Không phải lúc nào quá trình chuyển dạ cũng tự bắt đầu một cách tự nhiên mà phải thông qua sự can thiệp của bác sĩ. Biện pháp này được gọi là khởi phát chuyển dạ.
1. Khởi phát chuyển dạ là gì?
Chuyển dạ là quá trình diễn tiến của nhiều hiện tượng, trong đó quan trọng nhất là cơn co tử cung làm cho cổ tử cung xóa mở, kết quả là thai, nhau được tống xuất ra ngoài.
Khởi phát chuyển dạ là một quá trình mà bác sĩ sẽ kích thích các cơn gò tử cung giúp sản phụ sinh con qua ngã âm đạo. Thai kỳ của người mẹ thường kết thúc vào tuần thứ 38-40, lúc này sản phụ sẽ xuất hiện những co tử cung, báo hiệu quá trình chuyển dạ bắt đầu và em bé sắp chào đời. Tuy nhiên trong trường hợp sản phụ không có cơn đau chuyển dạ dù đã quá ngày dự sinh. Các bác sĩ bắt buộc phải làm thủ thuật khởi phát chuyển dạ, gây nên cơn chuyển dạ để kết thúc thai kỳ.
Một số tình trạng y khoa như cao huyết áp, tiểu đường, các vấn đề về tim hoặc phổi của sản phụ cũng có thể là nguyên nhân để bác sĩ tiến hành thực hiện khởi phát chuyển dạ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tình trạng suy thai hay thai chết lưu, cũng như nếu sản phụ sống quá xa bệnh viện hoặc có tiền sử chuyển dạ nhanh thì bác sĩ cũng có thể chỉ định biện pháp này. Đây chỉ là một vài trong số những lý do thường gặp mà bác sĩ cần thực hiện khởi phát chuyển dạ.
Sự thành công của thủ thuật khởi phát chuyển dạ để sinh con qua ngã âm đạo sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, một trong những yếu tố đó chính là độ mở và độ xóa cổ tử cung. Nếu cổ tử cung của sản phụ có độ mở và độ xóa càng lớn thì khả năng sinh con qua ngã âm đạo càng cao. Bác sĩ có thể chỉ định cho sản phụ dùng thuốc để làm chín muồi cổ tử cung trước khi thực hiện khởi phát chuyển dạ.
Quy trình này thường được thực hiện tại Phòng Sinh của bệnh viện giúp bác sĩ theo dõi thai nhi trước khi tiến hành khởi phát chuyển dạ để đảm bảo tình trạng của thai nhi ổn định.
Khởi phát chuyển dạ thất bại khi tử cung của sản phụ không có đáp ứng nào đối với kích thích hoặc khi tử cung có bất thường gây nguy hiểm cho thai phụ hoặc cổ tử cung không mở.
2. Tại sao phải khởi phát chuyển dạ?
Bình thường cuộc chuyển dạ là quá trình diễn tiến xuất hiện các cơn co tử cung làm cho cổ tử cung xóa mở dần, kết quả là thai và nhau được sổ ra ngoài. Cuộc chuyển dạ này xảy ra theo cơ chế như thế nào, hiện nay vẫn chưa nắm được chính xác, nên cũng không thể tiên đoán một cách chính xác, nhưng trong chuyển dạ có liên quan đến hệ thống nội tiết tố bị kích thích, thay đổi về thần kinh, nội tiết học cũng như các yếu tố cơ học tại chỗ khác để tạo nên cuộc chuyển dạ, biểu hiện cơn co tử cung có tính chất tự động, gây cảm giác đau cho thai phụ và cơn gò đều đặn ngày một tăng dần.
Trong những trường hợp cần phải chấm dứt thai kỳ để bảo đảm an toàn cho cả thai nhi và người mẹ, nếu tiếp tục duy trì thai nhi trong tử cung người mẹ thì khả năng tính mạng mẹ và thai nhi sẽ bị đe dọa như bánh nhau bị thoái hóa già cỗi không thể đảm bảo vai trò cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi. Nguyên nhân do thai nhi gây ra bệnh lý trầm trọng cho người mẹ. Thai nhi không thể duy trì trong tử cung của người mẹ do bệnh lý nặng hay dị tật bẩm sinh nặng.
Khởi phát chuyển dạ được đề nghị khi sức khỏe của người mẹ và thai nhi có nguy cơ nguy hiểm. Trong những trường hợp đặc biệt khởi phát chuyển dạ được thực hiện không do lý do y khoa, như thai phụ sống cách xa bệnh viện. Tình huống này được gọi là khởi phát chuyển dạ có chọn lọc. Khởi phát chuyển dạ có chọn lọc không được thực hiện trước 39 tuần của thai kỳ.
Trắc nghiệm: Đặc điểm cơn đau đẻ và diễn biến cuộc chuyển dạ
Cơn đau đẻ là dấu hiệu thông báo sự chào đời của em bé. Cùng thử sức với bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp các bà mẹ mang thai nhận biết cơn đau đẻ và diễn biến cuộc chuyển dạ để chuẩn bị trước tâm lý những gì sắp xảy ra đối với mình.Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Tạ Quốc Bản , chuyên khoa Sản phụ khoa , Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
3. Các biện pháp khởi phát chuyển dạ
Điều này phụ thuộc phần lớn vào tình trạng cổ tử cung của mẹ tại thời điểm đó. Nếu cổ tử cung của mẹ chưa bắt đầu mềm hay giãn ra (mở ra) nghĩa là cơ thể mẹ chưa sẵn sàng để chuyển dạ.
Trong trường hợp đó, bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp y học hoặc "cơ học" để làm chín cổ tử cung trước khi gây chuyển dạ.
Dưới đây là những phương pháp khởi phát chuyển dạ có thể linh động cho từng trường hợp cụ thể.
3.1. Bóc tách màng ối
Bóc tách màng ối là một trong những phương pháp khởi phát chuyển dạ (tác động chủ động để tạo ra những cơn co tử cung khi không thể chuyển dạ tự nhiên) được cho là tự nhiên nhất.
Phương pháp này nhằm kích thích sản xuất prostaglandin – hormone giúp các cơn co xuất hiện. Kỹ thuật viên sẽ đưa ngón tay đeo găng vào cổ tử cung, di chuyển ngón tay theo chuyển động tròn và tách màng mỏng kết nối túi ối với thành tử cung.
Bóc tách màng ối là một phương pháp đơn giản nhằm kích thích cơn chuyển dạ thật. Phương pháp này thậm chí còn được chỉ định không vì các lý do y khoa đặc biệt nào, mà đơn giản chỉ vì ngày dự sinh đang quá gần. Mặc dù vậy phương pháp can thiệp này vẫn chứa những rủi ro nhất định.
3.2. Bấm ối
Phương pháp bấm ối chỉ thực hiện được khi cổ tử cung đã mở, bằng cách dùng một kim chọc dò dài hoặc một cành Kocher để gây thủng màng ối, sau đó dùng ngón tay xé rộng màng ối. Có thể bấm ối đơn thuần hoặc kết hợp với truyền oxytocin.
Đánh giá số lượng và màu sắc dịch ối, nếu dịch ối trong thì tiếp tục cho sản phụ theo dõi để sinh thường, còn nếu dịch ối có màu xanh lẫn phân su thì cần phải mổ lấy thai ngay.
Cần theo dõi nhịp tim thai trước và ngay sau khi thực hiện bấm ối, nếu tim thai bình thường thì tiếp tục theo dõi còn nếu tim thai suy (quá nhanh hoặc quá chậm) thì bác sĩ cần phải có phương án xử trí ngay để tránh ngạt thai.
3.3. Bóng Foley
Đây là phương pháp đưa một ống thông Foley qua lỗ trong cổ tử cung. Bơm 10 ml huyết thanh mặn 0,9% làm phồng bóng cao su nhằm tạo áp lực giúp cho cổ tử cung xóa và mở. Khi cổ tử cung mở được 3 cm, ống thông sẽ tự tuột ra ngoài và cuộc chuyển dạ được khởi phát. Có thể kết hợp với truyền tĩnh mạch oxytocin nếu cần thiết.
Phương pháp này trước đây thường được sử dụng để đình chỉ những thai lớn, tuy nhiên hiện nay hiếm khi được sử dụng do sự ra đời của nhiều loại thuốc ưu việt hơn giúp sản phụ chuyển dạ dễ dàng hơn.
3.4. Prostaglandin
Đây là phương pháp sử dụng thuốc tại chỗ để gây chuyển dạ bằng cách cho sản phụ đặt thuốc này vào âm đạo hoặc ngậm dưới lưỡi.
Prostaglandin có tác dụng giúp cổ tử cung chín muồi và mềm mại giúp việc chuyển dạ diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn. Thuốc thường được dùng hiện nay đó là misoprostol.
Đặt vào túi cùng sau âm đạo với liều 50 mcg, cứ 3 giờ/lần, tối đa là 6 liều hoặc 25 mcg cứ 3 giờ/lần, tối đa 8 liều hoặc bằng đường uống 50 mcg cứ 4 giờ/lần.
Hiện nay thuốc được khuyến cáo chỉ dùng Prostaglandin trong các trường hợp thai lưu to hay thai có dị tật bẩm sinh nặng. Không nên dùng trong những trường hợp thai quá ngày, thai chậm phát triển trong tử cung nặng. Cần theo dõi các cơn gò tử cung trên monitoring sản khoa.
3.5. Bấm ối kết hợp với truyền oxytocin
Oxytocin sẽ được chỉ định pha vào chai dịch truyền và truyền tĩnh mạch chậm cho sản phụ để kích thích tử cung co bóp. Tiếp đó khi cổ tử cung mở đủ thì bác sĩ sẽ tiến hành bấm ối, xé rộng màng ối.
Theo dõi và điều chỉnh số tốc độ dịch truyền theo y lệnh để đạt được số cơn co phù hợp với sự tiến triển của cuộc chuyển dạ.
Ngoài ra, tùy thuộc vào tình hình của cuộc đẻ chỉ huy nếu cơn co mau cho oxytocin chảy chậm hoặc có thể phối hợp với những thuốc giảm co có tác dụng làm mềm cổ tử cung.
Cuộc đẻ chỉ huy được coi là đạt kết quả khi cơn co đều đặn, tim thai tốt, ngôi lọt và cổ tử cung mở hết, có thể cho đẻ đường dưới và lấy ra một thai nhi khỏe mạnh.
3.6. Kích thích núm vú
Việc kích thích núm vú sẽ giúp kích thích tuyến yên tiết ra oxytocin. Phương pháp này đạt hiệu quả nếu như cổ tử cung đã thuận tiện.
Có thể thực hiện bằng cách kích thích quầng vú từng bên trong khoảng 5-30 giây, cách khoảng 2-3 phút, ngưng kích thích khi có cơn co tử cung.
4. Các nguy cơ liên quan khi khởi phát chuyển dạ
Với một số phương pháp, tử cung của thai phụ có thể được kích thích quá mức, khiến cơn co tử cung trở nên quá thường xuyên. Quá nhiều cơn co xuất hiện có thể dẫn đến những thay đổi trong nhịp tim của thai nhi, các vấn đề dây rốn, và các vấn đề khác. Các nguy cơ khác của việc làm chín muồi cổ tử cung và khởi phát chuyển dạ có thể gặp những biến chứng sau đây:
- Bệnh nhiễm trùng ở mẹ và bé
- Vỡ tử cung
- Tăng nguy cơ sinh mổ
- Tử vong thai nhi.
Một vài bệnh lý nội khoa phát hiện trước khi mang thai hoặc xảy ra trong khi mang thai cũng có thể góp phần vào việc xuất hiện các biến chứng này.
Tất cả các phương pháp khởi phát chuyển dạ đều có những chỉ định và chống chỉ định chặt chẽ. Ngoài ra khi thực hiện các phương pháp này phải được thực hiện ở những cơ sở y tế có khả năng phẫu thuật. Vì không phải lúc nào khởi phát chuyển dạ cũng giúp thai phụ có thể sinh thường được, khi thất bại hoặc khi có thai biến phải chuyển sản phụ mổ lấy thai ngay để đảm bảo tính mạng cho thai phụ và thai nhi.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có dịch vụ thai sản trọn gói như một giải pháp giúp mẹ bầu an tâm vì đã có sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ trong suốt thai kỳ. Khi lựa chọn Thai sản trọn gói, thai phụ được:
- Quá trình mang thai được theo dõi bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn
- Thăm khám đều đặn, phát hiện sớm các vấn đề bất thường
- Thai sản trọn gói giúp thuận tiện cho quá trình sinh đẻ
- Trẻ sơ sinh được chăm sóc toàn diện
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.