Sỏi thận được xem là nguyên nhân chính gây suy thận. Những người bệnh sỏi thận nếu không có phác đồ điều trị đúng và dứt điểm thì sẽ dễ dẫn đến biến chứng suy thận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
1. Mối liên hệ giữa sỏi thận và suy thận
Sỏi thận nói riêng và sỏi đường tiết niệu nói chung là tình trạng các khoáng chất bị lắng đọng lại ở thận và đường tiết niệu do lượng nước đào thải đi qua ít, gây ra sỏi. Trong trường hợp sỏi nhỏ và chỉ ở bể thận thì nó không có biểu hiện gì hoặc có thể được đào thải ra bên ngoài theo đường tiểu và không gây biến chứng nguy hiểm nào. Tuy nhiên, nếu trường hợp sỏi lớn, khi di chuyển, các viên sỏi sẽ tiếp xúc, cọ xát với đường niệu và gây ra các cơn đau.
Khi sỏi thận cọ xát và/hoặc gây tắc nghẽn niệu quản, sẽ khiến cho niêm mạc dễ bị phù nề hơn, tạo điều kiện để vi khuẩn có cơ hội xâm nhập và gây ra viêm nhiễm. Tình trạng này nếu để lâu có thể khiến đường tiểu bị xơ hóa và chức năng thận bị suy giảm, hay nói cách khác là gây suy thận, nếu nặng có thể dẫn đến suy thận mãn tính.
Dưới đây là một số nguy cơ do sỏi thận gây viêm nhiễm các cơ quan trong hệ tiết niệu và dẫn đến suy thận:
- Viêm bể thận, đường tiết niệu cấp tính: Sỏi di chuyển và cọ xát, làm niêm mạc ống thận bị tổn thương và gây nhiễm khuẩn thận cũng như đường tiết niệu. Ở mức độ viêm nhiễm cấp tính, bệnh nếu được điều trị kịp thời có thể hồi phục hoàn toàn. Ngược lại, nếu để lâu không điều trị sẽ dễ dẫn đến suy thận cấp tính.
- Viêm thận và bể thận mãn tính: Viêm bể thận cấp tính nếu tái phát nhiều lần hoặc không được điều trị sẽ dẫn đến tình trạng các tổ chức kẽ thận bị xơ hóa, gây suy giảm chức năng thận.
- Suy thận cấp tính: Khi sỏi di chuyển xuống niệu quản có thể gây tắc nghẽn hai bên niệu quản, dẫn đến tình trạng ứ nước toàn phần, và hậu quả nghiêm trọng là suy thận cấp tính.
- Suy thận mãn tính: Cuối cùng, biến chứng nguy hiểm nhất của sỏi thận là suy thận mãn tính. Do bệnh diễn biến âm thầm, viêm thận tái phát nhiều lần khiến các tổ chức thận bị xơ hóa, làm suy giảm chức năng thận. Ban đầu, bệnh chỉ ở mức độ nhẹ, tuy nhiên, bệnh không thể điều trị triệt để nguyên nhân.
2. Phòng tránh suy thận do sỏi thận
Đối với bệnh nhân sỏi thận, chế độ ăn uống cần đặc biệt lưu tâm theo chỉ dẫn của bác sĩ để phòng tránh bệnh tái phát và gây biến chứng nguy hiểm nhất là suy thận. Dưới đây là những điểm cần chú ý trong chế độ ăn uống mà bệnh nhân sỏi thận cần tuân thủ:
- Hạn chế ăn mặn: Việc tiêu thụ các thực phẩm mặn với lượng muối cao sẽ làm tăng nồng độ natri trong nước tiểu, dẫn đến việc bài tiết canxi trong nước tiểu tăng theo, từ đó gây sỏi thận.
- Hạn chế ăn ngọt: Sucrose và fructose có trong đường là nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận cũng như các bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, béo phì...
- Hạn chế ăn các loại thịt đỏ: Vì chứa nhiều sắt và protein nên khi tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ sẽ làm giảm nồng độ pH trong nước tiểu và tăng sự bài tiết canxi niệu. Bên cạnh đó, cũng làm giảm citrat niệu, là chất có tác dụng ngăn chặn việc hình thành sỏi thận.
- Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều oxalat: Sau khi tiêu thụ các loại thực có chứa oxalat, cơ thể sẽ lọc và đào thải chất này qua đường tiểu. Nếu nồng độ chất này quá cao hoặc nước tiểu có nồng độ quá đặc, oxalat sẽ kết hợp với canxi có trong nước tiểu tạo thành sỏi thận.
- Uống nhiều nước: Bệnh nhân sỏi thận cần uống đủ nước (khoảng 2 - 2.5 lít nước/ngày). Bên cạnh đó, sau khi ăn bữa sáng khoảng 1 giờ, người bệnh có thể uống 1 ly nước chanh để hỗ trợ điều trị bệnh sỏi thận.
Sỏi thận nếu không được điều trị và để kéo dài có thể gây biến chứng suy thận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
XEM THÊM: