Mối liên quan giữa trầm cảm và bệnh tim mạch

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Hồng Nhật - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Bệnh tim mạch không chỉ có liên quan tới các yếu tố nguy cơ sinh học và lối sống mà còn phụ thuộc vào các yếu tố tâm lý và tinh thần. Trong đó, bệnh trầm cảm có ảnh hưởng khá lớn tới bệnh tim mạch.

1. Sự liên hệ giữa bệnh tim mạch và trầm cảm

Hầu hết các nghiên cứu về bệnh tim mạch đã chỉ ra mối liên quan trực tiếp giữa các yếu tố nguy cơ sinh học (rối loạn lipid máu, rối loạn glucose máu, các yếu tố viêm,...) và lối sống (béo phì, ít vận động, nghiện bia rượu, hút thuốc lá,...) đến bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa bệnh tim mạch và các yếu tố tâm lý, tâm thần, trong đó có bệnh trầm cảm.

1.1 Bệnh trầm cảm có ảnh hưởng gì tới tim mạch?

Trầm cảm và cô đơn không chỉ đơn thuần về mặt cảm xúc mà còn có thể tạo áp lực lớn lên tim mạch. Cụ thể, nỗi lo âu, buồn phiền có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Còn những người đã mắc bệnh tim mạch thì trầm cảm là yếu tố làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Theo khảo sát của các nhà khoa học trên gần 6.000 người, những người mắc bệnh trầm cảm và bệnh tim có nguy cơ tử vong cao gấp 3 lần so với người không mắc bệnh. Bên cạnh đó, trầm cảm còn khiến bệnh tim tái phát.

Phụ nữ mắc bệnh trầm cảm có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn nam giới nhiều lần. Ngoài ra, trầm cảm và lo âu nặng còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp - một trong những nguyên nhân chính gây bệnh tim.


Người mắc bệnh trầm cảm dễ bị nhồi máu cơ tim
Người mắc bệnh trầm cảm dễ bị nhồi máu cơ tim

1.2 Vì sao trầm cảm gây ảnh hưởng tới tim?

Hiện vẫn chưa có kết luận chính xác vì sao bệnh trầm cảm gây ảnh hưởng xấu tới tim mạch. Từ thực tế, các chuyên gia cho rằng trầm cảm dẫn tới những hành vi không tốt cho sức khỏe như không tập thể dục, gây béo phì, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Nghiên cứu trên một tạp chí tim mạch cho thấy những người hay buồn phiền sẽ có nồng độ protein phản ứng C cao hơn - một hoạt chất làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Ngoài ra, những tổn thương tinh thần cũng có thể tác động tới các tế bào tiểu cầu, khiến chúng kết tụ lại với nhau, dẫn tới tắc nghẽn động mạch do cục máu đông - gây các bệnh lý tim mạch.

2. Mối quan hệ giữa trầm cảm và các bệnh lý tim mạch thường gặp

2.1 Trầm cảm và bệnh mạch vành

Trầm cảm là một trong những yếu tố phổ biến làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Xơ vữa động mạch và các cơ chế sinh lý bệnh tiềm ẩn của bệnh mạch vành đã hình thành một thời gian dài trước khi xuất hiện các triệu chứng tim mạch. Do đó, xơ vữa động mạch có thể tạo điều kiện xuất hiện sớm các triệu chứng trầm cảm hơn so với các triệu chứng của bệnh mạch vành.

Tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm sau nhồi máu cơ tim cao hơn 3 - 3,5 lần so với những người không mắc bệnh tim mạch. So với nhóm người không bị trầm cảm, người bị trầm cảm sau nhồi máu cơ tim có nguy cơ gặp phải các tai biến tim mạch và tử vong cao hơn. Trầm cảm cũng làm tăng gấp đôi nguy cơ tái nhồi máu cơ tim, ngừng tim, can thiệp mạch vành cấp cứu hoặc tử vong do tim mạch.

Các nghiên cứu khác cũng cho kết luận trầm cảm có thể đóng vai trò trung gian giữa các stress trong cuộc sống và làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành.


Bệnh trầm cảm có mối liên quan đến bệnh mạch vành
Bệnh trầm cảm có mối liên quan đến bệnh mạch vành

2.2 Trầm cảm và rối loạn nhịp tim

Có 3 tình trạng phổ biến làm tăng nguy cơ mắc rối loạn nhịp tim là:

  • Sự bất ổn định điện cơ tim - thường do mắc bệnh động mạch vành;
  • Các tai biến phát sinh cấp tính - thường do căng thẳng thần kinh;
  • Trạng thái tâm lý mạn tính, dữ dội và phổ biến - thường gồm trầm cảm và tuyệt vọng.

Như vậy, căng thẳng, trầm cảm có ảnh hưởng tới sự cân bằng thần kinh tự động của tim, làm tăng nguy cơ mắc rối loạn nhịp tim.

2.3 Trầm cảm và suy tim

Nhiều nghiên cứu cho kết luận tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm cao hơn 20% ở bệnh nhân mắc bệnh suy tim so với người khỏe mạnh. Tỷ lệ trầm cảm ở bệnh nhân suy tim đạt khoảng 35 - 38%. Ở bệnh nhân suy tim, trầm cảm dẫn tới sức khỏe yếu, hay phải nhập viện và tỷ lệ tử vong cao.


Tỷ lệ suy tim ở bệnh nhân trầm cảm tăng cao
Tỷ lệ suy tim ở bệnh nhân trầm cảm tăng cao

2.4 Trầm cảm và tăng huyết áp

Nhiều nghiên cứu đưa ra kết luận bệnh trầm cảm làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng tăng huyết áp. Mối quan hệ giữa trầm cảm và tăng huyết áp vẫn còn nhiều tranh cãi. Theo các chuyên gia, trầm cảm và lo âu thường dẫn tới hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia và tăng cân. Đây là những hành vi thúc đẩy nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp và bệnh tim mạch.

Bệnh tim mạch và trầm cảm có sự liên quan mật thiết với nhau. Vì vậy, khi mắc bệnh tim, người bệnh nên thư giãn, giữ tâm trạng thoải mái, kiểm soát căng thẳng để giảm nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim. Bên cạnh đó, người bệnh có thể được áp dụng các biện pháp điều trị như sử dụng thuốc chống trầm cảm, trị liệu bệnh tim mạch đồng thời,... theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe