Mối liên hệ giữa đồ ăn ngọt và bệnh trầm cảm

Tác động tiêu cực của đường đối với cơ thể, từ béo phì đến sâu răng, đều được biết rõ. Nghiên cứu y tế gần đây cũng cho thấy sự liên quan giữa việc tiêu thụ đường với các dấu hiệu trầm cảm và lo âu. Bài viết dưới đây giúp bạn hiểu hơn về mối liên hệ giữa đồ ngọt, chứng trầm cảm và các mẹo để kiểm soát hội chứng nghiện đồ ngọt của bạn.

1. Đồ ngọt ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn như thế nào?

Thức ăn có nhiều tác động đến tâm trạng và cảm xúc của con người. Khi đói và muốn ăn, bạn có thể gắt gỏng, khó chịu hoặc thậm chí tức giận. Khi bạn đã có một bữa ăn ngon, bạn có thể cảm thấy phấn chấn và vui vẻ. Thực phẩm bạn ăn cũng có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của bạn. Cụ thể, ăn quá nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ rối loạn tâm trạng, bao gồm cả trầm cảm.

Đường xuất hiện trong các loại carbohydrate phức hợp như trái cây, rau và ngũ cốc. Nó cũng có mặt trong các loại thực phẩm đơn giản, tinh chế như mì ống, bánh ngọt, bánh nướng, bánh mì, nước ngọt và kẹo. Ăn quá nhiều đường đơn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, rối loạn tâm trạng và một số vấn đề sức khỏe mãn tính.

2. Vì sao tiêu thụ nhiều đồ ngọt làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm?

Mặc dù lượng đường bổ sung có thể dẫn đến sự mất cân bằng của insulin và lượng đường trong máu, nhưng carbohydrate và đường tinh chế cũng giúp tiêu hao các vitamin B cần thiết để duy trì tâm trạng tích cực. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp với các hormone tuyến giáp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, sự trao đổi chất và tăng trưởng. Tất cả các yếu tố này đều có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của một người. Đó cũng là một trong những lý do giải thích vì sao khi bị căng thẳng lại thích ăn ngọt.

Đường là một phân tử carbohydrate, và có hai loại. Loại đầu tiên được gọi là đường đơn, và nó có trong trái cây, rau, quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt và đậu. Bởi vì những thực phẩm này chứa vitamin, protein và chất xơ, chúng làm chậm quá trình hấp thụ đường và trở thành một lựa chọn có lợi cho sức khỏe. Thứ hai là đường bổ sung, hoặc đã qua chế biến, không có giá trị dinh dưỡng. Đường bổ sung có trong bánh kẹo và nước ngọt, cùng với các loại thực phẩm và đồ uống khác. Cơ thể không hấp thụ được loại đường này nên đường đi thẳng vào hệ thống. Mặc dù các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy những người ăn nhiều đường có nhiều khả năng bị các triệu chứng trầm cảm hơn.


Loại đường đơn xuất hiện nhiều trong một số loại ngũ cốc nguyên hạt
Loại đường đơn xuất hiện nhiều trong một số loại ngũ cốc nguyên hạt

  • Dopamine và hiệu ứng glucose: Glucose, hay đường huyết, là loại carbohydrate đơn giản nhất. Nó cũng rất cần thiết cho sự tồn tại của con người. Glucose đóng vai trò là nguồn năng lượng chính cho mọi tế bào trong cơ thể, và não bộ phụ thuộc vào nó. Nguồn cung cấp glucose đều đặn giúp não hoạt động một cách cân bằng. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung có thể dẫn đến gia tăng sự cáu kỉnh và giảm mức năng lượng. Mặc dù lượng đường hấp thụ ban đầu có thể cảm thấy tích cực nhưng nó sẽ khiến lượng đường trong máu giảm xuống. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần và thể chất. Tuy nhiên, đối với một số người mắc hội chứng nghiện đồ ngọt, khi tiêu thụ đường, hệ thống dopamine trong não đáp ứng, do đó giúp cải thiện tâm trạng. Hệ thống dopamine bắt đầu hoạt động khi cảm giác thích thú đến gần. Những loại đường bổ sung không có lợi cho cơ thể theo bất kỳ cách nào. Việc hấp thụ nhiều chất này sẽ có nghĩa là những thay đổi hóa học trong cơ thể. Những điều này xảy ra để ngăn chặn sự kích thích quá mức, vì vậy cơ thể có thể thèm ăn nhiều đường hơn vào những dịp sau này để đạt được tâm trạng hưng phấn như cũ.
  • Đái tháo đường và trầm cảm: Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và trầm cảm là một ví dụ minh họa về tác động của glucose đối với bệnh trầm cảm. Theo Diabetes UK, những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc các triệu chứng trầm cảm cao gấp đôi. Ăn thường xuyên là rất quan trọng đối với một số người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ phải lựa chọn những thực phẩm giúp cân bằng lượng đường và giải phóng năng lượng từ từ.
  • Bệnh viêm hệ thống: Một trong những mối liên hệ chính giữa đường và chứng trầm cảm là chứng viêm hệ thống. Một nghiên cứu đã xem xét cụ thể các loại đường bổ sung trong chế độ ăn uống và phát hiện ra rằng tình trạng viêm nhiễm toàn thân tăng cao là một nguyên nhân sinh lý mạnh gây ra trầm cảm. Tình trạng viêm cũng liên quan đến các triệu chứng trầm cảm khác, chẳng hạn như thay đổi cảm giác thèm ăn, thiếu ngủ và mệt mỏi.

3. Nên làm gì khi bị trầm cảm?

Nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh trầm cảm, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến này có thể điều trị và kiểm soát được. Bước đầu tiên là tìm đến một chuyên gia giúp bạn lựa chọn phương án điều trị phù hợp. Bác sĩ có thể đề nghị điều trị y tế, chẳng hạn như uống thuốc theo toa. Họ cũng có thể đề nghị liệu pháp tâm lý. Tương tự như vậy, thay đổi lối sống thường được khuyến khích. Chúng có thể bao gồm ăn một chế độ ăn uống đầy đủ: trái cây, rau củ, thịt nạc, các loại ngũ cốc,...

Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên cũng được khuyến khích. Sự kết hợp của các phương pháp này cũng thường được sử dụng.


Khi xuất hiện triệu chứng trầm cảm, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn
Khi xuất hiện triệu chứng trầm cảm, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn

4. Làm sao để hạn chế chứng nghiện đồ ngọt?

Khi bạn đã sẵn sàng từ bỏ đường, hãy ghi nhớ những gợi ý hữu ích sau:

  • Cắt giảm các nguồn thực phẩm chứa nhiều đường: Đồ uống có đường, bao gồm soda, nước tăng lực. Sinh tố, nước ép trái cây cũng thường có lượng đường lớn. Hãy chọn nước lọc, nước có ga, trà không đường hoặc vắt một quả chanh vào nước để thêm vị ngọt tự nhiên.
  • Chọn món tráng miệng tốt cho sức khỏe: Các món tráng miệng làm từ ngũ cốc và sữa thường chứa nhiều đường và carbs. Thay vào đó, hãy chọn trái cây tươi, socola đen,...
  • Đọc nhãn thực phẩm: Các nhà sản xuất thực phẩm thường thêm đường vào thực phẩm mặn như súp đóng hộp và thậm chí cả bánh mì để tăng cường hương vị. Lật bất kỳ hộp, túi hoặc lọ nào bạn đang định mua. Nếu đường bổ sung vào là một trong năm thành phần đầu tiên, hãy đưa sản phẩm trở lại kệ.
  • Thử thách bản thân: Hãy loại bỏ thói quen ăn đường của bạn bằng cách thử thách bản thân và có thể cả bạn bè và người thân trong gia đình bạn với đồ ngọt. Loại bỏ tất cả các loại đường bổ sung và đường nhân tạo khỏi chế độ ăn uống của bạn trong hai tuần. Sau khoảng thời gian ngắn đó, bạn có thể thấy rằng mình đã thiết lập lại sở thích khẩu vị của mình và không còn thèm ăn quá nhiều đường mà bạn đã ăn chỉ vài tuần trước đó.

Tóm lại, ngày càng có nhiều nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ giữa đồ ngọt và chứng trầm cảm, điều quan trọng là chúng ta phải nhận thức được sự nguy hiểm của đường bổ sung với sức khỏe tâm thần. Một trong những cách dễ nhất để giảm lượng đường nạp vào là tránh uống nước ngọt và không thêm đường vào trà hoặc cà phê. Đồ uống nói chung là nguồn cung cấp đường nhiều nhất cho bất kỳ chế độ ăn kiêng nào.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com, medicalnewstoday.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe