Mối liên quan giữa đái tháo đường và bệnh tim mạch

Bài được viết bởi Bác sĩ nội trú Trịnh Ngọc Anh - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Có mối liên quan chặt chẽ giữa đái tháo đường và bệnh lý tim mạch. Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường. Nguy cơ tử vong tim mạch tương đối ở bệnh nhân đái tháo đường trưởng thành tăng gấp 1 - 3 lần ở nam giới và 2 - 5 lần ở nữ giới so với người không bị đái tháo đường.

Ở Mỹ tỷ lệ tử vong do bệnh lý tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường trưởng thành (trên 18 tuổi) cao gấp 1,7 lần ở bệnh nhân không mắc đái tháo đường, chủ yếu là do đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Nguy cơ này xuất hiện ở cả hai giới nam và nữ.

1. Mối liên quan giữa đái tháo đường và bệnh lý tim mạch là gì?

Ở bệnh nhân đái tháo đường, tình trạng đường máu cao kéo dài sẽ làm tổn thương các mạch máu và dây thần kinh (các dây thần kinh này chi phối tới các mạch máu cũng như quả tim của bạn). Thời gian mắc đái tháo đường càng lâu, khả năng bị các bệnh lý tim mạch càng cao. Bệnh nhân bị đái tháo đường có xu hướng mắc bệnh lý tim mạch ở tuổi trẻ hơn so với những người không bị đái tháo đường.

Tuy nhiên nếu bạn quản lý tốt bệnh đái tháo đường có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.

2. Các yếu tố nguy cơ làm gia tăng bệnh lý tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường

2.1 Hút thuốc lá

Hút thuốc lá làm gia tăng nguy cơ tiến triển bệnh lý tim mạch. Nếu bạn bị đái tháo đường, điều quan trọng nhất là phải ngừng hút thuốc lá, vì cả đái tháo đường và hút thuốc lá đều gây ra tình trạng hẹp mạch máu. Hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ bị các biến chứng dài hạn khác như ung thư phổi. Hút thuốc lá cũng có thể gây tổn thương mạch máu ở chân, và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng chi dưới, loét và cắt cụt chi.


Thuốc lá làm gia tăng bệnh lý tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường
Thuốc lá làm gia tăng bệnh lý tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường

2.2 Tăng huyết áp

Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch. Nếu bạn bị huyết áp cao, tim của bạn phải làm việc nhiều hơn để bơm máu. Huyết áp cao có thể làm cho tim bị quá tải, gây tổn thương các mạch máu, và tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, các vấn đề về mắt và về thận.

2.3 Rối loạn mỡ máu

Thường gặp là tình trạng tăng các chỉ số mỡ máu ‘xấu’ gồm: Cholesterol, Triglycerid, LDL-cholesterol; và giảm chỉ số mỡ máu ‘tốt’ là HDL-cholesterol.

LDL-cholesterol là tác nhân chính gây nên các mảng xơ vữa – một trong những nguyên nhân gây hẹp và tắc mạch máu – khi tồn tại với nồng độ cao trong máu trong thời gian dài; chính vì vậy nồng độ cao LDL-cholesterol làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch.

Một dạng khác của chất béo trong máu – Triglyceride - cũng có thể làm gia tăng bệnh lý tim mạch khi nồng độ trong máu cao hơn mức khuyến cáo.

2.4 Béo phì và mỡ bụng

Thừa cân và béo phì có thể ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị đái tháo đường và gia tăng nguy cơ bị rất nhiều các vấn đề sức khỏe, bao gồm bệnh lý tim mạch và tăng huyết áp. Nếu bạn bị thừa cân, một chế độ ăn khỏe mạnh với giảm bớt lượng calo sẽ giúp bạn giảm đường máu và giảm nhu cầu phải sử dụng thuốc.

Mỡ bụng xung quanh vùng eo quá nhiều, ngay cả khi bạn không bị thừa cân, cũng có thể làm tăng khả năng phát triển bệnh lý tim mạch. Lượng mỡ bụng quá nhiều nếu bạn đo vòng eo của mình:

  • Hơn 100 cm đối với nam
  • Hơn 80 cm đối với nữ

Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

2.5 Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch

Nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch của bạn sẽ gia tăng nếu bạn có một hoặc nhiều thành viên trong gia đình (đặc biệt là những người thân cận thế hệ một như bố, mẹ, anh chị em ruột) bị bệnh lý tim mạch trước 50 tuổi.

3. Làm sao để giảm biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường?

3.1 Áp dụng phương pháp quản lý đái tháo đường theo các bước ABCs

  • A là kiểm tra A1c:

Kiểm tra A1c giúp đánh giá đường huyết trung bình trong 3 tháng vừa qua của bạn. Điều này khác với việc kiểm tra đường máu hàng ngày. Chỉ số A1c càng cao, mức đường máu trong suốt 3 tháng qua của bạn càng cao. Mức đường trong máu cao có thể gây tổn thương tim, mạch máu, thận, bàn chân và mắt.

Mục tiêu A1c cho rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường là ≤ 7%. Một vài bệnh nhân kiểm soát tốt hơn có thể có mục tiêu A1c ≤ 6,5%. Hãy hỏi bác sĩ của bạn về mục tiêu A1c của mình.

  • B là huyết áp:

Mục tiêu huyết áp cho hầu hết bệnh nhân đái tháo đường là dưới 140/90 mmHg. Hãy hỏi bác sĩ điều trị về mục tiêu huyết áp của mình là bao nhiêu để có thể tự quản lý huyết áp tốt nhất cho bản thân

  • C là cholesterol:

Hãy hỏi bác sĩ điều trị xem mục tiêu cholesterol của mình là bao nhiêu. Nếu bạn trên 40 tuổi, có thể bạn phải sử dụng thuốc như là statin để giảm cholesterol và bảo vệ tim mạch. Một vài bệnh nhân có mức LDL-cholesterol (cholesterol ‘xấu’) ở mức rất cao có thể phải sử dụng thuốc ở độ tuổi trẻ hơn.

  • S là ngừng hút thuốc

Ngừng hút thuốc đặc biệt quan trọng ở bệnh nhân đái tháo đường. Nếu bạn ngừng hút thuốc, bạn sẽ nhận được những lợi ích sau:

  • Giảm được nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bệnh lý thần kinh, bệnh lý thận, bệnh lý mắt và cắt cụt chi.
  • Đường máu, huyết áp, mức cholesterol máu có thể sẽ được cải thiện.
  • Tuần hoàn máu sẽ được cải thiện.
  • Bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để hoạt động thể lực.

3.2 Tăng cường hơn nữa hoặc duy trì lối sống khỏe mạnh

Điều này có thể giúp tăng cường hiệu quả điều trị đái tháo đường và bảo vệ tim mạch:

  • Có một chế độ ăn khỏe mạnh
  • Hoạt động thể lực hàng ngày
  • Cố gắng đạt được và giữ cân nặng ở mức khỏe mạnh
  • Ngủ đủ giấc

Duy trì tập thể dục để có trái tim khỏe mạnh
Duy trì tập thể dục để có trái tim khỏe mạnh

3.3 Học cách kiểm soát căng thẳng

Điều trị đái tháo đường không bao giờ là dễ dàng. Bệnh nhân đái tháo đường thường xuất hiện các cảm giác căng thẳng, buồn rầu, nóng giận thường xuyên hơn những người không mắc đái tháo đường. Căng thẳng kéo dài sẽ càng làm tăng đường máu và huyết áp. Tuy nhiên bạn có thể học cách làm giảm căng thẳng bằng cách: cố gắng thở sâu, đi bộ, làm vườn, tập yoga, làm một việc bạn thích, hoặc nghe một bản nhạc yêu thích.

3.4 Dùng thuốc để bảo vệ tim mạch

Thuốc là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị của bạn. Thuốc có thể giúp bạn:

  • Đạt được mục tiêu A1c (đường máu), huyết áp và cholesterol máu.
  • Giảm nguy cơ tắc mạch, nhồi máu cơ tim, hoặc đột quỵ

Hãy hỏi bác sĩ điều trị của mình xem liệu mình có phải dùng aspirin hay không. Aspirin là một thuốc cực kỳ quan trọng để dự phòng tắc mạch ở những bệnh nhân đái tháo đường đã từng có tiền sử bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên có một vài bệnh nhân có chống chỉ định sử dụng aspirin.

Statin có thể giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ ở một số bệnh nhân đái tháo đường. Statin là một loại thuốc thường được sử dụng để điều trị mỡ máu.

Hãy trao đổi với bác sĩ của mình nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc gì về thuốc. Trước khi bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới, hãy hỏi bác sĩ về các tác dụng phụ có thể gặp và làm cách nào để phòng tránh nó. Nếu tác dụng phụ của thuốc gây cho bạn phiền toái, hãy thông báo ngay cho bác sĩ, đừng tự ý ngừng thuốc.

Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn có những dấu hiệu cảnh báo sau của nhồi máu cơ tim:

  • Đau hoặc cảm giác nặng ngực kéo dài hơn vài phút hoặc có thể mất đi và lại quay trở lại.
  • Đau hoặc cảm giác không thoải mái ở một hoặc cả hai bên cánh tay, hoặc vai, lưng, cổ, cằm.
  • Hơi thở ngắn.
  • Vã mồ hôi hoặc đau đầu nhẹ.
  • Buồn nôn hoặc không tiêu hóa được (cảm giác khó chịu ở vùng dạ dày).
  • Cảm giác rất mệt.

Các dấu hiệu cảnh báo có thể khác nhau ở những người khác nhau. Bạn có thể có một dấu hiệu hoặc có thể có tất cả các dấu hiệu.

Đau ngực là triệu chứng rất quan trọng. Tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng có triệu chứng đau ngực điển hình, đặc biệt những bệnh nhân có tổn thương hệ thống thần kinh báo động do đái tháo đường thì nhiều khi lại không có bất kỳ biểu hiện đau ngực nào. Ở phụ nữ thỉnh thoảng có buồn nôn và nôn, cảm giác rất mệt (có thể trong vài ngày), kèm theo đau lưng, vai, hàm mà không có bất kỳ biểu hiện đau ngực nào.

Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn có những dấu hiệu cảnh báo sau của đột quỵ:

  • Yếu hoặc tê ở mặt, tay hoặc chân cùng bên
  • Lẫn lộn, hoặc gặp khó khăn khi nói hoặc khi hiểu
  • Chóng mặt, mất thăng bằng, hoặc khó đi lại
  • Khó nhìn ở một hoặc cả hai bên mắt
  • Đau đầu đột ngột dữ dội
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe