xác định mức độ tỉnh táo và nhận thức của người đó.
  • Những cuộc kiểm tra này cần phải được thực hiện bởi một người có kinh nghiệm về rối loạn ý thức, mặc dù quan điểm của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác và các thành viên trong gia đình cũng nên được xem xét.
  • Đối với một số trạng thái suy giảm ý thức, chẳng hạn như trạng thái thực vật và trạng thái ý thức tối thiểu, có các tiêu chí được khuyến nghị để giúp xác định chẩn đoán.

8. Điều trị và chăm sóc

Điều trị không đảm bảo sẽ phục hồi được tình trạng suy giảm ý thức.

Thay vào đó, điều trị hỗ trợ được sử dụng để mang lại cơ hội cải thiện tự nhiên tốt nhất.

Điều này có thể liên quan đến:

  • Cung cấp dinh dưỡng qua ống cho ăn (sonde dạ dày)
  • Đảm bảo người bệnh không bị loét do tì đè (nghiêng trở, xoa bóp...)
  • Phòng ngừa cứng khớp
  • Giữ cho da sạch sẽ
  • Chăm sóc đường ruột và bàng quang (ví dụ: dẫn lưu bàng quang)
  • Giữ răng và miệng sạch sẽ
  • Tạo cơ hội cho những khoảng thời gian hoạt động có ý nghĩa - chẳng hạn như nghe nhạc hoặc xem truyền hình, được xem hình ảnh hoặc nghe các thành viên trong gia đình nói chuyện.

9. Kích thích cảm giác

Trong một số trường hợp, một phương pháp điều trị được gọi là kích thích cảm giác có thể được sử dụng để cố gắng tăng khả năng đáp ứng. Điều này liên quan đến việc kích thích các giác quan chính, chẳng hạn như thị giác, thính giác và khứu giác. Việc này thường được thực hiện bởi một chuyên gia được đào tạo, nhưng các thành viên trong gia đình thường được khuyến khích tham gia.

Một số ví dụ về kích thích giác quan bao gồm:

  • Nhìn - hiển thị ảnh của bạn bè và gia đình hoặc một bộ phim yêu thích
  • Nghe - nói hoặc chơi một bài hát yêu thích
  • Ngửi - đặt hoa trong phòng hoặc xịt nước hoa yêu thích
  • Xúc giác - nắm chặt tay hoặc vuốt da của họ bằng các loại vải khác nhau

Không hoàn toàn rõ việc kích thích giác quan hiệu quả như thế nào, nhưng đôi khi nó được coi là đáng giá.

10. Hồi phục

Không thể dự đoán khả năng một người nào đó trong tình trạng suy giảm ý thức được cải thiện.

Nó chủ yếu phụ thuộc vào:

  • Loại tổn thương não
  • Mức độ nghiêm trọng tổn thương
  • Độ tuổi
  • Thời gian bị bệnh

Một số người bệnh cải thiện dần dần, trong khi những người khác ở trong tình trạng suy giảm ý thức trong nhiều năm. Nhiều người không bao giờ hồi phục ý thức. Chỉ có những trường hợp cá biệt mới hồi phục ý thức sau vài năm. Một số ít người bệnh tỉnh lại sau thời gian này thường bị khuyết tật nặng do não bị tổn thương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe