Mướp đắng là một loại rau quả rất đặc biệt, nó thường được sử dụng rộng rãi trong chế độ ăn uống hàng ngày. Ngoài ra, trong y học cổ truyền cũng sử dụng mướp đắng để chữa một số tình trạng như tiêu chảy, nôn mửa hoặc đau bụng. Mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy sử dụng mướp đắng có thể làm giảm được mức đường huyết, nhưng việc xem nó như một phương pháp điều trị bệnh tiểu đường vẫn còn nhiều tranh cãi.
1.Tổng quát về mướp đắng
Mướp đắng tiếng Anh tên là là Momordica charantia, hay còn được gọi với các tên như khổ qua, dưa chuột dại. Sở dĩ, tên gọi của mướp đắng xuất phát từ vị của nó. Khi mướp đắng càng chín thì vị của nó càng đắng.
Mướp đắng là một loại rau quả độc đáo, ngày nay nó được sử dụng phổ biến để làm thuốc hoặc thực phẩm. Cây mướp đắng phát triển mạnh mẽ ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, bao gồm Châu Á, các vùng của Châu Phi, Nam Mỹ và vùng Ca-ri-bê.
Mướp đắng thường có quả màu xanh lục, hình thuôn dài, bề ngoài có phần khá nhăn nheo khác biệt so với các loại quả khác. Tuy nhiên, ở mỗi vùng miền khác nhau, mướp đắng sẽ có các kích thước, kết cấu và vị đắng tương đối không giống nhau.
Trong mướp đắng có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, rất tốt đối với sức khỏe. Nó cũng có thể làm giảm được lượng đường huyết cao và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Đây cũng là lý do vì sao mướp đắng được sử dụng ngày càng phổ biến trong cuộc sống thường ngày.
XEM THÊM: Ăn mướp đắng giảm mỡ máu?
2. Mướp đắng ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường như thế nào?
Theo nghiên cứu cho thấy, mướp đắng có thể làm giảm được lượng đường trong máu của cơ thể. Điều này là do một số đặc tính hoạt động giống như insulin trong mướp đắng đã giúp đưa glucose vào các tế bào để tạo ra năng lượng.
Việc ăn mướp đắng sẽ giúp cho các tế bào của cơ thể sử dụng đường glucose một cách hiệu quả và vận chuyển nó dễ dàng hơn đến cơ bắp, gan và chất béo. Bên cạnh đó, mướp đắng cũng giúp ngăn chặn sự chuyển đổi của các chất dinh dưỡng thành đường glucose trong máu, giúp cơ thể không mất đi những chất dinh dưỡng quan trọng.
Người ta cũng phát hiện ra rằng, mướp đắng có chứa lectin, giúp làm giảm nồng độ glucose trong máu thông qua việc tác động lên các mô ngoại vi, từ đó ngăn chặn sự thèm ăn.
Mặc dù đã có bằng chứng cho thấy mướp đắng có khả năng kiểm soát được lượng đường trong máu, tuy nhiên nó không được chấp thuận là một phương pháp hoặc thuốc điều trị tiền tiểu đường hoặc bệnh tiểu đường. Vì vậy, trước khi sử dụng bất kỳ phương pháp nào liên quan đến mướp đắng để điều trị bệnh tiểu đường, bạn cần tham khảo kỹ lưỡng sự tư vấn của bác sĩ để đảm bảo nó không gây ra các tác dụng phụ xấu tới sức khỏe.
Dưới đây là một số nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng của mướp đắng đối với bệnh tiểu đường, bao gồm:
- Theo một báo cáo từ Cơ sở dữ liệu Cochrane về các đánh giá có hệ thống đã kết luận rằng cần có thêm nhiều cuộc nghiên cứu hơn nữa để có thể đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của mướp đắng đối với bệnh tiểu đường loại 2. Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy cần nghiên cứu thêm về việc sử dụng mướp đắng cho liệu pháp dinh dưỡng.
- Một nghiên cứu trong Tạp chí Ethnopharmacology đã so sánh mức hiệu quả của việc sử dụng mướp đắng với một số loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường hiện nay. Kết quả đã cho thấy, mướp đắng có thể làm giảm được mức fructosamine ở những người tham gia cuộc nghiên cứu bị mắc bệnh tiểu đường loại 2. Tuy nhiên, mức độ hoạt động của mướp đắng lại kém hiệu quả hơn so với việc sử dụng các loại thuốc liều thấp đã được chấp thuận.
Như vậy, về mặt y học, mướp đắng vẫn chưa được chấp thuận là một phương pháp điều trị bệnh tiểu đường tại thời điểm hiện nay. Nó thường được sử dụng chủ yếu như một loại thực phẩm trong chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng hàng ngày của bạn. Tuy nhiên, bạn không nên tiêu thụ mướp đắng sau bữa tối vì nó có thể dẫn đến một số rủi ro nhất định.
3. Lợi ích dinh dưỡng của mướp đắng
Mướp đắng vừa là một loại trái cây, vừa là một loại rau bổ dưỡng. Nó cung cấp một loạt chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, bao gồm vitamin, chất chống oxy hóa và các loại khoáng chất khác. Ngoài ra, nó cũng được nhiều nền văn minh công nhận là có giá trị y học. Dưới đây là một số chất dinh dưỡng có nhiều trong mướp đắng, bao gồm:
- Vitamin A, B1, B2, B3, B9, C và E
- Một số loại khoáng chất thiết yếu như canxi, kali, phốt pho, kẽm, magie và sắt
- Các chất chống oxy hóa như flavonoid, phenol và những chất khác
4.Những lợi ích sức khỏe của mướp đắng
Trong y học cổ truyền, mướp đắng được sử dụng để điều trị đau bụng, bỏng, sốt, ho mãn tính, đau bụng kinh và điều trị các bệnh về da...
Ngoài ra, nó cũng được sử dụng để chữa lành vết thương, hỗ trợ sinh con ở phụ nữ mang thai, ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh sốt rét, hay các bệnh do vi rút như sởi và thủy đậu ở một số vùng của Châu Á và Châu Phi.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Saint Louis ở Mỹ cũng phát hiện ra rằng chiết xuất từ mướp đắng có thể tiêu diệt được các tế bào ung thư vú và ngăn ngừa sự phát triển, lây lan của chúng trong cơ thể.
5. Liều lượng sử dụng mướp đắng
Hiện nay, không có một liều lượng tiêu chuẩn nào dành cho việc sử dụng mướp đắng. Nó được xem là một vị thuốc thay thế hoặc thuốc bổ đối với một số tình trạng y tế nhất định. Vì vậy, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) không chấp thuận sử dụng mướp đắng để điều trị bệnh tiểu đường hay bất kỳ một bệnh lý nào khác.
Mướp đắng có thể được sử dụng dưới nhiều dạng khác nhau, chẳng hạn như rau tự nhiên, một loại trà, nước ép hoặc chất bổ sung. Ngoài ra, hạt mướp đắng có thể được thêm vào thức ăn dưới dạng bột hoặc dạng thuốc sắc. Nếu bạn sử dụng mướp đắng như một chất bổ sung, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng nó.
6. Rủi ro tiềm ẩn và một số biến chứng khi sử dụng mướp đắng
Bạn không nên sử dụng quá nhiều hoặc quá thường xuyên mướp đắng trong chế độ ăn uống của mình vì nó có thể giảm đi tính hiệu quả của một số loại thuốc mà bạn đang sử dụng hoặc dẫn đến một số tác dụng phụ không mong muốn.
Dưới đây là một số rủi ro và biến chứng có thể xảy ra khi sử dụng quá nhiều mướp đắng, bao gồm:
- Nôn mửa, tiêu chảy và các vấn đề về đường ruột khác.
- Sảy thai, co thắt hoặc chảy máu âm đạo
- Nếu dùng chung với insulin có thể làm giảm lượng đường trong máu xuống mức nguy hiểm
- Gây tổn thương gan
- Ngộ độc đậu tằm gây thiếu máu ở những người bị thiếu men G6PD
- Khi kết hợp với các thuốc khác có thể làm thay đổi hiệu quả của chúng
- Gây ra các vấn đề trong việc kiểm soát lượng đường trong máu ở những người vừa trải qua phẫu thuật.
Nếu bạn muốn bổ sung thêm mướp đắng vào chế độ ăn uống hàng ngày của mình, bạn chỉ nên tiêu thụ không quá 2,5 lạng mướp đắng (hơn 2 quả) vào mỗi ngày. Ngoài ra, bạn nên tham khảo sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng mướp đắng để kiểm soát mức đường huyết của mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, diabetes.co.uk