Muỗi là vật trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản, do vậy, diệt muỗi và phòng tránh bị muỗi đốt là một trong những cách phòng bệnh thụ động với hiệu quả tương đối. Tiêm ngừa vắc-xin viêm não Nhật Bản là biện pháp phòng bệnh an toàn và hiệu quả nhất.
1. Nguyên nhân gây bệnh viêm não nhật bản
Nguyên nhân gây bệnh viêm não Nhật Bản là do virus thường gặp ở trẻ em các nước khu vực châu Á, trong đó có cả Việt Nam. Tỷ lệ người bệnh hằng năm khá cao và di chứng viêm não Nhật Bản để lại khá nặng nề.
Virus gây bệnh viêm não Nhật Bản, còn gọi là virus viêm não Nhật Bản B có vật chất di truyền là sợi ARN, kích thước khoảng 20 đến 50 nanometer. Nhiệt độ cao và các dung dịch kháng khuẩn thông thường dễ dàng bất hoạt virus. Virus viêm não Nhật Bản không tồn tại được quá 10 phút ở môi trường có nhiệt độ 70 độ C và không quá 2 phút khi nhiệt độ tăng lên đến 100 độ C. Virus là nguyên nhân gây bệnh viêm não Nhật Bản sau khi vào máu đi khắp các cơ quan trong cơ thể, tập trung với mật độ cao ở các tế bào thần kinh trung ương, sinh ra tổn thương dạng viêm, phù nề và xuất huyết.
2. Đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản lây qua đường máu và cần có vật trung gian truyền bệnh là muỗi. Culex tritaeniorhynchus là muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản phổ biến nhất ở việt nam. Chúng hút máu của những loài động vật mang virus trong tự nhiên và truyền sang cơ thể người khi đốt người. Con đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản không phải trực tiếp từ người sang người khi tiếp xúc, nói chuyện hay sinh hoạt chung.
3. Đặc điểm của muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản
Không chỉ riêng bệnh viêm não Nhật Bản, muỗi culex còn là vật trung gian truyền nhiều bệnh khác. Trên thế giới hiện nay đã phát hiện ra hơn 500 loài khác nhau trong họ muỗi culex, trong đó chủ yếu là các loài phân bố ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, bao gồm cả Việt Nam.
Họ culex là họ muỗi gây bệnh viêm não Nhật Bản có thói quen đẻ trứng trên mặt nước. Mỗi bè trứng có số lượng rất nhiều, thường trên 100 trứng và mất 2 - 3 ngày để trứng nở thành loăng quăng. Môi trường ưa thích của muỗi culex là những vùng nước đọng, hoặc kênh mương gần các ruộng lúa và các chuồng chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên muỗi truyền bệnh viêm não nhật bản cũng xuất hiện nhiều ở khu vực thành thị, quanh các cống rãnh và hệ thống thoát nước bị ứ nghẹt, không hoạt động hiệu quả.
Culex tritaeniorhynchus là loài muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản thích sống và đẻ trứng ở vùng nước trong, thường được phát hiện quanh các ruộng lúa và mương rãnh. Muỗi Culex tritaeniorhynchus có màu nâu nhạt và có tập tục hoạt động nhiều vào giờ chập choạng tối xung quanh và bên trong nhà của các hộ gia đình. Muỗi cái hút máu cả động vật và người, chủ yếu là máu các loài gia súc như lợn, và thường trú ẩn trong chuồng chăn nuôi gia súc và bụi cây.
Ổ chứa virus viêm não Nhật Bản trong tự nhiên chủ yếu là các loài chim và gia súc. Chim liêu điêu, chim cò, chim sẻ, chích chòe hay cò, cu gáy, sáo quạ là những loài có khả năng cao mang virus viêm não Nhật Bản thường thấy ở nước ta. Lợn, chó, dê, trâu, bò là nhóm các loài gia súc mang mầm bệnh, trong đó tải lượng virus viêm não Nhật Bản được tìm thấy cao nhất ở lợn.
4. Cách dự phòng bệnh viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là bệnh lý hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Nhiều biện pháp phòng bệnh viêm não Nhật Bản đang được áp dụng và đã mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng như:
- Chọn lựa các loại áo quần dài tay để mặc khi đi đến những khu vực nghi ngờ tập trung nhiều muỗi truyền bệnh viêm não nhật bản sinh sống như chuồng trại chăn nuôi gia súc, ruộng lúa nước, ...
- Sử dụng màn khi ngủ vào ban đêm để tránh bị muỗi đốt, có thể kết hợp cùng với các loại kem bôi và dung dịch chống muỗi, hương đuổi muỗi.
- Xây dựng các tấm lưới, màn để ngăn muỗi không bay vào nhà.
- Diệt muỗi bằng việc phun hóa chất mang: Biện pháp này nên được thực hiện tại tất cả các hộ gia đình và khu vực xung quanh, nhất là những địa phương hoặc vùng dân cư đang nghi ngờ có dịch.
- Sử dụng hóa chất diệt bọ gậy mỗi một đến hai tuần. Tuy nhiên phương pháp này chỉ nên áp dụng với những khu vực nước bị ô nhiễm, không chọn lựa sử dụng hóa chất diệt bọ gậy ở những vùng nước trong sạch vì sẽ ảnh hưởng đến các loài sinh vật khác đang cùng sinh sống.
- Người dân nên sinh sống xa các môi trường sống lý tưởng của muỗi gây bệnh viêm não nhật bản. Các chuồng trại chăn nuôi và ruộng lúa nước, kênh máng phải được xây dựng xa khu vực dân cư đông đúc.
- Vắc-xin viêm não Nhật Bản: Phòng bệnh bằng tiêm vắc-xin là cách thực hiện chủ động an toàn và có hiệu quả cao nhất. Vắc-xin viêm não Nhật Bản được chỉ định tiêm cho tất cả trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên và cả những người lớn chưa có miễn dịch.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.