Mụn nước là tình trạng phổ biến ở mọi lứa tuổi và có thể gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Tìm được nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân gây bệnh có thể giúp cải thiện bệnh tốt nhất.
1. Mụn nước là gì?
Mụn nước là những dạng nốt nhỏ và chứa chất lỏng bên trong các nốt này dưới lớp trên cùng của da bạn, những mụn nước này thường có kích thước nhỏ dưới 5mm. Bên trong chúng có thể chứa đầy mủ, máu hoặc huyết thanh.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra mụn nước của bạn có thể kèm theo các triệu chứng khác như ngứa hoặc đau nhiều hoặc ít. Chúng có thể xuất hiện dưới dạng mụn nước đơn lẻ hoặc tạo thành cụm.
Mụn nước có thể xuất hiện tất cả các vị trí trên cơ thể nhưng nó phổ biến hơn ở tay, hay ở chân. Đặc tính của chúng là rất dễ vỡ và làm chảy dịch ra ngoài, sau khi dịch khô đi có thể lại lớp vảy màu vàng trên da. Tuy nhiên, khi vỡ mụn nước nếu không được chăm sóc đúng có thể bị nhiễm khuẩn.
2. Những nguyên nhân gây mụn nước
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra mụn nước bao gồm:
- Do ma sát
Các vết phồng rộp có thể gặp do ma sát, đây là một trong những loại mụn nước phổ biến nhất. Bạn có thể thấy xuất hiện mụn nước do đi găng tay, giày, ủng...trong thời gian dài. Đó là những điều có thể gây ra vết phồng rộp do ma sát trên gót chân, ngón chân, ngón tay cái hoặc lòng bàn tay. Những mụn nước này có thể tự mất đi sau một thời gian, nhưng bạn nên hạn chế việc mang những vật dụng gây ma sát để tránh tổn thương nặng hơn.
- Do nhiệt độ
Một số trường hợp nếu không đi găng tay vào mùa đông có thể bị phồng rộp vì tê cóng hoặc tương tự cũng có thể xảy ra nếu cầm đồ đông lạnh. Nhiệt độ cao như tiếp xúc ánh nắng mắt trời trong thời gian dài hoặc chạm vào những đồ vật quá nóng cũng khiến bạn bị mụn nước. Như vậy, cả lạnh và nóng đều gây ra mụn nước trên da bởi sự thay đổi nhiệt độ quá đột ngột có thể làm tổn thương da.
- Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc có hai dạng đó là viêm da kích ứng và dị ứng. Viêm da kích ứng gặp khi tiếp xúc một loại cây như cây thường xuân độc, dịch cơ thể của kiến ba khoang... đều là nguyên nhân gây mụn nước. Viêm da tiếp xúc dị ứng thường là một triệu chứng xảy ra khi chạm vào thứ gì đó mà bạn bị dị ứng và những thứ này không nhất thiết phải độc, ví dụ như xà phòng, nước hoa, chất tẩy rửa, vải, đồ trang sức, thắt lưng, ví da, găng tay cao su, hoặc những thứ được sử dụng để làm đồ chơi hoặc các vật dụng hàng ngày khác.
- Viêm da dị ứng
Còn được gọi là bệnh chàm, tình trạng này thường biểu hiện dưới dạng mụn nước nhỏ chứa dịch trong. Trường hợp gãi nhiều bệnh chàm có thể bị bội nhiễm gây ra những mụn nước chứa dịch mủ này trên lòng bàn tay và lòng bàn chân. Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể bị bệnh chàm nhiễm trùng, hãy tới các cơ sở y tế để được chăm sóc. Ngoài ra, để giảm ngứa có thể sử dụng các loại kem bôi có chứa chất kháng histamin, kem dưỡng ẩm...
- Vết cắn của côn trùng
Côn trùng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị mụn nước và thường kèm theo triệu chứng ngứa. Ghẻ là một trong những loại ký sinh trùng gây ra những vết phồng rộp theo đường hầm của chúng tạo ra và người bệnh rất ngứa, ghẻ thường tấn công vào bàn tay, bàn chân, cổ tay và dưới cánh tay rồi sau đó lây lan sang khu vực khác. Vết cắn của bọ chét và rệp cũng có thể gây ra những vết phồng rộp nhỏ. Nhện nâu cũng có thể cắn và gây cảm giác cực kỳ khó chịu, thường làm phồng rộp trước khi bùng phát nặng hơn thành vết loét hở gây đau đớn. Nếu như ở trường hợp này bạn nhận thấy do các côn trùng này gây ra thì cần tới cơ sở y tế để được điều trị sớm.
- Bệnh thủy đậu và bệnh Zona
Bệnh thủy đậu và bệnh zona là do cùng một loại virus gây ra. Ban đầu người bệnh có thể bị nhiễm thủy đậu qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người bệnh khác, khi mắc bệnh người bệnh thường mệt mỏi, đau họng, sốt và xuất nốt mụn đỏ trở thành mụn nước, sau đó đóng vảy. Nếu bạn đã bị thủy đậu, sau đó bạn cũng có thể bị zona, bệnh này nhắm vào các dây thần kinh và gây ra phát ban đau đớn kèm theo mụn nước. Cơ quan kiểm soát bệnh tật khuyến cáo với những người từ 60 tuổi trở lên nên chủng ngừa một lần để ngăn ngừa bệnh zona, bởi tuổi cao có nguy cơ mắc bệnh biến chứng đau cao nên đề phòng. Khi mắc cả hai bệnh này bạn nên tới cơ sở y tế sớm để được điều trị bằng thuốc và hướng dẫn biện pháp chăm sóc phù hợp.
- Herpes Simplex
Sốt, kèm theo bị mụn nước trên môi, miệng hoặc bộ phận sinh dục thành từng chùm là dấu hiệu của virus herpes simplex. Chất lỏng ở những vết loét này mang và lây lan virus qua đường tình dục, hôn hoặc dùng chung đồ dùng. Nhiều người không biết mình bị mụn nước này vì các triệu chứng thường nhẹ và tự khỏi. Không có cách chữa khỏi bệnh này hoàn toàn, vì virus vẫn còn ở trong cơ thể. Nhưng một số loại thuốc nhất định có thể ngăn chặn hoặc giảm nhanh triệu chứng ở các đợt bùng phát.
- Bệnh tay chân miệng
Căn bệnh này được đặt tên theo những mụn nước mà nó gây ra trên các bộ phận cơ thể. Bệnh có khả lây nhiễm cao và chủ yếu tấn công trẻ em dưới 10 tuổi. Virus gây bệnh chân tay miệng lây lan bằng cách tiếp xúc với chất nhầy, nước bọt, phân hoặc mụn nước của người mắc bệnh. Bệnh chân tay miệng bắt đầu với sốt nhẹ, chảy nước mũi và đau họng. Sau đó xuất hiện các mụn nước ở tay, chân và bên trong miệng giúp dễ dàng chẩn đoán hơn. Chăm sóc bằng các biện pháp điều trị triệu chứng giúp bệnh nhanh chóng khỏi hơn.
3. Cách điều trị mụn nước
Mụn nước trên da đa số là do các nguyên nhân không nguy hiểm gây ra. Cho nên, thường sẽ tự khỏi với những biện pháp chăm sóc đúng cách. Một số biện pháp giúp chăm sóc và điều trị mụn nước bao gồm:
- Nếu mụn nước do một số nguyên nhân như viêm da tiếp xúc, chàm bội nhiễm, côn trùng nguy hiểm, ghẻ cần tới thăm khám tại các cơ sở y tế để được điều trị đúng phác đồ. Như với ghẻ cần dùng thuốc diệt ký sinh trùng ghẻ, chàm bội nhiễm cần dùng kháng sinh...
- Giữ cho mụn sạch sẽ và khô: Có thể sử dụng một miếng đệm hoặc băng dính hình tròn để giữ cho không bị vỡ ra.
- Một số cách để tăng độ ẩm cho vùng da bị mụn nước: Có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm hay thảo dược như lô hội, dầu dừa...giúp vùng da mụn nước không bị đau rát, giảm nguy cơ vỡ mụn nước.
- Cố gắng giảm cảm giác muốn làm vỡ những mụn nước này: Nếu không ảnh hưởng tới sinh hoạt thì đừng làm vỡ nó. Nhưng nếu mụn quá lớn hoặc gây đau đớn đến mức bạn không thể đi lại và làm việc được thì hãy tới gặp bác sĩ, khi đó bác sĩ có thể quyết định chọc thủng bằng kim vô trùng để chất dịch chảy ra ngoài. Sau khi vết thương bị bong ra hãy nhẹ nhàng rửa khu vực này bằng xà phòng và nước, cần phải bôi thuốc mỡ kháng sinh. Băng vết lại bằng băng để giữ sạch vào ban ngày, nhưng hãy tháo băng vào ban đêm để cho vết thương được khô.
- Rửa vị trí có mụn nước bằng nước muối ấm là phương pháp vừa giúp giảm sưng vừa loại bỏ một số yếu tố gây hại trên da như vi khuẩn, nấm. Giúp hạn chế mụn nước bị bội nhiễm vi khuẩn gây bệnh.
- Trang bị các dụng cụ bảo hộ an toàn như găng tay, ủng đi chân trong trường hợp cần tiếp xúc với các yếu tố gây kích ứng. Giúp bảo vệ làn da tránh khỏi các tác động gây hại của tác nhân này khi tiếp xúc trực tiếp.
- Ngăn ngừa mụn do ma sát nên hạn chế sử dụng những vật dụng quá chật và thường xuyên. Hoặc dùng bông hay bột talc để giảm ma sát.
- Chế độ ăn nên giảm các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ và tăng cường rau xanh, trái cây. Giúp bổ sung lượng dưỡng chất cần thiết cho cơ thể từ đó giúp hệ miễn dịch được tăng cường tráng các tác nhân gây bệnh.
4. Khi nào cần đến gặp bác sĩ
Trong một số trường hợp bị mụn nước bạn cần được thăm khám nếu kèm theo các triệu chứng như:
- Khi bị mụn nước kèm theo bị sốt, ớn lạnh hoặc các triệu chứng giống cúm. Bởi trường hợp này bạn có thể bị nhiễm một loại virus nào đó hoặc nhiễm trùng.
- Khi thấy các triệu chứng khác của nhiễm trùng có thể bao gồm: Cảm thấy rất đau, sưng, đỏ hoặc nóng, các vệt đỏ chảy ra từ mụn nước của bạn hoặc chảy mủ từ vết phồng rộp.
- Mụn nước xuất hiện ở vị trí quanh mắt hoặc bộ phận sinh dục cũng là nguyên nhân đáng lo ngại cần được thăm khám và điều trị.
Trên đây là những nguyên nhân gây mụn nước thường gặp và biện pháp chăm sóc phù hợp. Tuy nhiên, nếu cảm thấy lo lắng hay các triệu chứng trên da hay kèm theo xuất hiện nặng hãy tới các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị phù hợp nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com