Có một thân hình lý tưởng là điều chị em luôn hướng đến. Tuy nhiên, ngực chảy xệ theo thời gian là vấn đề hầu hết phụ nữ phải đối mặt, đặc biệt là khi bạn già đi hoặc sau sinh con,... Vậy có những cách nâng ngực chảy xệ nào bạn có áp dụng để ngăn ngừa và cải thiện tình trạng này? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các vấn đề liên quan đến ngực chảy xệ trong bài viết này.
1. Nguyên nhân của ngực chảy xệ là gì?
Kích thước, hình dạng và màu sắc vú là những đặc điểm được di truyền từ gen có thể khác nhau ở mỗi bạn. Đồng thời, trong suốt cuộc đời của các chị em, bộ ngực của họ cũng sẽ không ngừng thay đổi và phát triển. Theo thời gian, hình dạng ban đầu của bộ ngực mất đi độ đàn hồi và xệ xuống như một quy luật tự nhiên. Các mức độ chảy xệ được phân loại thành các mức nhẹ, trung bình, nặng dựa vào vị trí quầng vú so với đường chân vú.
Nguyên nhân chính của ngực chảy xệ thường là do tuổi tác. Điều này được giải thích là do khi tuổi của bạn càng lớn, các dây chằng ở ngực (được gọi là dây chằng Cooper) bị giãn ra càng nhiều và yếu đi do tác động của trọng lực. Ngoài ra, sự tăng tuổi tác làm da bị mất độ đàn hồi, vì thế, làm ngực xệ xuống.
Một số yếu tố khác có thể ít nhiều làm ảnh hưởng đến sự săn chắc và căng tròn của bộ ngực, khiến bộ ngực chảy xệ, lỏng lẽo hơn như:
- Hút thuốc: làm tăng tốc độ lão hóa khiến da mất độ săn chắc và đàn hồi. Do đó góp phần làm cho ngực chảy xệ sớm hơn so với tuổi.
- Mang thai nhiều lần: Sự thay đổi nội tiết tố làm co lại và mở rộng các ống dẫn sữa theo mỗi lần mang thai khiến các mô chảy xệ. Thêm vào đó là do những thay đổi nhanh chóng về trọng lượng của ngực trước và sau khi mang thai.
- Kích thước ngực lớn: theo các chuyên gia, kích thước ngực lớn dẫn đến nguy cơ chảy xệ cao hơn, vì sẽ dễ bị tác động bởi trọng lực nhiều hơn.
- Giảm cân quá mức sau tăng cân cũng có thể làm thay đổi đáng kể hình dạng ngực cũng như dáng ngực. Ngược lại, thừa cân cũng khiến da và mô ngực bị căng và ngực chảy xệ.
- Tiếp xúc quá nhiều với tia UV của ánh nắng mặt trời: lúc này sẽ làm phá vỡ collagen và elastin, khiến da mất đi độ đàn hồi và dẻo dai cần thiết.
- Thời kỳ mãn kinh: sau khi mãn kinh làm nội tiết tố thay đổi và ảnh hưởng đến độ đàn hồi của da.
- Tập thể dục cường độ cao, quá sức: điều này có thể dẫn đến các mô liên kết bị phá vỡ.
2. Các cách nâng ngực chảy xệ?
Vòng 1 săn chắc luôn là điều chị em hướng đến. Hiện nay, có nhiều cách nâng ngực chảy xệ để phái đẹp có thể lựa chọn bao gồm ba nhóm chính:
- Phương pháp nâng ngực tự nhiên
- Phương pháp nâng ngực không phẫu thuật
- Phương pháp nâng ngực phẫu thuật
2.1. Phương pháp nâng ngực tự nhiên
Nếu ngực của bạn không bị chảy xệ quá nhiều và không muốn thực hiện phẫu thuật, bạn có thể thử các cách nâng ngực chảy xệ tự nhiên không can thiệp như:
- Tập thể dục với các bài tập cơ ngực: Mặc dù không có cơ ở vú nhưng bạn có thể vận động các cơ bên dưới, chúng được gọi là các cơ chính của ngực. Một số bài tập ngực như đẩy–kéo, bơi lội,..có thể nâng ngực chảy xệ của bạn lên một cách tự nhiên.
- Thay đổi chế độ ăn uống và dinh dưỡng: cố gắng ăn chế độ ăn cân bằng, lành mạnh để cung cấp và nuôi dưỡng để làn da của bạn luôn khỏe mạnh, săn chắc và đàn hồi. Bạn không nhất thiết phải giảm cân, cũng không cần tăng cân, thay vào đó, hãy giữ cân nặng phù hợp và ở mức phù hợp với sức khỏe của bạn. Điều này có thể ngăn ngừa ngực chảy xệ và giúp ngực săn chắc hơn.
- Thay đổi tư thế: Tư thế xấu, chẳng hạn như khom lưng hoặc cong lưng có thể khiến ngực bị tác động bởi trọng lực nhiều hơn, do đó, làm trầm trọng thêm tình trạng chảy xệ. Vì thế, giữ lưng thẳng và vai cũng có tác dụng phân bổ đều trọng lượng trong cơ thể, giúp chống chảy xệ.
- Một chiếc áo ngực chất lượng, vừa vặn, thoải mái sẽ hỗ trợ thêm để giảm áp lực lên các mô và cơ nâng đỡ ngực, đặc biệt là khi bạn tập thể dục. Áo ngực thể thao có phần nâng đỡ rộng rãi (cúp đúc) có thể làm giảm chuyển động của vú. Một nghiên cứu cho rằng chuyển động của ngực do tập thể dục dẫn đến ngực chảy xệ, mặc dù vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa.
Như vậy, với các phương pháp tự nhiên, bạn có thể ngăn ngừa và cải thiện tình trạng chảy xệ. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả bạn cần phải kiên trì.
2.2. Phương pháp nâng ngực không phẫu thuật
Phương pháp nâng ngực không phẫu thuật cũng là lựa chọn được nhiều chị em quan tâm vì đây được coi là phương pháp nâng ngực an toàn, ít xâm lấn nhưng hiệu quả đem lại nhanh.
Nâng ngực không phẫu thuật là phương pháp nâng ngực bằng chỉ hay treo sa trễ bằng chỉ. Phương pháp này được thực hiện bằng cách đưa các chỉ khâu phẫu thuật nhỏ vào mô mềm của vú để nâng đỡ các vùng bị chảy xệ giúp khôi phục bầu ngực săn chắc, quyến rũ của bạn. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ giữ được bầu ngực của bạn 1-2 năm vì theo thời gian, chỉ sinh học sẽ tự tiêu trong cơ thể. Mặc khác, phương pháp này cũng không áp dụng được với những bạn có ngực chảy xệ ở mức độ nặng.
2.3. Phương pháp nâng ngực phẫu thuật
Nếu bạn bị ngực chảy xệ nhiều hoặc mong muốn có một vòng một căng tròn đẹp ngay lập tức thì phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực sẽ là giải pháp hiệu quả cho bạn. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ chảy xệ của bầu ngực để tư vấn và xác định kỹ thuật phù hợp nhất.
Phẫu thuật nâng ngực được thực hiện với mục đích cắt bỏ da thừa, định hình mô vú và thắt chặt phần da còn lại. Đồng thời, bác sĩ còn có thể thu gọn quầng vú, dịch chuyển quầng vú lên vị trí cao hơn, cải thiện tổng thể hình dáng bầu vú, giúp cho bầu vú trở lại hình dáng căng đầy.
Như vậy, có khá nhiều phương pháp nâng ngực bạn có thể lựa chọn. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm riêng. Tùy thuộc vào mong muốn của bạn, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách nâng ngực chảy xệ phù hợp nhất.
3. Quy trình phẫu thuật nâng ngực chảy xệ
Trong các phương pháp nâng ngực chảy xệ, phẫu thuật nâng ngực được coi là phương pháp mang lại hiệu quả lâu dài nhất. Quy trình phẫu thuật nâng ngực chảy xệ có thể kéo dài từ 2-3 giờ. Trên thực tế, tùy theo mức độ chảy xệ của từng khách hàng, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp nâng ngực phù hợp. Có 4 kĩ thuật cơ bản trong phẫu thuật nâng ngực chảy xệ được áp dụng để khắc phục các mức độ chảy xệ khác nhau bao gồm:
Đường mổ hình lưỡi liềm (Crescent Breast Lift): Bác sĩ sẽ rạch một đường hình lưỡi liềm quanh quầng vú để cải thiện vị trí núm vú. Đây là phương pháp nâng ngực chảy xệ ít xâm lấn nhất, phù hợp với bầu ngực nhỏ và có mức độ chảy xệ nhẹ.
Đường mổ hình tròn hay hình bánh donut (Circumareolar Lift): Bác sĩ sẽ rạch một vòng tròn áp quanh quầng vú để loại bỏ mô, da thừa sau đó thắt chặt lại bầu vú. Kỹ thuật này cũng có mức độ xâm lấn ít, đặc biệt là hiệu quả để thu gọn quầng vú. Kỹ thuật này phù hợp với các bạn có bầu ngực nhỏ và có mức độ chảy xệ nhẹ.
