Rối loạn phân ly thuộc nhóm các bệnh lý tâm thần, với tỷ lệ mắc bệnh chiếm 0.3 - 0.5% trong dân số. Bệnh thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, ở người trẻ nhiều hơn người già. Triệu chứng rối loạn phân ly trên lâm sàng rất phong phú, đa dạng và đôi khi không rõ nguyên nhân, vì vậy thường gây nhiều khó khăn trong chẩn đoán và điều trị.
1. Rối loạn phân ly là bệnh gì?
Rối loạn phân ly (rối loạn thần kinh chức năng, hysteria,...) là những rối loạn tâm thần liên quan đến sự mất kết nối và ngắt quãng giữa những suy nghĩ, ký ức, môi trường xung quanh, hành động và đặc tính cá nhân. Những người bị rối loạn phân ly thoát ra khỏi tình trạng này bằng cách không tự chủ, có hại cho sức khoẻ và gây ảnh hưởng tới chức năng sống trong cuộc sống hàng ngày.
Rối loạn phân ly thường phát triển như là phản ứng chấn thương và lưu giữ ký ức khó khăn. Triệu chứng - phạm vi từ mất trí nhớ đến các đặc tính luân phiên - phụ thuộc từng phần vào kiểu rối loạn phân ly. Thời gian căng thẳng nhiều có thể làm cho triệu chứng của bệnh trở nên trầm trọng, rõ ràng hơn.
2. Đặc điểm của rối loạn phân ly
Quá trình vỏ não hoạt động suy yếu, thoát ly khỏi sự kiềm chế của dưới vỏ làm tăng cảm xúc, tăng tính ám thị. Do đó, sự kích thích mạnh của sang chấn tâm lý dẫn đến vỏ não không tự kiềm chế được lâm vào trạng thái ức chế. Khi vỏ não không tự điều hoà được thì hoạt động của vùng dưới vỏ sẽ tăng, xuất hiện các triệu chứng của rối loạn phân ly.
Thêm vào đó, các kích thích sang chấn tâm lý dễ gây ra phản ứng dây chuyền tập thể. Khi một người trong tập thể bị, nhiều người khác cũng có thể bị làm cho ta thấy có cảm giác bệnh có thể dễ dàng lây lan (rối loạn phân ly tập thể).
Rối loạn phân ly ở trẻ em - đặc biệt gặp nhiều ở trẻ gái - thường xảy ra đồng loạt trong một nhóm hay một tập thể ở trường học hoặc trong đám đông. Biểu hiện của rối loạn này bắt đầu từ một người mắc bệnh và những người xung quanh có xu hướng “bị lan truyền”. Bệnh thường xuất hiện sau những sang chấn về tâm lý, các vấn đề khó khăn trong cuộc sống như học tập, công việc và các mối quan hệ mà người bệnh không thể tự mình giải quyết được.
3. Biểu hiện của rối loạn phân ly
Rối loạn phân ly thường không theo sơ đồ giải phẫu nào mà nó dựa vào sự tưởng tượng của bệnh nhân. Các rối loạn này cũng rất đa dạng, xuất hiện và kết thúc đột ngột. Những biểu hiện bệnh có thể thuyên giảm sau vài tuần, vài tháng hoặc cũng có thể bị tái phát trở lại khi các sự kiện sang chấn tâm lý vẫn tiếp tục diễn ra.
Dấu hiệu và triệu chứng phụ thuộc vào các kiểu rối loạn phân ly, có thể bao gồm:
- Mất trí nhớ (Amnesia) trong khoảng thời gian nhất định, liên quan đến sự kiện, con người, thông tin cá nhân.
- Có cảm giác không lệ thuộc vào bản thân và cảm xúc của bản thân.
- Nhận thức về những người và vật xung quanh bị biến dạng và không thật.
- Có cảm giác mờ nhạt về nhận định.
- Sự căng thẳng hay những vấn đề trong mối quan hệ, công việc hoặc các lĩnh vực quan trọng khác trong cuộc sống.
