Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Tuyết Trinh - Trưởng Đơn nguyên Nội trú - Trung Tâm Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Có rất nhiều nguyên nhân gây huyết áp cao mà nhiều người thường bỏ qua không để ý tới. Tình trạng huyết áp cao kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến tim mạch mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể. Việc nắm rõ các nguyên nhân làm tăng huyết áp sẽ giúp bạn có hương thăm khám và điều trị kịp thời.
1. Ăn mặn nhiều (ăn nhiều muối) - Nguyên nhân gây huyết áp cao
Đây có thể coi là vấn đề lớn mà nhiều người quan tâm vì chắc hẳn bạn đã từng được nghe khuyến cáo rằng những người ăn mặn nhiều có liên quan đến tăng huyết áp. Thực tế, khi bạn ăn quá mặn thì cơ thể cần phải giữ nước nhiều hơn, dẫn đến trái tim và mạch máu của bạn bị quá tải làm tăng huyết áp.
Việc ăn mặn và lo âu, giận dữ có thể là nguyên nhân gây huyết áp cao tức thời nhưng theo thời gian thì cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
2. Ăn nhiều đường
Ngoài ăn mặn thì ăn nhiều đường cũng là một trong các nguyên nhân gây huyết áp cao, thậm chí gây tăng huyết áp trầm trọng hơn ăn mặn, đặc biệt đối với những dạng chế biến đặc biệt như siro ngô chứa hàm lượng Fructo cao. Theo nghiên cứu thấy rằng, những người có chế độ ăn nhiều đường thì con số huyết áp tăng hơn đáng kể (cả số tối đa và số tối thiểu). Trung bình uống 1 lon nước ngọt trong 1 ngày sẽ làm tăng 15mmHg huyết áp tâm thu (con số huyết áp trên) và 9 mmHg huyết áp tâm trương (con số huyết áp dưới).
XEM THÊM: Xét nghiệm aldosterone và renin chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh huyết áp cao
3. Sự cô đơn
Ở đây không đề cập đến số lượng bạn có mà là cảm giác được kết nối, và sự căng thẳng, trầm cảm không giải thích được đầy đủ về ảnh hưởng, nó cũng trầm trọng theo thời gian. Theo một nghiên cứu trong 4 năm, huyết áp của những người cô đơn nhất tăng lên hơn 14 mmHg. Các nhà nghiên cứu cho rằng nỗi sợ hãi bị ruồng bỏ, sự thất vọng, cảm giác cần an toàn hơn, cần được bảo vệ làm thay đổi cách cơ thể bạn hoạt động, do đó có thể làm tăng huyết áp.
4. Ngừng thở khi ngủ
Tỷ lệ bị tăng huyết áp và bệnh tim mạch cao hơn ở người bị ngưng thở khi ngủ. Đó là do khi bạn có cơn ngừng thở khi ngủ, cơ thể bạn giải phóng ra hoạt chất hóa học gây tăng huyết áp. Thêm vào đó, do ngừng thở khi ngủ làm thiếu oxy dẫn đến làm phá hủy thành động mạch và gây xơ cứng động mạch nên khó điều chỉnh được huyết áp xuống bình thường.
5. Chế độ ăn không đủ kali
Thận của bạn cần cân bằng nồng độ natri và kali để điều chỉnh lượng dịch trong cơ thể. Do vậy, ngay cả khi bạn ăn ít muối thì bạn cũng có thể dễ bị tăng huyết áp hơn là khi bạn ăn đầy đủ rau, trái cây, đậu, sữa ít béo, cá...Bạn có thể ăn chuối, súp lơ xanh, hạt dẻ, rau có màu xanh, đây đều là những loại thực phẩm giàu kali.
6. Khi bị đau đột ngột
Khi bạn bị đau đột ngột hoặc cấp tính, hệ thần kinh của bạn bị tấn công giải phóng ra chất hóa học gây tăng huyết áp.
7. Dùng một số thảo dược
Bạn đã từng uống bạch quả, nhân sâm, guarana, ma hoàng, cam đắng... những chiết xuất của các loại thảo dược này có thể làm tăng huyết áp hoặc có thể làm thay đổi hoạt động của thuốc, kể cả thuốc kiểm soát huyết áp. Do vậy bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ khi sử dụng.
8. Bất thường tại tuyến giáp
Khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone, làm nhịp tim chậm lại và các động mạch sẽ ít co giãn hơn. Hơn nữa, lượng hormone thấp cũng làm tăng lượng cholesterol xấu LDL và động mạch trở nên xơ cứng. Khi máu di chuyển qua mạch máu xơ cứng cũng nhanh hơn, tạo nên áp lực mạnh lên thành mạch máu. Ngược lại khi lượng hormone tuyến giáp tăng hơn bình thường, nhịp tim tăng lên, tim bơm máu mạnh hơn và huyết áp tăng.
9. Nhịn đi tiểu
Nhịn đi tiểu là một trong các các nguyên nhân làm tăng huyết áp. Theo nghiên cứu cho thấy khi nhịn tiểu trên 3 giờ huyết áp tâm thu tăng 4 mmHg và huyết áp tâm trương là 3 mmHg. Theo đó, mức độ tăng huyết áp này khác nhau giữa nam và nữ. Huyết áp cũng tăng lên khi bạn già đi. Do vậy bạn cần kiểm tra để biết con số huyết áp của mình.
10. Khi sử dụng một số loại thuốc
10.1. Thuốc kháng viêm không corticoid (NSAIDs)
Một số thuốc chống viêm không corticoid như Aspirin, ibuprofen...có thể làm tăng huyết áp, nếu bạn là người khỏe mạnh thì việc tăng vài mmHg không làm ảnh hưởng gì. Tuy nhiên có những người việc dùng thuốc kháng viêm gây tăng huyết áp ảnh hưởng đến sinh hoạt và thậm chí có biến chứng nếu bạn không kiểm soát huyết áp của mình.
10.2. Khi dùng một số thuốc xịt mũi
Một số thuốc xịt mũi có thành phần như pseudoephedrine and phenylephrine có thể gây co mạch máu, do đó cũng làm giảm tác dụng của các thuốc hạ huyết áp. Vì vậy, nếu bạn đã bị tăng huyết áp mà có vấn đề về mũi xoang hay cảm lạnh cần xin ý kiến bác sĩ để lựa chọn thuốc phù hợp.
10.3. Khi dùng thuốc tránh thai
Các loại thuốc tránh thai dạng tiêm hay dạng uống hoặc một số dụng cụ ngừa thai đều chứa một số loại hormone, các chất này gây co thắt làm hẹp lòng mạch máu và tăng huyết áp. Vì vậy, nếu bạn là phụ nữ trên 35 tuổi có thừa cân, hút thuốc lá cần theo dõi huyết áp của mình và đi khám bác sĩ tim mạch 6 tháng/ lần. Ngoài ra, bạn cần xin ý kiến bác sĩ phụ khoa lựa chọn phương pháp tránh thai với lượng estrogen phù hợp để đảm bảo huyết áp không bị ảnh hưởng.
10.4. Khi dùng các thuốc chống trầm cảm
Các loại thuốc mục đích ức chế các chất trong não như: Monoamine oxidase (MAOIs) như Dopamin, norepinephrine, and serotonin.. Các loại thuốc chống trầm cảm ba vòng như: Prozac, Sarafem.. không những làm thay đổi tâm trạng mà còn làm ảnh hưởng đến huyết áp của bạn. Các chất ức chế tái hấp thu Serotonin (SSRI) làm tăng huyết áp nếu bạn đang dùng thuốc có chứa Lithium hoặc thuốc có ảnh hưởng đến seretonin. Bạn nên xin ý kiến bác sĩ nếu có chỉ định dùng thuốc trầm cảm.
11. Tăng huyết áp khi gặp nhân viên y tế
Bạn cũng có thể nhận thấy khi đo huyết áp ở nhà thường thấp hơn khi bạn đến bệnh viện hay khi gặp nhân viên y tế. Hiện tượng này được gọi là “Tăng huyết áp áo choàng trắng”, hiện tượng này bình thường tăng huyết áp tâm thu khoảng 10mmHg, tâm trương khoảng 5mmHg, do quá lo lắng, căng thẳng.
12. Khi cơ thể bị mất nước
Khi các tế bào trong cơ thể bị thiếu nước, mạch máu của bạn co lại, đó là do não của bạn gửi tín hiệu lên tuyến yên để giải phóng ra chất hóa học tác động lên mạch máu giúp chúng co lại. Thêm vào đó, thận của bạn sẽ hoạt động giảm bài tiết nước tiểu, giữ nước lại trong cơ thể. Tất cả điều đó làm tim làm việc nhiều hơn, gây tăng huyết áp trong giai đoạn đầu của tình trạng mất nước.
13. Khi tranh luận
Tăng huyết áp khi tranh luận có thể xảy ra bất cứ ái, cho dù già hay trẻ, cho dù bạn ở bất cứ chỗ nào. Nếu bình thường bạn đã bị tăng huyết áp thì khi nói chuyện, khi tranh luận huyết áp cũng tăng và nghiên cứu cho thấy chủ đề, nội dung khi tranh luận có liên quan nhiều hơn là những động tác vận động miệng để nói. Do vậy, nếu bạn bị tăng huyết áp hay không bạn cũng nên tự kiểm soát cảm xúc, tâm lý khi tranh luận.
Tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm và có thể để lại nhiều biến chứng. Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh mà bạn thường bỏ qua hoặc không chú ý đến. Để dự phòng bệnh tăng huyết áp, quý khách có thể lựa chọn GÓI KHÁM TĂNG HUYẾT ÁP tại Bệnh viện Đa khoa Vinmec. Với đội ngũ y - bác sỹ là các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao; Trang thiết bị hiện đại; Dịch vụ khám, chữa bệnh chuyên nghiệp, Gói khám cao huyết áp có thể phát hiện bệnh kịp thời ngay cả khi không có triệu chứng, mang đến hiệu quả điều trị bệnh tối ưu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com