Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Công Hiền - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Chụp X-quang thận không chuẩn bị được thực hiện để tìm hiểu nguyên nhân người bệnh bụng hoặc để đánh giá các cơ quan và cấu trúc của hệ thống tiết niệu cũng như phát hiện một số bất thường như sỏi bàng quang ở tiết niệu.
1. Cấu tạo, chức năng của hệ tiết niệu
Hệ thống tiết niệu giúp cơ thể loại bỏ chất thải lỏng dưới dạng nước tiểu có chứa ure nhằm giúp cân bằng các chất hóa học (như kali và natri) và nước trong cơ thể.
1.1 Thận
Chức năng chính của thận gồm:
- Loại bỏ các chất thải và thuốc ra khỏi cơ thể
- Cân bằng chất lỏng trong cơ thể
- Cân bằng chất điện giải
- Giải phóng loại hormone kiểm soát huyết áp
- Giải phóng loại hormone kiểm soát sản xuất hồng cầu
- Giúp xương khỏe mạnh bằng cách kiểm soát canxi và phốt pho
1.2 Niệu quản
Niệu quản có chức năng là dẫn nước tiểu từ đài bể thận xuống bàng quang.Điều này buộc nước tiểu chỉ đi xuống một chiểu. Nếu nước tiểu chảy ngược hoặc đứng yên, thì người bệnh có thể bị nhiễm trùng thận. Cứ sau khoảng 10 đến 15 giây, một lượng nhỏ nước tiểu sẽ được đổ từ niệu quản vào bàng quang.
1.3 Bọng đái hay bàng quang
Đây là cơ quan rỗng hình tam giác này nằm ở bụng dưới. Thành bàng quang có thể giãn và mở rộng để lưu trữ nhiều nước tiểu. Bàng quang ở trưởng thành khỏe mạnh có thể lưu trữ tới 2 cốc nước tiểu trong 2 đến 5 giờ.
1.4 Thần kinh trong bàng quang
Các dây thần kinh truyền tín hiệu thần kinh giúp não nhận biết khi nào cần đến lúc đi tiểu.
1.5 Niệu đạo
Chức năng của niệu đạo là dẫn nước tiểu đi ra ngoài cơ thể. Não báo hiệu các cơ bàng quang thắt chặt để ép nước tiểu ra khỏi bàng quang.
Đồng thời, não báo hiệu cho các cơ tròn giãn để cho nước tiểu thoát ra khỏi bàng quang đi qua niệu đạo. Khi tất cả các tín hiệu xảy ra theo đúng thứ tự, người bệnh sẽ đi tiểu bình thường.
2. Mục đích của chụp X-quang thận không chuẩn bị
Chụp X-quang thận không chuẩn bị có nhiều mục đích khác nhau như chẩn đoán nguyên nhân đau bụng.
Ngoài ra, chụp X-quang còn được sử dụng để đánh giá đường tiết niệu trước khi bác sĩ thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán khác để lấy thông tin cơ bản liên quan đến kích thước, hình dạng và vị trí của thận, niệu quản và bàng quang.
Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như: X-quang không chuẩn bị được thực hiện người bệnh có các triệu chứng như:
- Bí tiểu - Người bệnh không có khả năng làm trống bàng quang hoàn toàn
- Tần suất tiết niệu - Người bệnh đi tiểu tám lần trở lên mỗi ngày
- Tiểu gấp - Người bệnh không có khả năng kìm hãm khả năng đi tiểu
- Tiểu không tự chủ - Người bệnh không kiểm soát được khả năng nước tiểu
- Tắc nghẽn đường tiết niệu
- Người bệnh có khối u vùng bụng
- Đau ở háng hoặc lưng dưới
- Đi tiểu ra máu
- Huyết áp cao
- Suy thận
Bác sĩ có thể sử dụng các kỹ thuật hình ảnh để xác định liệu sỏi đường tiết niệu hoặc phì đại tuyến tiền liệt mở rộng gây chặn dòng chảy của nước tiểu.
3. Các bước trước khi thực hiện chụp X-quang thận không chuẩn bị
Trước khi thực hiện chụp x-quang, bác sĩ sẽ thực hiện:
- Hỏi về các triệu chứng về bệnh đường tiết niệu mà người bệnh đang gặp phải, khi nào chúng bắt đầu và tần suất của chúng
- Hỏi về tiền sử bệnh tật, kể cả các bệnh nặng đã gặp phải hoặc phẫu thuật
- Hỏi người bệnh có thai hay nghi ngờ có thai không
- Hỏi về các loại thuốc đang sử dụng gồm thuốc kê đơn và thuốc không cần kê đơn, lượng chất lỏng tiêu thụ mỗi ngày và tình trạng sử dụng rượu bia và cafein
- Khám thực thể
Những bước này sẽ giúp bác sĩ xác định nguyên nhân có thể gây ra các vấn đề về đường tiết niệu và lên kế hoạch cho người bệnh thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh phù hợp.
4. Quy trình chụp X-quang thận không chuẩn bị
Nhìn chung, quy trình thực hiện chụp X-quang thận không chuẩn bị sẽ theo các bước sau:
- Người bệnh cởi quần áo, đồ trang sức hoặc các đồ vật khác có thể cản trở quy trình chụp. Nếu người bệnh được yêu cầu cởi bỏ toàn bộ quần áo, người bệnh sẽ được mặc một chiếc áo choàng của bệnh viện.
- Sau đó người bệnh sẽ được hướng dẫn đứng, nằm thẳng trên bàn hoặc nằm nghiêng trên bàn tùy theo yêu cầu của bác sĩ và kỹ thuật viên. Kỹ thuật viên X quang sẽ chụp bụng của người bệnh và đặt bụng của người bệnh ở giữa máy chụp X-quang và phim.
- Các bộ phận khác của cơ thể không phải được chụp x-quang có thể được che chắn bằng tấm chắn có chất liệu bằng chì để giúp người bệnh tránh tiếp xúc với tia X.
- Khi người bệnh đã ở đúng vị trí, kỹ thuật viên X quang sẽ yêu cầu người bệnh giữ yên trong một vài phút để bắt đầu tiến hành chụp. Người bệnh lưu ý, cần giữ yên hoàn toàn trong khi chụp X-quang, do bất kỳ chuyển động nào cũng có thể thay đổi chất lượng hình ảnh.
- Kỹ thuật viên sẽ đi ra phía sau một cửa sổ bảo vệ để điều khiển máy móc chụp X-quang.
Bản thân tia X không gây đau. Nhưng nếu người bệnh có chấn thương hoặc mới vừa phẫu thuật thì việc di chuyển cơ thể hoặc đi lại có thể khiến người bệnh khó chịu hoặc đau. Đối với những người bệnh như vậy, các kỹ thuật viên sẽ sử dụng tất cả các biện pháp giúp người bệnh thoải mái nhất có thể và thực hiện chụp X-quang càng nhanh càng tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.