Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Cử nhân Trần Huệ Trân - Chuyên Viên IVF - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Hiện nay, mổ nội soi ngày càng đóng vai trò quan trọng trong điều trị tắc vòi tử cung. Phương pháp này nhằm chẩn đoán chính xác vòi tử cung bị tắc thực sự hay không, và phẫu thuật điều trị, tái tạo loa vòi với những trường hợp ứ dịch vòi tử cung, dính. Hiện tại, đây là phương pháp đang mang lại hiệu quả cao, an toàn, chi phí chấp nhận được và có khả năng áp dụng rộng rãi.
1. Đối tượng cần khám tắc vòi tử cung
Tất cả các đối tượng có tiền sử viêm nhiễm đường sinh dục, nạo hút thai, đặt dụng cụ tử cung cần đi khám sức khỏe sinh sản để xác định rõ nguyên nhân và điều trị sớm vô sinh để đạt hiệu quả cao nhất.
Xét nghiệm được chỉ định là X-quang tử cung — vòi tử cung có bơm thuốc cản quang (chụp HSG - hysterosalpingography). Mục đích là để thăm dò buồng tử cung và mức độ lưu thông của vòi tử cung. Nếu người bệnh được xác định tắc vòi tử cung thì cần được phẫu thuật nội soi ổ bụng chẩn đoán và can thiệp.
2. Đối tượng được chỉ định mổ nội soi điều trị tắc vòi tử cung
Phẫu thuật nội soi vòi tử cung được chỉ định trong các trường hợp:
- Vô sinh do tắc vòi tử cung ở một hoặc hai bên
- Vô sinh không xác định rõ nguyên nhân
- Cắt vòi tử cung trước thụ tinh trong ống nghiệm trong trường hợp vòi tử cung giãn có ứ nước
Đối với những bệnh nhân tắc vòi tử cung, kết hợp với dính phức tạp vào khung chậu, ruột nghiêm trọng sẽ được nội soi ổ bụng chẩn đoán trước và không xử trí được. Ngoài ra, những người có tình trạng sức khỏe không đáp ứng được ca phẫu thuật cũng không được áp dụng phương pháp điều trị này.
3. Cách điều trị tắc vòi tử cung
Bước 1: Soi buồng tử cung chẩn đoán
- Đặt mỏ vịt để bộc lộ âm đạo, cổ tử cung
- Kẹp cổ tử cung cố định
- Nong cổ tử cung trong trường hợp cần thiết
- Đưa ống soi buồng tử cung qua cổ tử cung
- Bơm nước muối sinh lý làm căng phồng buồng tử cung rồi đưa ống soi vào buồng tử cung khảo sát từ ống cổ tử cung đến buồng tử cung, niêm mạc tử cung, 2 vòi tử cung xem xét các tổn thương (polyp, dính, ung thư, v.v) và xử trí theo tổn thương (nội soi buồng tử cung phẫu thuật hay nạo sinh thiết niêm mạc tử cung).
- Đặt cần bơm thuốc qua cổ tử cung
Bước 2: Nội soi ổ bụng
- Bơm hơi ổ phúc mạc qua kim hoặc qua trocar
- Đưa đèn soi vào ổ bụng
- Đánh giá toàn bộ vùng bụng, gan và tiểu khung (tử cung, 2 buồng trứng, 2 vòi tử cung, v.v)
- Chọc hai trocar 5 hai bên hố chậu để thao tác, chọc thêm trocar 5 trên khớp vệ trong trường hợp khó quan sát
- Bơm xanh methylen qua cổ tử cung và đánh giá mức độ thông qua vòi tử cung. Nếu hai vòi thông, mềm mại thì kết thúc phẫu thuật. nếu hai vòi ứ dịch, tắc vòi thì tiến hành can thiệp
- Gỡ dính vòi tử cung và xung quanh tử cung, buồng trứng, túi cùng Douglas
- Mở thông và tạo hình loa vòi tử cung
- Bơm xanh methylen qua cổ tử cung và đánh giá lại mức độ thông qua vòi tử cung sau phẫu thuật
- Trong trường hợp ứ dich hai vòi tử cung, hai vòi không còn chức năng thì thảo luận với bệnh nhân trước đó và người nhà cắt tai vòi, để lại hai buồng trứng
- Tiến hành cầm máu bằng dao điện
- Rửa sạch ổ bụng, tháo khí CO2 và rút trocar khỏi ổ bụng và khâu lại lỗ chọc trocar
- Tháo mỏ vịt và cần bơm
- Sát trùng lại cổ tử cung và âm đạo.
4. Tai biến sau mổ nội soi điều trị tắc vòi tử cung
Một số tai biến có thể xảy ra với bệnh nhân phẫu thuật nội soi điều trị tắc vòi tử cung bao gồm:
- Thủng tử cung
- Tổn thương các mạch máu, hệ tiết niệu, hệ tiêu hóa trong quá trình phẫu thuật
- Nhiễm trùng vết mổ do không đảm bảo vô khuẩn về dụng cụ và các bước tiến hành phẫu thuật
- Tai biến gây mê trong phẫu thuật
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.