Mục đích của giải phẫu bệnh

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hà Thị Thu Hiên - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Xét nghiệm giải phẫu bệnh được thực hiện trên những mẫu bệnh phẩm tế bào, bệnh phẩm mô từ các cơ quan trong cơ thể được sinh thiết trong quá trình nội soi, sinh thiết kim hoặc trong quá trình phẫu thuật, đây được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh đặc biệt là các bệnh lý ác tính.

1.Giải phẫu bệnh là gì?

Giải phẫu bệnh là một chuyên ngành y học liên quan đến chẩn đoán bệnh dựa trên sự phân tích từ những mẫu mô và tế bào của cơ thể dưới kính hiển vi. Mô và các dịch được lấy ra từ các cơ quan, bộ phận của cơ thể, qua các quy trình xử lý làm thành các tiêu bản và được các bác sĩ chuyên khoa giải phẫu bệnh phân tích dưới kính hiển vi. Kết quả sau phân tích được đưa ra trong báo cáo giải phẫu bệnh, giải thích được bản chất của vùng tổn thương hay khối u.

Những kết quả xét nghiệm giải phẫu bệnh giúp các bác sĩ lâm sàng đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh.

2. Mục đích, vai trò, phạm vi của giải phẫu bệnh


Xét nghiệm tế bào học cổ tử cung giúp phát hiện ung thư cổ tủ cung sớm
Xét nghiệm tế bào học cổ tử cung giúp phát hiện ung thư cổ tủ cung sớm

Xét nghiệm giải phẫu bệnh được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh đặc biệt là các bệnh lý ác tính. Xét nghiệm giải phẫu bệnh được thực hiện trên những mẫu bệnh phẩm tế bào, bệnh phẩm mô từ các cơ quan trong cơ thể được sinh thiết trong quá trình nội soi, sinh thiết kim hoặc trong quá trình phẫu thuật.

Các dịch vụ của xét nghiệm giải phẫu bệnh gồm:

  • Xét nghiệm tế bào học (Cytopathology)
  • Xét nghiệm tế bào học cổ tử cung âm đạo bằng phương pháp Pap Smear hoặc Thinprep với mục đích sàng lọc và phát hiện ung thư cổ tử cung sớm.
  • Xét nghiệm tế bào học tuyến giáp, tuyến vú và các khối u khác giúp phát hiện những khối u ác tính khi khối u còn rất nhỏ.
  • Xét nghiệm tế bào học của các dịch trong cơ thể

Tế bào học: Sự xuất hiện dưới kính hiển vi của xét nghiệm Pap Smear. Các tế bào màu hồng ở trung tâm với một nhân lớn là bất thường, phù hợp với tổn thương nội biểu mô độ thấp. Slide được nhuộm bằng Papanicolaou

  • Xét nghiệm mô bệnh học (Histopathology)

Xét nghiệm này cho biết được bản chất của tổn thương, lành tính, ác tính, độ mô học, mức độ xâm nhập...

Mô bệnh học: Xuất hiện dưới kính hiển vi của ung thư biểu mô xâm nhập của vú. Tiêu bản được nhuộm bằng Haematoxylin & Eosin.

  • Các mẫu mô sinh thiết qua nội soi dạ dày, thực quản, đại tràng, phế quản...
  • Các mẫu mô sinh thiết bằng kim qua da như: Sinh thiết vú, phổi, gan, tụy, thận, hạch, các khối u nằm sâu trong ổ bụng, sau phúc mạc....
  • Các mẫu mô lấy từ bệnh phẩm phẫu thuật như: Dạ dày, đại tràng, gan, phổi, não....
  • Xét nghiệm hóa mô miễn dịch (Immunohistochemistry).

Xét nghiệm hóa mô miễn dịch
Xét nghiệm hóa mô miễn dịch

Hóa mô miễn dịch (IHC) là quá trình xác định chọn lọc kháng nguyên (protein) trong tế bào của một mẫu mô nhờ nguyên tắc kháng nguyên gắn đặc hiệu với kháng thể.

Nhuộm hóa mô miễn dịch được sử dụng rộng rãi trong việc chẩn đoán như:

  • Giúp xác định nguồn gốc u không biệt hoá.
  • Giúp chẩn đoán phân biệt giữa các tổn thương có hình ảnh mô học gần giống nhau: U lành tính hay ác tính, u là của cơ quan nào.
  • Giúp xác lập sự hiện diện một đặc tính chức năng
  • Giúp phân loại các u lympho ác tính
  • Xác định nguồn gốc của ung thư di căn.
  • Xác định sự hiện diện của một yếu tố tiên lượng
  • Sự biểu lộ đích để điều trị
  • Sự bộc lộ protein của virus...
  • Phục vụ nghiên cứu khoa học
  • Sinh thiết tức thì trong mổ hay còn gọi là sinh thiết cắt lạnh ( Frozen section)

Là phương pháp xét nghiệm mô bệnh học nhanh (có kết quả sau 15 đến 30’) được thực hiện ngay trong khi phẫu thuật viên đang mổ

Xét nghiệm này được chỉ định khi:

  • Bác sĩ phẫu thuật chưa biết được bản chất của khối u là lành tính hay ác tính.
  • Bác sĩ phẫu thuật muốn biết được vùng tổn thương đã được lấy hết hay chưa
  • Bác sĩ phẫu thuật muốn biết được mức độ xâm lấn của khối u để quyết định hình thức phẫu thuật cho người bệnh (cắt toàn bộ hay bảo tồn) đặc biệt hay áp dụng đối với ung thư vúung thư tuyến giáp.

Nhờ ứng phương pháp xét nghiệm này mà bệnh nhân không phải phẫu thuật lần 2, phẫu thuật viên không phải chờ đợi kết quả lâu và đưa ra phương pháp phẫu thuật hợp lý cho người bệnh.

3. Ứng dụng của xét nghiệm giải phẫu bệnh


Cần thực hiện xét nghiệm giải phẫu bệnh khi bệnh nhân làm phẫu thuật
Cần thực hiện xét nghiệm giải phẫu bệnh khi bệnh nhân làm phẫu thuật

Xét nghiệm giải phẫu bệnh được ứng dụng rộng rãi trong y học để:

  • Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư
  • Chẩn đoán bệnh chính xác bản chất của tổn thương
  • Tiên lượng, giai đoạn của các khối u ác tính
  • Cung cấp mẫu mô phân tich gen.
  • Nghiên cứu khoa học.

Cần thực hiện xét nghiệm giải phẫu bệnh khi:

  • Khi khách hàng đến khám sức khỏe tổng quát (sàng lọc phát hiện sớm ung thư).
  • Khi khách hàng đến nội soi dạ dày đại tràng ....có thực hiện sinh thiết.
  • Khi khách hàng đến làm phẫu thuật, thủ thuật các khối u các vùng tổn thương nghi ngờ
  • Thực hiện xét nghiệm giải phẫu bệnh khi khách hàng điều trị ung bướu.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe