Bài viết được viết bởi bác sĩ Huyết học - Truyền máu - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Các kháng thể bất thường có bản chất là IgG, thường gây phản ứng tan máu ngoài lòng mạch. Các kháng thể bất thường cũng có thể gây tan máu cấp nếu người bệnh có đáp ứng miễn dịch thứ phát (bất đồng mẹ và con).
1. Kháng thể bất thường là gì?
Kháng thể bất thường hệ hồng cầu là các kháng thể đồng loài, chỉ xuất hiện sau một quá trình miễn dịch khi cơ thể người bệnh (hoặc sản phụ) tiếp xúc trực tiếp với một hoặc nhiều kháng nguyên có trên bề mặt hồng cầu của người hiến máu (hoặc của con), nhưng các kháng nguyên này lại không có trên bề mặt hồng cầu của chính họ.
Truyền máu (TM) là một liệu pháp điều trị hỗ trợ, nhưng lại hết sức cần thiết và quan trọng, TM được áp dụng để điều trị hỗ trợ cho các phương pháp điều trị chính tại hầu hết các chuyên khoa của lĩnh vực Y học như Sản khoa, Ngoại khoa, Nội khoa, Cấp cứu, Nhi khoa và điều trị U bướu... Hiện nay, khi triển khai những phương pháp điều trị mới, tiên tiến như ghép tạng, ghép tế bào gốc, mổ tim... cũng cần truyền máu và các chế phẩm trong suốt quá trình điều trị.
Truyền máu cũng có thể gây ra những tai biến nghiêm trọng cho người bệnh nếu các quy định, quy trình về an toàn truyền máu (ATTM) không được tuân thủ chặt chẽ.
Hiện nay, tại các nước phát triển, công tác đảm bảo ATTM về mặt miễn dịch đã được thực hiện một cách triệt để và thường quy các xét nghiệm trước truyền máu bao gồm:
- Định nhóm máu hệ ABO, Rh và một số hệ nhóm máu khác,
- Sàng lọc, định danh kháng thể bất thường (KTBT),
- Xét nghiệm hòa hợp miễn dịch ở các điều kiện 220C, 370C và có sử dụng kháng Globulin người.
ATTM về mặt miễn dịch tại các nước này đã được bảo đảm và đã hạn chế được tối đa các tai biến truyền máu.
Tại Việt Nam, bảo đảm ATTM về mặt miễn dịch đã được triển khai, nhưng chưa được thực hiện một cách đầy đủ tại các bệnh viện; các xét nghiệm trước TM chỉ được thực hiện:
- Xác định nhóm máu hệ ABO, hệ Rh, xét nghiệm hòa hợp miễn dịch ở điều kiện 220C 370C và có sử dụng kháng Globulin người.
- Xét nghiệm sàng lọc kháng thể bất thường vẫn chưa được thực hiện một cách thường quy ở nhiều bệnh viện và thường được thực hiện sau xét nghiệm hòa hợp miễn dịch.
Trong Sản khoa, TM có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hồi sức tích cực cho cả mẹ và em bé, do vậy việc nhận diện sự có mặt của kháng thể bất thường sẽ giúp cho đảm bảo được ATTM cho cả mẹ và em bé.
Đối với mẹ sẽ chọn lựa được máu phù hợp sẵn có để có thể điều trị hỗ trợ,
Đối với thai nhi có thể nhận diện được: Hiến máu tan máu do bất đồng giữa mẹ và thai nhi.
2. Khi nào cần xét nghiệm sàng lọc kháng thể bất thường
- Cho người hiến máu,
- Cho người có tiền sử truyền máu;
- Cho phụ nữ có tiền sử chửa, đẻ, sảy thai nhiều lần;
- Nếu trong quá trình điều trị, người bệnh cần truyền máu nhiều lần, nhiều ngày phải làm lại xét nghiệm này định kỳ không quá 7 ngày một lần.
- Trường hợp xét nghiệm sàng lọc kháng thể bất thường cho kết quả dương tính, cần làm xét nghiệm định danh kháng thể bất thường;
3. Ý nghĩa của sàng lọc kháng thể bất thường
3.1. Kháng thể bất thường có ý nghĩa lâm sàng
- Ý nghĩa lâm sàng kháng thể bất thường là gây giảm đời sống của HC người cho trong lòng mạch của người bệnh, làm tan máu (tăng nồng độ bilirubin gián tiếp và LDH trong máu của BN).
- Theo nhận xét của tác giả Denise (1999) và Garraty (2012): Trong cùng một hệ nhóm máu thì cũng có kháng thể là có ý nghĩa lâm sàng, có kháng thể không có ý nghĩa lâm sàng hoặc chỉ có ý nghĩa lâm sàng khi chúng hoạt động ở 370C.
- Kháng thể bất thường hệ HC thường xuất hiện ở những BN được truyền máu nhiều lần hoặc ở những sản phụ chửa, đẻ nhiều lần.
- Các KTBT có bản chất là IgG thường gây phản ứng tan máu ngoài lòng mạch. Các
- KTBT cũng có thể gây tan máu cấp nếu BN có đáp ứng miễn dịch thứ phát ( bất đồng mẹ và con)
3.2. Điều kiện để cơ thể người bệnh sinh kháng thể bất thường
Sự không hòa hợp kháng nguyên nhóm máu hệ hồng cầu
- Điều kiện bắt buộc phải có là sự không hòa hợp KN nhóm máu HC giữa NHM và người nhận,
- Phải có sự bất đồng KN nhóm máu giữa mẹ và con.
Khả năng kích thích sinh kháng thể của kháng nguyên
Không phải bất cứ một KN nào cũng tạo được một hiện tượng miễn dịch với cường độ như nhau, tính sinh miễn dịch của các KN của nhóm máu và giữa các KN trong cùng một hệ thống nhóm máu thì cũng khác nhau, khả năng hình thành KT chống D của hệ Rh là mạnh nhất (50%), sau đó đến KT chống K của hệ Kell (5%).
Số lần, khoảng cách và lượng máu truyền cho người bệnh
Số lần truyền máu không hòa hợp KN nhóm máu càng nhiều, khoảng thời gian giữa các lần truyền máu đủ để cơ thể sinh KT là những yếu tố thuận lợi để cơ thể tạo ra KTBT, tỷ lệ xuất hiện KTBT tăng lên theo số lần nhận máu nhưng thể tích máu truyền thì chưa thấy có ảnh hưởng rõ ràng đến quá trình sinh KT.
Mức độ đáp ứng miễn dịch ở từng cá thể
Mỗi cá thể có đáp ứng miễn dịch khác nhau với cùng một loại KN nhóm máu
3.3. Hậu quả của việc sinh kháng thể bất thường ở người bệnh
Gây tai biến truyền máu cho người bệnh
- Người bệnh có KTBT nếu được truyền máu mà hồng cầu của người hiến máu có KN tương ứng thì sẽ xảy ra phản ứng truyền máu.
- Phản ứng tan máu cấp như khi truyền nhầm nhóm máu hệ ABO, hoặc người bệnh có đáp ứng miễn dịch thứ phát gặp trong những trường hợp BN có sẵn trong HT các KT chống lại kháng nguyên D, K, Jka, Mia..., trong các TH này BN có những biểu hiện của tan máu cấp trong lòng mạch với các triệu chứng lâm sàng rất nguy kịch và trầm trọng nếu không xử trí kịp thời BN có thể tử vong.
- Phản ứng tan máu muộn với các biểu hiện tan máu ngoài lòng mạch, xuất hiện sau truyền máu vài tuần, BN thường có những biểu hiện: sốt, vàng da, nước tiểu sẫm màu, tăng bilirubin trong máu.
- Lorna (2000) đã nghiên cứu 618 BN có tai biến truyền máu (giai đoạn t năm 1996 đến 1999) thì có tới 89 trường hợp là tai biến truyền máu cấp (14,4%) và 82 trường hợp có tai biến truyền máu muộn (13%).
Lựa chọn máu truyền cho bệnh nhân khó vì đa ngưng kết ở giai đoạn AHG
3.4. Hậu quả sinh Kháng thể bất thường ở sản phụ và thai nhi
Đối với sản phụ
Tai biến truyền máu giống như người bệnh khác.
Rất khó chọn máu vì đa ngưng kết giai đoạn AHG.
Trong thực hành truyền máu để bảo đảm ATTM về mặt miễn dịch, khi truyền máu phải đảm bảo nguyên tắc:
- Đời sống của cả HC của người cho và người nhận đều được tồn tại bình thường trong lòng mạch và không bị ngưng kết bởi các KT có trong huyết thanh của người nhận hoặc người cho,
- Cần tiến hành các xét nghiệm xác định nhóm máu, sàng lọc KTBT trước khi thực hiện phản ứng hòa hợp để lựa chọn những đơn vị máu hoà hợp nhất giữa người cho và người nhận cả về nhóm máu hệ ABO và các hệ nhóm máu HC khác.
Nếu các quy tắc này không được tôn trọng, hệ thống miễn dịch của người nhận máu sẽ nhận biết kháng nguyên của người cho như là các kháng nguyên lạ và gây đáp ứng miễn dịch sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên có trên bề mặt hồng cầu của người cho, các kháng thể đó được gọi là kháng thể bất thường và sẽ gây tai biến truyền máu ở những lần truyền máu tiếp theo.
Đối với trẻ sơ sinh
KTBT có sẵn trong huyết thanh của người mẹ còn có thể gây bệnh vàng da tan máu ở trẻ sơ sinh nếu có bất đồng KN nhóm máu giữa mẹ và con.
Có 2 thể lâm sàng bệnh vàng da tan máu miễn dịch trẻ sơ sinh do bất đồng giữa mẹ và con:
- Thiếu máu tán huyết sơ sinh do bất đồng hệ máu Rhesus,
- Thiếu máu tán huyết sơ sinh do bất đồng không thuộc nhóm máu Rhesus.
Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website (vinmec.com) để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ Vũ Đức Bình (2017). Nghiên cứu phát hiện kháng thể bất thường bằng bộ panel hồng cầu của viện Huyết học-Truyền máu trung ương để đảm bảo truyền máu có hiệu lực.
Luận án Tiến sỹ Y học. Trường đại học Y Hà Nội.
2/ Bùi Thị Mai An, Hoàng Thị Thanh Nga, Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Anh Trí (2016), Nghiên cứu đặc điểm kháng nguyên của một số hệ nhóm máu ở người hiến máu phenotype tại Viện Huyết học – Truyền máu trung ương, Tạp chí Y học Việt Nam, 446, 202-208.
3/ Hoàng Thị Thanh Nga (2014), Nghiên cứu kháng thể bất thường hệ hồng cầu và kết quả bước đầu của truyền máu hòa hợp một số kháng nguyên nhóm máu ở bệnh nhân Thalassemia tại Viện Huyết học - Truyền máu TW (2013-2014), Luận văn tốt nghiệp thạc sỹ y học, Trường Đại học Y Hà Nội.
4/ Phạm Quang Vinh (2006), Hệ nhóm máu ABO, Rh, các hệ khác và an toàn truyền máu, Bài giảng Huyết học Truyền máu sau đại học, nhà xuất bản Y học, 280-298.
5/ Thông tư 26/2013/TT- BYT, ban hành ngày 16/9/2013 về Hướng
dẫn hoạt động truyền máu.
6/ Carel Jan van Oss, Letter to the Editor: "Natural" versus Regular Antibodies, The Protein Journal (2004).