Đường mổ theo hình chiếc kẹo mút (Lollipop Mastopexy) là sử dụng các vết rạch hình kẹo mút được tạo ra từ nếp nhăn của vú theo chiều dọc và xung quanh núm vú. Kỹ thuật này xâm lấn nhiều hơn và nâng được ngực cao hơn, do đó, phù hợp cho chị em có bầu ngực to và có mức độ chảy xệ trung bình hoặc nặng.
Đường mổ theo hình mỏ neo (Anchor-pattern Breast Lift) được sử dụng để điều chỉnh tình trạng xệ ngực nhiều. Vết rạch sẽ được thực hiện tương tự như hình kẹo mút, nhưng sau đó sẽ được rạch đi dọc theo nếp nhăn của bầu ngực, từ quầng vú qua ngực dưới đến chân ngực để tạo thành hình mỏ neo. Kỹ thuật này xâm lấn nhiều nhất, nhưng rất hiệu quả đối với những phụ nữ có bầu ngực to, chảy xệ nặng.
3.1. Các bước thực hiện phẫu thuật nâng ngực
Phẫu thuật nâng ngực chảy xệ được thực hiện theo trình tự sau:
Bước 1: Bác sĩ thăm khám và tư vấn để chọn phương án thích hợp. Bác sĩ sẽ giải thích cho bạn hiểu những rủi ro cũng như lợi ích của phẫu thuật, bao gồm vấn đề về sẹo và những thay đổi ở núm vú hoặc cảm giác vú.
Bước 2: Bác sĩ tiến hành đo vẽ các chỉ số để xác định mức độ chảy xệ và vẽ trước các đường mổ lên ngực bạn.
Bước 3: Tiến hành gây tê tại chỗ kết hợp với gây mê tĩnh mạch hoặc gây mê toàn thân để bạn cảm thấy thoải mái và dễ chịu nhất trong quá trình thực hiện phẫu thuật nâng vú chảy xệ.
Bước 4:Tiến hành phẫu thuật. Bác sĩ cẩn thận rạch theo các đường đã vẽ từ trước, tách bỏ phần da thừa (nếu có) ra khỏi lớp mô vú và giữ nguyên vẹn cấu trúc quầng vú, núm vú.
Bước 6: Kết thúc. Bác sĩ đóng các vết mổ bằng chỉ khâu để siết mô vú hoặc dùng chỉ sinh học để hỗ trợ nâng bầu vú. Kết quả quầng vú và núm vú được đẩy lên vị trí mới cao hơn, các mép da được kéo lại với nhau và cố định tạm thời bằng ghim/kẹp phẫu thuật. Tiếp đó, bác sĩ đóng vết rạch bằng các mũi khâu trong da với chỉ tự tiêu hoặc khâu ngoài da dọc theo vết mổ. Trước khi khâu đóng hoàn toàn vết mổ, bác sĩ đặt ống dẫn lưu ở mỗi bên vú. Cuối cùng, vết mổ được dán băng ép hoặc băng lại để bảo vệ vết mổ trong quá trình liền sẹo.
3.2. Chăm sóc sau phẫu thuật nâng ngực chảy xệ
Sau khi phẫu thuật, bạn có thể về nhà trong ngày nhưng trước khi về, bác sĩ sẽ điều chỉnh áo ngực định hình cho bạn. Trên thực tế, ngực của bạn sẽ sưng và bầm tím trong khoảng hai tuần. Trong vài tháng đầu, bạn có thể sẽ cảm thấy đau và nhức quanh vết mổ. Hiện tượng tê ở núm vú, quầng vú và da vú cũng có thể kéo dài trong khoảng sáu tuần. Tuy nhiên, bạn yên tâm là các triệu chứng này sẽ dần biến mất theo thời gian.
Để có được bộ ngực hoàn hảo nhất, bạn nên lưu ý một số điều sau:
- Trong vài ngày đầu sau khi nâng ngực, hãy uống thuốc giảm đau theo khuyến cáo của bác sĩ để giảm cảm giác đau nhức.
- Tránh căng, uốn cong và nâng và nên nằm ngửa/nằm nghiêng để giảm áp lực lên ngực.
- Tránh hoạt động tình dục từ một đến hai tuần sau khi thực hiện phẫu thuật nâng ngực.
Chăm sóc cẩn thận sau phẫu thuật sẽ giúp bạn có được bộ ngực theo mong muốn. Mặc dù nâng ngực chảy xệ không ngăn được quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể nhưng có thể cải thiện vị trí và hình dáng bầu ngực, mang lại cho bạn bầu ngực thon gọn gợi cảm trong nhiều năm. Nếu muốn có được bầu ngực tròn trịa và săn chắc ngay lập tức thì phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực chính là sự lựa chọn của bạn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.