Mổ nội soi gỡ dính, thông tắc vòi trứng

Thông tắc vòi trứng là phương pháp thường được chỉ định trong trường hợp người phụ nữ bị tắc ống dẫn trứng làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, tăng nguy cơ vô sinh ở phụ nữ. Vậy thì, người bệnh cần lưu ý những vấn đề gì trước khi thực hiện phương pháp gỡ dính, thông tắc vòi trứng?

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BS Đoàn Văn Nam - Bác sĩ Sản phụ tại khoa Phụ thuộc Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ - Bệnh viện Đa khoa Quốc Tế Vinmec Times City.

1. Tắc vòi trứng là gì?

Tắc vòi trứng, còn được gọi là tắc ống dẫn trứng, là một trong những nguyên nhân dẫn đến các trường hợp vô sinh ở phụ nữ.  

Đây là tình trạng chít hẹp ống dẫn trứng, ngăn cản trứng gặp tinh trùng để thụ thai. Trong trường hợp đã thụ tinh, phôi cũng không thể đến làm tổ trong buồng tử cung, gây ra tình trạng có thai ngoài tử cung rất nguy hiểm.

2. Nguyên nhân gây tắc 2 vòi trứng

Vòi trứng là nơi trứng và tinh trùng gặp nhau khi thụ tinh. Sau khi thụ tinh xảy ra, hợp tử (kết hợp của trứng và tinh trùng) sẽ được vận chuyển bên trong vòi trứng bằng các lông chuyển của tế bào niêm mạc vòi (thường mất khoảng 3-4 ngày) để đến buồng tử cung và phát triển thành thai nhi.

Tuy nhiên, nếu vòi trứng bị tắc, quá trình này sẽ bị gián đoạn và có thể gây vô sinh cho phụ nữ. Một trong những phương pháp điều trị tắc vòi trứng là mổ nội soi thông tắc vòi trứng. Có một số nguyên nhân gây tắc vòi dẫn trứng bao gồm:

  • Tiền sử nhiễm khuẩn vùng chậu, vỡ ruột thừa, hoặc phẫu thuật ổ bụng.
  • Bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu, nhiễm vi khuẩn Chlamydia, v.v.
  • Lạc nội mạc tử cung: Đây là tình trạng mô nội mạc tử cung phát triển ở các bộ phận khác ngoài tử cung, như buồng trứng hoặc ống dẫn trứng.
  • Tắc ống dẫn trứng bẩm sinh: Ống dẫn trứng bị chít hẹp hoặc phát triển không đúng cách từ khi thai nhi sinh ra, ống dẫn trứng có thể bị thiếu hụt một phần hoặc toàn bộ.  

Trong hầu hết các trường hợp tắc ống dẫn trứng, những nguyên nhân trên sẽ dẫn đến sự hình thành sẹo và tắc ống dẫn trứng. Những phụ nữ có tiền sử các bệnh như trên thường là nhóm có nguy cơ mắc phải tình trạng tắc ống dẫn trứng.

3. Khi nào cần mổ thông tắc vòi trứng?

Để chẩn đoán thông tắc vòi trứng và quyết định phương pháp điều trị thích hợp, bệnh nhân sẽ được thực hiện chụp hình tử cung - vòi trứng với sự hỗ trợ chất cản quang. Kết quả từ quá trình này sẽ cho biết bệnh nhân có tắc vòi trứng hay không.  

Tuy nhiên, cũng có trường hợp kết quả dương tính giả, bệnh nhân được chẩn đoán tắc vòi trứng nhưng thực sự không tắc. Nguyên nhân của kết quả dương tính giả thường xuất phát từ sự co thắt tự nhiên của cơ thể trong quá trình tiêm thuốc cản quang.

Mổ nội soi là một phương pháp phẫu thuật giúp bác sĩ quan sát tử cung, buồng tử cung và phần tai vòi trứng một cách toàn diện và chính xác, thường được sử dụng cho mục đích cả chẩn đoán và điều trị. Khi tình trạng tắc vòi trứng đã được xác định, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ tổn thương của bệnh nhân.  

Nếu tổn thương nhẹ, tai vòi trứng ít bị dính, bác sĩ có thể thực hiện việc tái tạo vòi trứng và kiểm tra khả năng thông vòi. Trong trường hợp tổn thương nặng, ứ dịch nhiều dẫn đến vòi mất chức năng, bác sĩ có thể khuyến nghị tiến hành kẹp đốt hoặc cắt đứt cả hai tai vòi để giảm nguy cơ thai ngoài tử cung cũng như tạo thuận lợi cho quá trình thụ tinh trong ống nghiệm.

Trong quá trình mổ nội soi, tử cung sẽ được đánh giá về kích thước, tình trạng bên trong, có vách ngăn hoặc viêm dính hay không, nhằm xác định các yếu tố có thể gây ra vô sinh, sảy thai hoặc sinh non. Tương tự, hai bên buồng trứng cũng sẽ được đánh giá về kích thước, có khối u hay phóng noãn hay không.

Thường thì, mổ thông tắc vòi trứng được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Khi có tắc vòi trứng được phát hiện qua các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp Xquang tử cung - vòi trứng...;
  • Khi bệnh nhân có yêu cầu, muốn nối vòi trứng sau khi triệt sản. 
Mổ thông tắc vòi trứng thường được chỉ định khi có tình trạng tắc nghẽn vòi trứng
Mổ thông tắc vòi trứng thường được chỉ định khi có tình trạng tắc nghẽn vòi trứng

4. Phẫu thuật nội soi điều trị tắc dính vòi trứng

Quá trình mổ nội soi điều trị tắc dính vòi trứng được thực hiện như thế nào sẽ tùy theo vị trí và mức độ tắc nghẽn của vòi trứng, cũng như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.  

Trước khi thực hiện ca phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được đánh giá tổng quát để đảm bảo sức khỏe đủ tốt, giảm thiểu nguy cơ tai biến và biến chứng. Dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ tư vấn và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Hiện nay, có hai phương pháp phẫu thuật nội soi được áp dụng cho tắc dính vòi trứng như sau:

  • Phẫu thuật nội soi thông tắc vòi trứng, ống dẫn trứng: Thường được thực hiện cho trường hợp tắc đoạn xa (chiếm khoảng 10 - 25% các trường hợp về ống dẫn trứng). Bác sĩ sẽ dùng nội soi để xác định vị trí tắc và nguyên nhân gây tắc, sau đó sẽ dùng các biện pháp thích hợp để mở thông vòi trứng. Tỷ lệ thành công của phương pháp này có thể lên đến 85%.
  • Phẫu thuật nội soi gỡ dính vòi trứng, ống dẫn trứng: Dành cho trường hợp ống dẫn trứng bị dính do viêm nhiễm, dẫn đến nguy cơ có thai ngoài tử cung. Bệnh nhân cần phải thực hiện phẫu thuật để cắt, gỡ dính vòi trứng, ống dẫn trứng, nhằm đảm bảo tinh trùng và trứng di chuyển bình thường mà không bị trở ngại. 
Hiện nay có 2 phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị tắc dính vòi trứng.
Hiện nay có 2 phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị tắc dính vòi trứng.

5. Lưu ý cho bệnh nhân mổ nội soi vòi trứng

Khác với mổ hở, việc thực hiện mổ nội soi thông tắc vòi trứng thường không đòi hỏi bệnh nhân phải nằm viện trong thời gian dài. Thông thường, thời gian phục hồi để xuất viện sau mổ nội soi là vài ngày hoặc chậm nhất là vài tuần, sau đó bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt bình thường. 

Mổ nội soi thông tắc vòi trứng thường không đòi hỏi bệnh nhân phải nằm viện trong thời gian dài.
Mổ nội soi thông tắc vòi trứng thường không đòi hỏi bệnh nhân phải nằm viện trong thời gian dài.

Một trong những điều quan trọng mà phụ nữ quan tâm khi thực hiện phẫu thuật nội soi để gỡ dính, thông tắc vòi trứng là tỷ lệ thành công và nguy cơ biến chứng. Để tăng cường hiệu quả điều trị và giảm nguy cơ biến chứng, bệnh nhân cần:

  • Lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ sản phụ khoa giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị ngoại khoa.
  • Giữ tinh thần luôn thoải mái, lạc quan, và hạn chế căng thẳng để không ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều trị.
  • Sau khi thực hiện mổ nội soi thông tắc vòi trứng, bệnh nhân cần thư giãn và tập trung vào việc nghỉ ngơi trong vòng ba tháng, tránh lo lắng tiêu cực vì dễ ảnh hưởng đến hoạt động của buồng trứng.  
  • Nếu sau khi để tự nhiên trong vòng 3 tháng mà vẫn không có thai, người bệnh có thể đến gặp bác sĩ phẫu thuật cho mình hoặc các khoa vô sinh hiếm muộn để tìm kiếm tư vấn về các phương án điều trị trong tương lai.
  • Nếu tình trạng dính tắc vòi trứng nặng, bệnh nhân có thể cần phải thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm để tăng cơ hội thụ thai.

Phụ nữ được chẩn đoán mắc tắc dính vòi trứng cần thăm khám và bắt đầu điều trị sớm. Với nữ giới, khả năng thụ thai tự nhiên sẽ giảm dần theo tuổi, do đó việc khám và điều trị kịp thời là cực kỳ quan trọng.  

Bệnh nhân tắc vòi trứng cũng có thể tìm đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị. Vinmec có đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật, trình độ chuyên môn cao để điều trị tắc vòi trứng một cách hiệu quả, bao gồm cả phẫu thuật nội soi nhằm gỡ dính, thông tắc vòi trứng. Tại đây, đội ngũ bác sĩ chuyên môn Sản phụ khoa được đào tạo chuyên sâu, giàu kinh nghiệm, trang thiết bị y tế tiên tiến, dịch vụ chuyên nghiệp, đem lại hiệu quả cao nhất cho quá trình điều trị của bệnh nhân. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe