Căng thẳng là phản ứng của cơ thể trước những áp lực. Nó có thể là một phản ứng về thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc. Cấp độ căng thẳng càng cao thì càng ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ. Do đó, đo lường mức độ căng thẳng có thể giúp bạn nhận thức và giải quyết các vấn đề trước khi chúng gây hại cho sức khỏe.
1. Các cấp độ căng thẳng
Tất cả chúng ta đều đối mặt với căng thẳng tại một số thời điểm trong cuộc sống. Căng thẳng có thể xuất phát từ công việc, gia đình hoặc những rắc rối về tiền bạc. Không phải tất cả căng thẳng đều xấu, bởi nó có thể giúp bạn nhận thức rõ hơn về mọi thứ xung quanh. Trong một số trường hợp, căng thẳng có thể mang lại động lực và giúp bạn làm việc hiệu quả hơn.
2. Đo lường mức độ căng thẳng là gì?
Đo lường mức độ căng thẳng là thước đo cấp độ căng thẳng mà các tình huống trong cuộc sống tác động lên một người. Nếu cho đo lường mức độ căng thẳng theo thang điểm từ 1 đến 10, thì có 3 mức độ căng thẳng như sau:
- 1-3 điểm: Mức độ căng thẳng nhẹ.
- 4-7 điểm: Mức độ căng thẳng trung bình. Đây là mức độ căng thẳng thường gặp nhất. Nếu căng thẳng ở mức này kéo dài quá 4 - 8 giờ có thể khiến bạn mệt mỏi và xuất hiện nhiều triệu chứng khác.
- 8-10 điểm: Mức độ căng thẳng cao. Ở mức độ này, người bị căng thẳng sẽ thay đổi cách ứng xử, xuất hiện các hành động sai lầm nên cần can thiệp trợ giúp ngay.
3. Các triệu chứng của căng thẳng quá mức
Bạn có thể bị căng thẳng quá mức mà không hề hay biết. Có thể bạn có một số triệu chứng cơ thể nhất định và đổ lỗi cho một căn bệnh hoặc tình trạng khác. Nhưng sự thật là, bản thân căng thẳng có thể gây ra các vấn đề ở các cơ quan trong cơ thể. Tùy thuộc vào cách đối mặt với căng thẳng, bạn có thể có các triệu chứng ảnh hưởng từ nội tiết đến tim mạch và hơn thế nữa.
Một số dấu hiệu cho thấy mức độ căng thẳng quá cao bao gồm:
- Đau hoặc căng ở đầu, ngực, dạ dày và các cơ: Các cơ có xu hướng căng lên khi bị căng thẳng và theo thời gian, điều này có thể gây ra đau đầu, đau nửa đầu hoặc các vấn đề về cơ xương.
- Vấn đề về tiêu hóa, có thể bao gồm tiêu chảy và táo bón, hoặc buồn nôn và nôn: Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến tốc độ di chuyển của thức ăn cũng như khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của ruột.
- Các vấn đề sinh sản: Căng thẳng có thể gây ra những thay đổi về ham muốn tình dục, kinh nguyệt không đều ở phụ nữ, vấn đề về sản xuất tinh trùng ở nam giới và bất lực. Dù là nam hay nữ cũng đều có thể cảm thấy giảm ham muốn tình dục khi bị căng thẳng quá mức.
- Thay đổi nhịp tim và huyết áp: Khi quá căng thẳng, cơ thể sẽ thích nghi bằng cách kích hoạt tuyến thượng thận giải phóng các hormone cortisol và adrenaline. Những hormone này có thể khiến tim đập nhanh hơn và làm huyết áp tăng lên. Điều này thường xảy ra khi có một tác nhân gây căng thẳng nhất thời và sẽ hết khi không còn bị căng thẳng. Tuy nhiên, theo thời gian, quá nhiều đợt căng thẳng cấp tính này có thể gây viêm động mạch, góp phần gây ra các cơn đau tim.
- Triệu chứng về tâm thần kinh và cảm xúc: Mức độ căng thẳng cao cũng có thể ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và cảm nhận, khiến bạn khó có thể vượt qua để đưa ra quyết định hợp lý. Trong một số trường hợp, căng thẳng quá mức có thể tác động đến hành vi theo những cách khác và một số người sẽ sử dụng ma túy, rượu, thuốc lá hoặc các chất có hại khác để đối phó với cảm xúc tiêu cực.
- Căng thẳng quá mức cũng có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn, khiến bạn ăn ít hơn hoặc nhiều hơn bình thường: Cấp độ căng thẳng cao cũng có thể ảnh hưởng hoặc loại bỏ động lực tập thể dục và giữ dáng của bạn. Ngoài ra, cảm giác khi phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao kéo dài có thể khiến bạn cảm thấy muốn rút lui khỏi bạn bè, gia đình và tự cô lập bản thân. Nếu căng thẳng không được giải quyết, lâu dần có thể khiến bạn bị trầm cảm.
4. Làm gì khi bị căng thẳng quá mức?
Dù ở cấp độ căng thẳng nào, bạn cũng nên giải tỏa những áp lực. Có nhiều cách để làm giảm mức độ căng thẳng, bao gồm:
- Tập thể dục: Chạy bộ, bơi lội, khiêu vũ, thể dục nhịp điệu.
- Ăn uống hợp lý, nhất là ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxi hoá như rau, trái cây...
- Ngủ đủ giấc.
- Yoga, các bài tập thư giãn.
- Hít thở sâu.
- Dành nhiều thời gian cho sở thích của bản thân, chia sẻ những cảm xúc với người thân và bạn bè.
- Nếu bị căng thẳng và không biết cách đối phó, bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý. Họ có thể giúp bạn tìm ra các dấu hiệu và triệu chứng mà bạn đang gặp phải là do vấn đề y tế hay rối loạn lo âu.
Một số dấu hiệu cho thấy mức độ căng thẳng quá mức cần đến trợ giúp của bác sĩ như sau:
- Hiệu suất công việc hoặc học tập bị sụt giảm.
- Lạm dụng chất gây nghiện, rượu, ma túy hoặc thuốc lá để giải quyết căng thẳng.
- Thói quen ăn uống và ngủ nghỉ thay đổi đáng kể.
- Có những hành động gây nguy hiểm cho bản thân.
- Có nỗi sợ hãi và lo lắng phi lý.
- Gặp khó khăn khi hoàn thành các công việc hàng ngày.
- Tự cô lập bản thân khỏi bạn bè và gia đình.
- Nghĩ về việc tự tử hoặc làm tổn thương người khác.
Tóm lại, việc gặp một số căng thẳng hàng ngày là bình thường và thậm chí có thể thúc đẩy bạn tiến bộ hơn. Tuy nhiên, nếu phải đối mặt với căng thẳng kéo dài thì có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc. Biết cách phát hiện dấu hiệu, triệu chứng, cấp độ cũng như đo lường mức độ căng thẳng thì có thể sẽ giúp bạn nhận thức và giải quyết các vấn đề trước khi chúng gây hại cho sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, meditation-magic.com