Một số thành phần trang điểm có độc hại không?

Hầu hết các thành phần trong mỹ phẩm trang điểm là an toàn, nhưng một số khác lại có thể gây hại cho cơ thể và môi trường. Bài viết này sẽ bàn luận về các điểm cần lưu ý trong thành phần mỹ phẩm độc hại và cách tìm các chất thay thế để an toàn hơn cho người sử dụng.

1. Mỹ phẩm có thực sự an toàn cho sức khỏe?

Tại Hoa Kỳ, không có luật nào yêu cầu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt mỹ phẩm. Điều này có nghĩa là ngoài các chất phụ gia tạo màu, mỹ phẩm có thể chứa một số hóa chất nguy hiểm mà không có quy định. Khi chúng ta sử dụng mỹ phẩm, da sẽ hấp thụ các hóa chất và sau đó chúng có thể đi vào máu. Đặc biệt, ai cũng có thể hít hoặc ăn phải một số mỹ phẩm, ví dụ như các sản phẩm dành cho môi.

Một số chất trong đồ trang điểm có thể chứa các thành phần liên quan đến những tình trạng bệnh lý cho sức khỏe. Một số mối lo ngại mà mỹ phẩm có thể gây hại cho cơ thể như ung thư, rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone trong cơ thể, chậm phát triển và gây ra các vấn đề thần kinh.

2. Danh sách các thành phần mỹ phẩm độc hại

Dưới đây là các thành phần độc hại trong mỹ phẩm mà bạn nên tránh sử dụng:

2.1. Talc có thể gây ung thư

Vào năm 2019, FDA đã khuyến cáo người tiêu dùng tránh sử dụng một số mặt hàng mỹ phẩm có amiăng và talc. Chúng ta có thể tìm thấy bột talc trong các sản phẩm trang điểm khác nhau, bao gồm phấn má hồng, mắt và phấn phủ. Nó hoạt động trong lớp trang điểm để hấp thụ độ ẩm, tạo nền mờ và ngăn lớp trang điểm bị vón cục. Tuy nhiên, bột talc có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và nó có thể làm cho cơ thể bị nhiễm amiăng. Cả talc và amiăng đều là những khoáng chất tự nhiên trong trái đất, chúng thường xuất hiện gần nhau. Amiăng được biết đến là một hóa chất có thể gây ung thư.

2.2. Triclosan là thành phần trong mỹ phẩm độc hại

Triclosan cũng là một thành phần độc hại trong mỹ phẩm và nó có thể có trong một số mỹ phẩm không kê đơn. Một số nhà sản xuất thêm nó vào để làm giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn. Triclosan thường có trong các sản phẩm như kem đánh răng, xà phòng diệt khuẩn,.... Theo FDA, hàm lượng triclosan cao có thể ảnh hưởng đến hormone tuyến giáp và góp phần gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng vẫn cần thêm bằng chứng để xác định chính xác ảnh hưởng của triclosan đối với sức khỏe con người. Hiện tại Triclosan bị cấm đối với các sản phẩm chăm sóc da được bán tại một số nơi.

2.3. Chì là thành phần mỹ phẩm độc hại

Các sản phẩm mỹ phẩm dành cho mắt chứa kohl có một hàm lượng chì cao, đây là kim loại nặng gây hại cho cơ thể. Bất kỳ sản phẩm mắt nào có chứa Kohl, Kajal, al-Kahal, surma, tiro, tozali, kwalli đều được xem là những thành phần mỹ phẩm độc hại và nằm trong danh sách các chất phụ gia tạo màu bất hợp pháp của FDA.


Tozali, kwalli là những thành phần mỹ phẩm độc hại.
Tozali, kwalli là những thành phần mỹ phẩm độc hại.

2.3. Thủy ngân và thimerosal

Thủy ngân là một kim loại nặng có hại cho cơ thể và nó cũng là thành phần mỹ phẩm độc hại. Các chất làm sáng da có thể chứa thủy ngân, nó ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tổn thương thận và gây hại cho thai nhi đang phát triển. Thimerosal là một chất bảo quản xuất hiện trong mỹ phẩm và có chứa thủy ngân.

2.4. Phthalates rất độc hại

Phthalates có trong một số loại sơn móng tay, keo xịt tóc cũng như nước hoa và nhiều sản phẩm làm sạch da. Phthalate có thể làm mất cân bằng nội tiết tố, đặc biệt là những nội tiết tố hoạt động cùng với estrogen, chẳng hạn như testosterone. Phthalates có mối liên hệ với ung thư vú do những thay đổi nhất định trong mức độ estrogen.

2.5. Parabens là thành phần mỹ phẩm cần tránh

Paraben thường được sử dụng để làm chất bảo quản trong nhiều loại mỹ phẩm. Paraben có thể xuất hiện trên nhãn mỹ phẩm dưới các tên gọi như: Methylparaben, propylparaben, ethylparaben, butylparaben.

Paraben thường xuất hiện trong các mỹ phẩm trang điểm, chất dưỡng ẩm, sản phẩm làm tóc và bọt cạo râu. Mặc dù paraben sẽ chỉ hoạt động như một dạng estrogen yếu, nhưng nó vẫn đủ mạnh để khiến các tế bào ung thư vú phát triển và xâm nhập vào cơ thể qua da. Điều này là do sự mất cân bằng của estrogen, gây ra một loại ung thư vú nhất định, được gọi là ung thư vú dương tính với thụ thể hormone.

2.6. Thành phần Fomanđehit

Formaldehyde và các hóa chất giải phóng formaldehyde trong một khoảng thời gian nhất định thường có trong mỹ phẩm, kem dưỡng da, dầu gội, sữa tắm, sơn móng tay và các sản phẩm làm thẳng tóc. Formaldehyde có thể gây ra các phản ứng dị ứng cũng như kích ứng mắt và ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Một số nghiên cứu trên động vật thí nghiệm cũng cho thấy, hóa chất này liên quan đến bệnh ung thư. Các chuyên gia cũng gợi ý rằng, các liệu pháp làm mượt tóc chuyên nghiệp sử dụng keratin có thể làm tăng nồng độ formaldehyde trong nhà lên mức nguy hiểm.

2.7. Toluene là thành phần mỹ phẩm độc hại

Toluene có trong một số liệu pháp điều trị móng tay và sơn móng tay, nó có thể gây độc cho não, hệ thần kinh và thai nhi đang phát triển. Giống như triclosan, toluene hiện cũng bị cấm trong các sản phẩm chăm sóc cơ thể được bán tại một số địa điểm.

2.8. Carbon có thể gây ung thư

Carbon đen có trong các loại mascara, kem lót mắt và son môi vì nó mang lại màu sắc cho các sản phẩm này. Tuy nhiên, carbon có thể gây ung thư cho con người. Các nhà khoa học thường dựa trên nghiên cứu sự phơi nhiễm ở mức độ công nghiệp trong các nhà máy hoặc động vật thí nghiệm. Do vậy, vẫn cần nghiên cứu thêm để xác định mức độ an toàn của một lượng nhỏ muội than trong mỹ phẩm.

2.9. Per và polyfluoroalkyl

Các chất per và polyfluoroalkyl (PFAS) có trong kem nền, kem che khuyết điểm và chì kẻ mắt cũng như các sản phẩm mỹ phẩm khác. Hiện nay, có khoảng hơn 4.000 hóa chất được phân loại là PFAS, gây ra những rủi ro như có hại cho thai nhi đang phát triển, tăng nguy cơ ung thư, ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và sự cân bằng hormone. Do đó, cần check thành phần mỹ phẩm trước khi sử dụng lên da.

2.10. Bộ lọc tia cực tím loại Benzophenone

Một số mỹ phẩm và kể cả sản phẩm dùng để trang điểm có thể chứa bộ lọc tia cực tím. Benzophenone là một loại màng lọc tia cực tím có thể làm rối loạn nội tiết tố và lạc nội mạc tử cung.


Tránh tiếp xúc với các thành phần độc hại trong mỹ phẩm bằng cách giảm sử dụng chúng.
Tránh tiếp xúc với các thành phần độc hại trong mỹ phẩm bằng cách giảm sử dụng chúng.

3. Các giải pháp thay thế và mẹo để tránh độc tố

Chúng ta có thể tránh tiếp xúc với các thành phần độc hại trong mỹ phẩm bằng cách giảm sử dụng chúng hoặc chuyển sang các chất thay thế an toàn hơn. Các bước sau đây có thể giúp bạn giảm bớt hoặc tránh sử dụng các thành phần mỹ phẩm độc hại:

  • Trong một sản phẩm mỹ phẩm nên sử dụng loại chứa ít thành phần.
  • Check thành phần mỹ phẩm trước khi mua và sử dụng.
  • Làm các mỹ phẩm như tẩy tế bào chết toàn thân và mặt nạ tại nhà bằng các nguyên liệu thực phẩm đơn giản.
  • Hãy cẩn thận với các sản phẩm được quảng cáo hoặc giới thiệu là “nguyên chất”, “hữu cơ” hoặc “tự nhiên” vì chưa chắc chúng đã an toàn hơn.
  • Sử dụng các sản phẩm đã có chứng nhận hữu cơ bởi các tổ chức danh tiếng.
  • Bạn có thể chuyển sang các lựa chọn thay thế không độc hại cho mọi loại trang điểm, bao gồm mascara, sản phẩm môi và mắt, kem nền, kem che khuyết điểm, má hồng...

Các công ty mỹ phẩm không cần sự chấp thuận của FDA trước khi bán sản phẩm của họ nên rất nhiều đồ trang điểm có thể chứa các hóa chất độc hại, do đó bạn phải quyết định sản phẩm nào an toàn khi sử dụng. Bạn nên tránh các sản phẩm có chứa thành phần được liệt kê trong bài viết này, nhằm giảm tiếp xúc với hóa chất độc hại từ mỹ phẩm. Đồng thời, chuyển sang sử dụng các loại mỹ phẩm trang điểm không độc hại để bảo vệ sức khỏe của mình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Medicalnewstoday.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe