Thế nào là loét trực tràng đơn độc?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II Phan Thị Minh Hương - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Hội chứng loét trực tràng đơn độc là một rối loạn hiếm gặp liên quan đến những cảm giác khó chịu khi đại tiện và đôi khi đi tiêu có máu, chất nhầy. Nguyên nhân là do những tổn thương thiếu máu cục bộ hoặc do sa niêm mạc trực tràng ra ngoài. Chẩn đoán bệnh lý này là dựa trên lâm sàng và xác nhận bằng nội soi kèm sinh thiết.

1. Thế nào là loét trực tràng đơn độc?

Hội chứng loét trực tràng đơn độc là một rối loạn lành tính hiếm gặp với tỷ lệ hiện mắc hàng năm ước tính là 1/100000 người. Bệnh xảy ra phổ biến nhất vào khoảng năm 30 tuổi ở nam giới và năm 40 tuổi ở nữ giới nhưng cả nam giới và nữ giới đều có tỷ lệ mắc bệnh như nhau. Bên cạnh đó, một số trường hợp được ghi nhận mắc bệnh ở trẻ em và người cao tuổi.

Tên gọi “loét trực tràng đơn độc” là cách gọi theo hình ảnh vết loét được quan sát thấy ở 40% bệnh nhân. Vị trí của vết loét đơn độc trên trực tràng thường ở thành trước của ống hậu môn trực tràng, cách hậu môn khoảng 7-10 cm.

Tuy nhiên, vùng loét có thể gần hậu môn hơn, sâu hơn bên trong hoặc ở thành bên hoặc thành sau trực tràng. Số bệnh nhân còn lại có các dạng tổn thương khác nhau về hình dạng và kích thước, bao gồm niêm mạc ruột phù nề, xung huyết cho đến tổn thương đa polyp trên diện rộng. Do đó, tên "đơn độc" có thể gây hiểu nhầm vì có thể có nhiều hơn một vết loét; đồng thời, bệnh nhân cũng có các tổn thương quan sát được trên niêm mạc mà chưa diễn tiến tới loét thực sự.

Nguyên nhân cơ bản của viêm loét trực tràng đơn độc được cho là có liên quan đến thói quen rặn quá nhiều khi đại tiện. Do cơ thắt hậu môn hoạt động quá mức trong quá trình đại tiện khiến người bệnh phải cố gắng tống phân ra ngoài nhiều hơn, càng dẫn đến tăng áp lực trong ổ bụng và trong trực tràng. Hệ quả là gây tổn thương niêm mạc. Lớp niêm mạc ruột bị chèn ép lặp đi lặp lại, thiếu máu nuôi tại chỗ có thể khiến mô bị sưng nề, hoại tử và tạo thành các vết loét. Các yếu tố thúc đẩy đến loét trực tràng khác là vừa do các chấn thương ma sát lặp đi lặp lại và vừa do tình trạng phân khô, cứng chắc cũng có thể góp phần.


Nguyên nhân cơ bản của viêm loét trực tràng đơn độc được cho là có liên quan đến thói quen rặn quá nhiều khi đại tiện
Nguyên nhân cơ bản của viêm loét trực tràng đơn độc được cho là có liên quan đến thói quen rặn quá nhiều khi đại tiện

2. Các biểu hiện của loét trực tràng đơn độc như thế nào?

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng loét trực tràng đơn độc bao gồm:

  • Táo bón
  • Chảy máu từ trực tràng
  • Đi tiêu kèm chất nhầy
  • Khó khăn hay đau đớn khi đi tiêu
  • Cảm giác đi phân không hoàn toàn
  • Đau hoặc cảm giác đầy bụng trong vùng chậu
  • Đau vùng quanh hậu môn - trực tràng

Tuy nhiên, một số người bị hội chứng loét trực tràng đơn độc có thể không có triệu chứng.

3. Cách chẩn đoán loét trực tràng đơn độc như thế nào?

Vì các triệu chứng khó chịu mà bệnh nhân khai báo thường không đặc hiệu, thăm khám bụng hay quan sát bên ngoài cũng không ghi nhận bất thường, bác sĩ có thể cần phải chỉ định thêm một số xét nghiệm sau để chẩn đoán hội chứng loét trực tràng đơn độc:

  • Nội soi ống hậu môn - trực tràng: Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ dùng một ống mềm, mỏng có gắn camera kích thước rất nhỏ, đưa vào lòng trực tràng để quan sát niêm mạc trực tràng và một phần ruột kết. Nếu phát hiện có tổn thương, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô để xét nghiệm. Tổn thương trong viêm loét trực tràng đơn độc luôn có bản chất là lành tính.
  • Siêu âm bụng: Kỹ thuật hình ảnh này sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh. Bác sĩ cần đến siêu âm để giúp phân biệt hội chứng loét trực tràng đơn độc với các bệnh lý khác trong ổ bụng cũng gây khó chịu tương tự.
  • Các công cụ hình ảnh khác: Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm hình ảnh được gọi là chụp đại tràng có cản quang. Trong thủ thuật này, một lượng dung dịch có chứa barit được đưa vào trực tràng. Sau đó, người bệnh sẽ tống xuất ra ngoài tương tự như khi đi đại tiện. Hình ảnh khung trực tràng - hậu môn hiện rõ lên với chất barit bên trong trên phim X-quang có thể cho thấy tình trạng sa niêm mạc trực tràng hoặc các vấn đề về chức năng cơ, phối hợp cơ trực tràng trong việc tống xuất phân.

Nội soi ống hậu môn - trực tràng là một trong sô những thủ thuật bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện để chẩn đoán bệnh
Nội soi ống hậu môn - trực tràng là một trong sô những thủ thuật bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện để chẩn đoán bệnh

4. Làm cách nào để điều trị viêm loét trực tràng đơn độc?

Điều trị hội chứng loét trực tràng đơn độc tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các biểu hiện lâm sàng. Những bệnh nhân có các dấu hiệu và triệu chứng mức độ nhẹ có thể tự thuyên giảm thông qua các biện pháp tích cực thay đổi lối sống. Ngược lại, các bệnh nhân có những dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng hơn sẽ cần phải điều trị nội khoa hoặc đôi khi có chỉ định phẫu thuật.

Điều trị không dùng thuốc bao gồm:

  • Thay đổi chế độ ăn uống để giảm táo bón, người bệnh có thể được chỉ dẫn về việc tăng lượng chất xơ trong mỗi bữa ăn hàng ngày.
  • Liệu pháp hành vi khi đi đại tiện nếu người bệnh thường có cảm giác căng thẳng khi vào nhà vệ sinh. Các liệu pháp này sẽ giúp bản thân học cách thư giãn các cơ vùng chậu khi đi tiêu, nhận biết hoạt động này là thói quen cần phải thực hiện hàng ngày.

Điều trị dùng thuốc:

Chủ yếu là các phương pháp điều trị như steroid tại chỗ, thụt sulfasalazine và onabotulinumtoxinA (Botox) có thể giúp giảm bớt các triệu chứng loét trực tràng. Tuy nhiên, những phương pháp điều trị này không phải là luôn hiệu quả với tất cả mọi người và một số phương pháp vẫn đang được thử nghiệm.

Các can thiệp phẫu thuật được áp dụng trong điều trị hội chứng loét trực tràng đơn độc:

  • Phẫu thuật cắt niêm mạc trực tràng: khi người bệnh bị sa trực tràng gây ra các triệu chứng.
  • Phẫu thuật cắt bỏ trực tràng: khi các triệu chứng của người bệnh không cải thiện được với các phương pháp điều trị khác. Lúc này, bác sĩ phẫu thuật sẽ kết nối đại tràng với một lỗ mở trên thành bụng, gọi là hậu môn nhân tạo, để người bệnh đi tiêu ra ngoài.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

5. Cách sống chung với loét trực tràng đơn độc tại nhà

Mỗi người có thể thay đổi lối sống hàng ngày để giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh loét trực tràng đơn độc cũng như chủ động phòng ngừa. Những thay đổi này bao gồm:

  • Tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống, đồng thời người bệnh cũng cần tạo thói quen đọc nhãn dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm liệt kê lượng chất xơ trong một khẩu phần ăn. Các nguồn chất xơ tốt nhất là trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Nên ăn trái cây và rau quả để nguyên vỏ thay vì uống nước ép. Nếu ăn bánh mì, nên chọn bánh mì nguyên cám với nguyên liệu lúa mì, yến mạch.
  • Dùng thuốc nhuận tràng và chất làm mềm phân khi bị táo bón. Các thuốc này sẽ tăng hấp thụ chất lỏng trong lòng ruột và sẽ làm cho phân trở nên mềm hơn, giúp kích hoạt nhu động ruột tăng tần số co bóp và đẩy phân ra ngoài. Tuy nhiên, nên uống những thuốc này cùng với một lượng nước lớn để đạt hiệu quả tốt ưu.
  • Uống đủ nước trong ngày. Thói quen uống đủ nước và các loại chất lỏng nói chung không chỉ giúp đi tiêu mềm và dễ hơn mà còn giúp hoạt động của các quá trình chuyển hóa trong cơ thể diễn ra tốt hơn. Để tăng lượng nước uống vào, nên làm đa dạng các loại thức uống như có thể thêm nước chanh, nước cam vào nước để tạo hương vị thơm ngon. Ngoài ra, cũng nên thử các loại đồ uống không có ga, caffeine hay cồn khác như nước ép rau củ, nước trái cây, nhất là nước ép mận có thể hữu ích vì có tác dụng nhuận tràng tự nhiên.

Thói quen uống đủ nước và các loại chất lỏng nói chung không chỉ giúp đi tiêu mềm và dễ hơn mà còn giúp hoạt động của các quá trình chuyển hóa trong cơ thể diễn ra tốt hơn
Thói quen uống đủ nước và các loại chất lỏng nói chung không chỉ giúp đi tiêu mềm và dễ hơn mà còn giúp hoạt động của các quá trình chuyển hóa trong cơ thể diễn ra tốt hơn

Tóm lại, loét trực tràng đơn độc là một rối loạn mãn tính, lành tính xuất hiện từ tuổi thanh niên, thường liên quan đến thói quen đại tiện bất thường hoặc do căng thẳng. Mặc dù tổn thương của bệnh thường khu trú tại chỗ, bệnh có thể tự thuyên giảm nếu biết cách điều chỉnh, nếu không tích cực từ đầu, tổn thương niêm mạc ruột có thể lan rộng, đòi hỏi phải can thiệp phẫu thuật hay ít nhất gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org, NCBI, msdmanuals.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe