Thế nào là niệu quản lạc chỗ?

Niệu quản lạc chỗ là bệnh bẩm sinh gây ảnh hưởng lớn tới tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh thường được phát hiện muộn do các triệu chứng không đặc trưng, dễ nhầm lẫn với các trạng thái bình thường của trẻ.

1. Niệu quản lạc chỗ là gì?

Thông thường, niệu quản sẽ đổ vào mặt sau của bàng quang. Hai lỗ của niệu quản cùng với cổ bàng quang tạo thành hình tam giác, được gọi là vùng tam giác bàng quang. Tình trạng những niệu quản tiếp khẩu lạc khỏi vùng tam giác trên được gọi là niệu quản lạc chỗ. Nói cách khác, niệu quản lạc chỗ là tình trạng lỗ niệu quản đổ ra ngoài vùng tam giác bàng quang.

Niệu quản lạc chỗ là bệnh bẩm sinh khá hiếm gặp. Trung bình cứ 2000 trẻ sẽ có 1 trẻ mắc bệnh. Tỷ lệ trẻ nữ mắc bệnh nhiều hơn trẻ nam và chủ yếu là xuất phát từ cực trên thận đôi.

  • Ở trẻ nam: Niệu quản lạc chỗ vào niệu đạo, túi tinh, ống dẫn tinh, tuyến tiền liệt;
  • Ở trẻ nữ: Niệu quản lạc chỗ vào dưới cổ bàng quang, vùng tiền đình, âm đạo, âm hộ, tử cung.

Sự phát triển bất thường cả niệu quản trong thời gian bào thai dẫn đến bệnh niệu quản lạc chỗ. Vị trí bất thường của mầm niệu quản trên ống trung thận hoặc mầm niệu quản tách khỏi ống trung thận muộn là nguy cơ dẫn đến niệu quản lạc chỗ.

Dựa trên vị trí thì niệu quản lạc chỗ có thể chia làm hai loại, bao gồm:

  • Niệu quản lạc chỗ trong bàng quang: Hai niệu quản vẫn tiếp khẩu vào bàng quang, nhưng một hoặc cả hai niệu quản tiếp khẩu ra ngoài vùng tam giác bàng quang;
  • Niệu quản lạc chỗ ngoài bàng quang: Một trong hai niệu quản hoặc trong 3 - 4 niệu quản phụ tiếp khẩu ra phía ngoài bàng quang.

Đái rỉ khiến người bệnh khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày
Đái rỉ khiến người bệnh khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày

2. Triệu chứng của niệu quản lạc chỗ

Người bệnh niệu quản lạc chỗ sẽ có các triệu chứng sau:

  • Đái rỉ: Đây là triệu chứng cơ bản của bệnh niệu quản lạc chỗ. Trẻ bị niệu quản lạc chỗ sẽ có hiện tượng nước tiểu rỉ ra liên tục. Đây là bệnh bẩm sinh nên khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ có thể nhầm lẫn với việc trẻ đái dầm, trẻ nhỏ lại đi vệ sinh liên tục nên rất khó phân biệt. Cho đến khi trẻ lớn dần, hiểu biết hơn thì mới phát hiện ra triệu chứng bất thường. Đây chính là lý do vì sao bệnh niệu quản lạc chỗ thường được phát hiện muộn;
  • Lượng nước tiểu rỉ ra từ niệu quản lạc chỗ không nhiều, trung bình khoảng 20 - 70ml. Trẻ nhỏ thường phải thay 2 lần quần/ngày, người lớn phải thay 3 - 4 lần quần/ngày. Đây là dấu hiệu phân biệt niệu quản lạc chỗ với rò bàng quang - âm đạo;
  • Đái thành bãi: Bên cạnh hiện tượng rỉ nước tiểu liên tục, người bệnh vẫn có thể đái được thành bãi bình thường;
  • Triệu chứng nhiễm trùng.

Thăm khám thực thể:

  • Khám vùng âm đạo, phía ngoài âm đạo, bộ phận sinh dục sẽ thấy lỗ tiếp khẩu của niệu đạo cắm vào âm đạo, vùng tiền đình...;
  • Nghiệm pháp chất màu;
  • Kiểm tra các triệu chứng phụ: Lở loét vùng bẹn, đùi do nước tiểu rỉ liên tục gây ẩm ướt kéo dài.

3. Chẩn đoán niệu quản lạc chỗ

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng của người bệnh

  • Soi bàng quang, sử dụng nghiệm pháp màu;
  • Soi niệu đạo, sử dụng nghiệm pháp màu;
  • Niệu đồ tĩnh mạch;
  • Chụp ngược dòng từ lỗ tiếp khẩu niệu quản lạc chỗ (trường hợp tìm thấy lỗ tiếp khẩu trong thăm khám).

Soi bàng quang
Soi bàng quang

4. Biến chứng của niệu quản lạc chỗ

  • Lở loét, viêm nhiễm vùng da đùi, bẹn, bộ phận sinh dục do nước tiểu rỉ liên tục, gây ẩm ướt kéo dài;
  • Nhiễm trùng ngược dòng và dẫn tới hỏng thận phụ.

Niệu quản lạc chỗ có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới chức năng thận nghiêm trọng. Vì vậy người bệnh bị niệu quản lạc chỗ cần được đưa đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe