Mụn bọc ở cằm thường có nguyên nhân do sự dao động hormone có thể xảy ra trong tuổi dậy thì hoặc chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nổi mụn ở cằm có thể gặp phải ở bất cứ độ tuổi nào và ai cũng có thể bị. Mụn bọc ở cằm vẫn có thể được điều trị tại nhà với mức độ nhẹ. Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn thì nên tham khảo bác sĩ da liễu. Dù vậy, trong cả hai trường hợp, mụn bọc ở cằm đều không nên nặn.
1. Mụn bọc ở cằm là gì? Các nguyên nhân gây mụn bọc ở cằm
Mụn bọc ở cằm là rất phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ và thanh thiếu niên với bản chất là tương tự như mụn ở các bộ phận khác trên mặt, cổ, ngực và lưng.
Dầu giữ lại da chết hoặc các mảnh vụn và vi khuẩn khác trong một hoặc nhiều lỗ chân lông trên da. Điều này làm hình thành mụn. Tuy nhiên, nổi mụn ở cằm còn là kết quả của sự dao động trong hormone. Điều này đặc biệt xảy ra đối với phụ nữ và thanh thiếu niên, vì cả hai đều có xu hướng trải qua sự dao động hormone nghiêm trọng.
Nội tiết tố androgen là hormon chịu trách nhiệm kích thích việc tạo ra bã nhờn. Bã nhờn vốn là chất dầu gây tắc nghẽn lỗ chân lông và tạo ra mụn. Vì nội tiết tố có thể thay đổi trong suốt tuổi trưởng thành nên mụn ở cằm có thể xuất hiện và biến mất rồi lặp lại bất cứ lúc nào.
Khi mụn bọc ở cằm xuất hiện, đây chỉ là một sự phiền toái nhẹ, thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, phụ nữ trưởng thành bị mụn trên mặt có thể dẫn tới rối loạn lo âu quá mức ở mức độ nhẹ đến trung bình. Do đó, tuy mụn bọc ở cằm không gây hại sức khỏe thực thể nhưng lại gây kém tập trung vào sinh hoạt hằng ngày, cả công việc và học hành.
Ngoài ra, nguyên nhân gây mụn bọc ở cằm còn có thể do lông mọc ngược vào da thay vì ra ngoài, nhất là xảy ra do cạo râu ở nam giới, có triệu chứng giống như mụn và có thể sưng hoặc đỏ và đau. Tuy nhiên, bất kỳ ai cũng có thể bị lông mọc ngược ở cằm cũng như các vùng da khác nhau, kể cả mặt, và gây ra mụn bọc.
2. Mụn bọc ở cằm có nên nặn không?
Câu trả lời của câu hỏi “Mụn bọc ở cằm có nên nặn không?” là không.
Nếu tình trạng mụn bọc ở cằm nhẹ, mọi người có thể bắt đầu điều trị tại nhà, chăm sóc như các trường hợp mụn thông thường khác và luôn nhớ là tuyệt đối không nên nặn. Nguyên nhân là vì hành động này tiềm ẩn nguy cơ gây nhiễm trùng da thực sự, có thể xuất hiện thêm các tổn thương mụn khác và khi lành sẽ để lại sẹo thâm, sẹo rỗ trên da, gây mất thẩm mỹ.
Điều tốt nhất để chăm sóc mụn bọc ở cằm trong thời gian này là nên sử dụng sữa rửa mặt, kem bôi da trị mụn có chứa thành phần là axit salicylic hoặc benzoyl peroxide. Cả hai thành phần này đều có thể giúp mụn bọc ở cằm khô lại trong vòng vài ngày, mặc dù đôi khi có thể mất đến vài tuần.
Theo đó, để điều trị một đợt bùng phát cục bộ của mụn ở cằm, nên làm theo các bước hướng dẫn chi tiết như sau:
- Rửa vùng da bị mụn bằng chất tẩy rửa nhẹ hoặc chất tẩy rửa có chứa axit salicylic.
- Chườm một túi đá lạnh lên khu vực này trong khoảng 5 phút để giúp giảm mẩn đỏ.
- Bôi kem trị mụn có chứa benzoyl peroxide.
- Không nặn mụn hoặc cố gắng làm vỡ chúng.
- Nếu mụn ở cằm không biến mất hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, cần tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu.
Lúc này, bác sĩ sẽ cần chỉ định thêm các phương pháp điều trị bổ sung, bao gồm:
- Kháng sinh uống để tiêu diệt vi khuẩn bị mắc kẹt trong da. Isotretinoin là một loại thuốc mà bác sĩ kê đơn khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
- Các loại kem, thuốc mỡ hoặc gel có độ mạnh theo toa.
- Liệu pháp laser.
- Tiểu phẫu tháo mủ trong mụn.
- Lột da hóa học.
- Thuốc tránh thai, để giúp điều chỉnh các hormon làm tăng sản xuất bã nhờn.
3. Cách phòng ngừa mụn bọc ở cằm như thế nào?
Mọi người đều có thể giúp ngăn ngừa mụn bọc ở cằm hay mụn nhọt mọi vị trí khác phát triển bằng cách rửa mặt nhiều lần trong ngày cùng với các lời khuyên sau đây:
- Rửa cằm và tất cả các vùng da trên mặt bằng xà phòng nhẹ hai lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày. Không lên giường đi ngủ nếu chưa thực hiện tẩy trang.
- Thường xuyên thực hiện tẩy tế bào chết.
- Không nên tiêu thụ quá nhiều thực phẩm nhiều dầu mỡ và nhiều đường.
- Hạn chế những căng thẳng, tránh thức khuya hoặc các tác nhân gây kích thích hormone khác.
- Tránh sờ chạm quá nhiều vào mặt bằng bàn tay, ngón tay và móng tay.
- Sử dụng kem chống nắng không chứa dầu thường xuyên.
- Giữ cho khăn trải giường, gối đầu sạch sẽ và giặt giũ thường xuyên.
- Tránh các sản phẩm chăm sóc da hay trang điểm có chứa dầu có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông.
- Giữ tóc xa vùng cằm và thường xuyên làm sạch tóc.
- Để ngăn ngừa mụn bọc ở cằm là do lông mọc ngược, những người cạo râu nên sử dụng kem cạo râu dưỡng ẩm, dùng một con dao cạo sắc bén và giảm thiểu số lần cạo râu nhằm tránh gây kích ứng hơn cho da.
Tóm lại, mụn bọc ở cằm là một hiện tượng phổ biến có thể xảy ra trong suốt tuổi trưởng thành, đặc biệt là ở nữ giới do thay đổi hormone. Mụn xuất hiện khiến làn da bị kích ứng, khó chịu và băn khoăn “mụn bọc ở cằm có nên nặn không”. Theo đó, cần luôn ghi nhớ câu trả lời là KHÔNG. Hãy thực hành vệ sinh da tốt, chăm sóc da đúng cách với các sản phẩm phù hợp, vừa mau chóng kiểm soát sự phát triển của mụn bọc ở cằm, vừa phòng tránh chúng quay trở lại.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: medicalnewstoday.com, teenvogue.com, womenshealthmag.com, bookingcare.vn, drthaiha.vn, trungtamytedpbackan.com