- Mất khả năng đối phó khi xúc động hoặc căng thẳng.
- Các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, có ý nghĩ và hành vi tự tử.
4. Nguyên nhân dẫn tới rối loạn phân ly
Hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học xác định rối loạn phân ly được gây ra bởi tổn thương não bộ, vì vậy bệnh lý này còn được gọi là bệnh lý chức năng. Nguyên nhân chủ yếu là:
4.1. Sang chấn tâm thần
Sang chấn tâm thần thường là những cảm xúc mạnh như lo sợ tột độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề... Các sang chấn thường dễ nhận thấy trong bệnh tâm căn suy nhược vì nó có tính chất cấp và mạnh, thường phát sinh ngay sau khi có sang chấn hoặc một thời gian ngắn sau khi bị sang chấn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp sang chấn tâm thần khó tìm thấy, nhất là những trường hợp bệnh lâu ngày tái phát.
4.2. Các nhân tố thuận lợi
- Nhân cách yếu: Bệnh thường phát sinh ở những người do hoàn cảnh và giáo dục không thích hợp nên hình thành một nhân cách yếu, tiêu cực như thiếu tự chủ, thiếu tự kiềm chế bản thân, thích chiều chuộng, thích phô trương, chịu đựng khó khăn gian khổ kém, lý tưởng không vững.
- Nhân tố có hại của môi trường: Là những nhân tố làm suy yếu hệ thần kinh, làm giảm các hoạt động của vỏ não như nhiễm trùng, nhiễm độc, chấn thương sọ não, thiếu dinh dưỡng, kiệt sức,...
5. Rối loạn phân ly điều trị thế nào?
Rối loạn phân ly điều trị chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý, trong đó liệu pháp ám thị được áp dụng rất có hiệu quả. Bên cạnh đó, nên kết hợp với việc nâng cao thể trạng, bồi dưỡng nhân cách, tạo không gian môi trường sống phù hợp để cải thiện tình trạng bệnh cho bệnh nhân.
Ngoài ra, có thể kết hợp thêm các liệu pháp điều trị toàn diện khác như âm nhạc, thể thao, lao động, thư giãn, luyện tập,... Trong trường hợp nặng hơn, cùng với việc áp dụng các liệu pháp tâm lý cần phải kết hợp sử dụng thuốc hướng tâm thần hay châm cứu, bấm huyệt, tạo niềm tin cho người bệnh vào liệu trình điều trị giúp bệnh thuyên giảm và mất các triệu chứng rối loạn chức năng.
Trong điều trị bằng liệu pháp tâm lý cần chú ý:
- Tuyệt đối không được xem thường bệnh nhân, không được xem đó là bệnh giả vờ mà hắt hủi, bỏ rơi bệnh nhân.
- Cần tránh thái độ quá chiều chuộng, quá lo lắng theo bệnh nhân, như vậy vô tình ám thị cho bệnh nhân về tình trạng trầm trọng hơn của bệnh.
- Rối loạn phân ly là bệnh của một nhân cách yếu, các liệu pháp trên chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng, muốn khỏi bệnh phải tiếp tục làm liệu pháp tâm lý lâu dài.
Để phòng tránh bệnh này nên tăng cường tuyên truyền giáo dục kiến thức cần thiết về vệ sinh phòng bệnh tâm thần, nhằm rèn luyện tính cách ngay từ khi còn nhỏ, giáo dục tính đoàn kết, tương thân tương ái, tính tập thể, tránh các stress tâm thần trong sinh hoạt, học tập và công tác.
Hiện tại Hệ thống Y tế Vinmec có điều trị rối loạn phân ly chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý, trong đó liệu pháp ám thị được áp dụng rất có hiệu quả. Bên cạnh đó, nên kết hợp với việc nâng cao thể trạng, bồi dưỡng nhân cách, tạo không gian môi trường sống phù hợp để cải thiện tình trạng bệnh cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org