Mục đích và chỉ định của truyền máu khối lượng lớn

Truyền máu là sự nhận máu hoặc các chế phẩm máu ở người bệnh được hiến từ người khác, gồm cả hồng cầu, tiểu cầu hoặc huyết tương. Truyền máu là một hoạt động thường xuyên xảy ra tại tất cả các khoa phòng trong bệnh viện, tuy nhiên đôi khi cũng có những chỉ định truyền máu khối lượng lớn nhằm đạt đích sớm để tối ưu việc xử trí hồi sức và điều chỉnh rối loạn đông máu do xuất huyết nặng.

1. Định nghĩa truyền máu khối lượng lớn

Truyền máu khối lượng lớn là hoạt động truyền thể tích máu lớn trong một thời gian ngắn ở một bệnh nhân xuất huyết nặng hoặc không kiểm soát được. Trước đây truyền máu khối lượng lớn ở người trưởng thành được định nghĩa là sự truyền 10 đơn vị hồng cầu trong vòng 24 giờ để đối phó với chảy máu nặng và không kiểm soát được. Tuy nhiên định nghĩa này đã thay đổi nhằm điều trị nhanh chóng và hiệu quả hơn như truyền 3 đơn vị hồng cầu lắng quá 1 giờ do mất máu không kiểm soát được

Ngoài ra còn có một số định nghĩa khác như truyền một nửa thể tích máu trong 4 giờ, hoặc truyền hơn một lần thể tích máu trong vòng 24 giờ (khoảng 70 ml/kg ở người trưởng thành), hay mất máu nhiều hơn 150 ml/phút. Đối với trẻ em, định nghĩa truyền máu khối lượng lớn là sự truyền máu nhiều hơn 40 ml máu/ kg (thể tích máu bình thường ở trẻ em là khoảng 80 ml/kg)


Truyền máu khối lượng lớn là hoạt động truyền thể tích máu lớn trong một thời gian ngắn
Truyền máu khối lượng lớn là hoạt động truyền thể tích máu lớn trong một thời gian ngắn

2. Mục đích của truyền máu khối lượng lớn

Mục đích của truyền máu khối lượng lớn chính là tối ưu các hoạt động sau của cơ thể bệnh nhân:

  • Sự oxy hóa máu
  • Lưu lượng tim
  • Tưới máu mô
  • Tình trạng chuyển hóa

Qua việc truyền máu, đích đến của hồi sức mất máu lượng lớn sẽ là:

  • Duy trì huyết áp động mạch trung bình khoảng 60 mmHg, huyết áp tâm thu 80-90 mmHg ở bệnh nhân không chấn thương sọ não
  • Đối với bệnh nhân tăng huyết áp cần đích huyết áp động mạch trung bình cao hơn hoặc ở bệnh nhân chấn thương sọ não Glasgow dưới 8 điểm thì đích huyết áp tâm thu phải lớn hơn 100 mmHg hoặc huyết áp nền của bệnh nhân
  • Hb đạt 70-90 g/l, trong trường hợp có chấn thương sọ não Glasgow dưới 8 điểm thì đích Hb phải lớn hơn 100 g/l
  • INR < 1,5 chứng
  • aPTT < 1,5 chứng
  • Fibrinogen > 1,5-2 g/l
  • Tiểu cầu > 50 x 109/l
  • pH đạt 7,20
  • Nhiệt độ cơ thể > 35°C
  • Lactate < 2 mEq/l
  • Ca2+ > 1,1 mmol/l

3. Chỉ định truyền máu khối lượng lớn khi nào?

Phác đồ truyền máu khối lượng lớn có thể được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Đa chấn thương: là chấn thương trên hai hệ thống cơ quan trong cơ thể
  • Vỡ gan, vỡ lách
  • Phẫu thuật có nguy cơ xuất huyết cao: phình bóc tách động mạch chủ, ghép gan,...
  • Phẫu thuật ghép tạng
  • Phẫu thuật phức tạp: tim, mạch máu,...
  • Chảy máu đường tiêu hóa
  • Chảy máu trong sản khoa: thai ngoài tử cung, vỡ tử cung, rối loạn đông máu thứ phát sau thuyên tắc dịch ối

Phác đồ truyền máu khối lượng lớn có thể được sử dụng trong chảy máu đường tiêu hoá
Phác đồ truyền máu khối lượng lớn có thể được sử dụng trong chảy máu đường tiêu hoá

4. Phác đồ truyền máu khối lượng lớn

Tiêu chuẩn để kích hoạt phác đồ truyền máu khối lượng lớn gồm:

  • Thực tế hoặc dự đoán cần 4 đơn vị hồng cầu trong 4 giờ kèm huyết động không ổn định, dự đoán có/không còn tiếp tục chảy máu
  • Chấn thương nghiêm trọng ở ngực, bụng, xương chậu hoặc chiều dài xương
  • Chảy máu lớn trong sản khoa, ống tiêu hóa hoặc phẫu thuật

Sau khi bác sĩ lâm sàng xác định bệnh nhân có tiêu chuẩn truyền máu khối lượng lớn thì cần làm các xét nghiệm cơ bản như công thức máu, chức năng đông máu, sinh hóa máu và khí máu động mạch rồi thông báo với khoa huyết học để khởi động truyền máu lượng lớn.

Các chế phẩm yêu cầu bởi bác sĩ lâm sàng sẽ gồm:

  • 4 đơn vị hồng cầu khối
  • 2 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh
  • Có thể xem xét thêm 1 khối tiểu cầu cho người lớn và acid tranexamic cho bệnh nhân chấn thương, tính đến tủa lạnh nếu fibrinogen dưới 1 g/l

Việc lựa chọn chế phẩm để truyền máu khối lượng lớn là rất quan trọng gồm các tiêu chí như:

  • Cùng hệ thống nhóm máu ABO, Rhesus. Trường hợp khẩn cấp không có cùng hệ thống nhóm máu ABO, chọn hồng cầu lắng O để truyền
  • Máu mới lấy trong 12-24 giờ hoặc các đơn vị truyền máu cho bệnh nhân không được lạnh dưới 37 °C vì truyền máu lạnh làm giảm nhạy cảm trung tâm điều hòa nhiệt, liệt tâm thất và ngừng tim

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe