Methemoglobin là một dạng hemoglobin đã bị oxy hoá, thay đổi cấu hình sắt heme dẫn tới không thể liên kết oxy cũng như không thể cung cấp oxy đến các mô. Cuối cùng người bệnh sẽ tím tái và suy hô hấp, thậm chí tử vong. Vậy bệnh Methemoglobin máu là gì?
1. Methemoglobin là gì?
Methemoglobin là một dạng hemoglobin (protein trong các tế bào hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển và phân phối oxy trong cơ thể). Tuy nhiên khác với hemoglobin, methemoglobin có thể mang oxy theo dòng máu nhưng không thể giải phóng oxy một cách hiệu quả đến các tế bào trong cơ thể.
2. Bệnh Methemoglobin là gì?
Methemoglobin huyết là tình trạng rối loạn máu, trong đó oxi được chuyển đến các tế bào rất ít và lượng methemoglobin bất thường được sản xuất. Trong đó methemoglobin là một dạng hemoglobin đã bị oxy hoá, thay đổi cấu hình sắt heme từ trạng thái Fe 2+ sang trạng thái Fe 3+. Không giống như hemoglobin bình thường, methemoglobin không liên kết oxy và kết quả là không thể cung cấp oxy đến các mô. Thông thường trong cơ thể sẽ có hệ thống men khử Fe 3+ thành Fe 2+, tức chuyển methemoglobin thành hemoglobin bình thường, nên giữ mức nồng độ MetHb trong hồng cầu dưới 1%. Do đó, khi bệnh nhân tiếp xúc nhiều với các chất oxi hoá, vượt quá khả năng khử của cơ thể, dẫn đến tăng Methemoglobin máu, làm thiếu oxy ở các mô và da bệnh nhân trở nên xanh tím.
Methemoglobin huyết có thể bẩm sinh hoặc mắc phải:
- Đối với các trường hợp methemoglobin huyết bẩm sinh thường không có triệu chứng nào ngoại trừ xanh tím, nhưng có thể có các bệnh lý nghiêm trọng khác. Nguyên nhân phổ biến là do thiếu hụt men cytochrome b5 reductase (Cyb5R) gây ra bởi các biến thể gây bệnh sinh học trong gen CYB5R3
- Methemoglobin huyết mắc phải có thể nghiêm trọng hơn hoặc thậm chí tử vong, tuỳ thuộc vào tỷ lệ methemoglobin máu. Nguyên nhân chủ yếu do các chất ngoại sinh khác nhau gây ra. Chúng có thể bao gồm dùng thuốc quá liều hoặc ngộ độc trong một số trường hợp, nhưng tán huyết có thể xảy ra khi dùng thuốc ở liều tiêu chuẩn. Các loại thuốc liên quan phổ biến nhất bao gồm các chất gây tê tại chỗ (như benzocaine, lidocaine prilocaine)
3. Nguyên nhân gây ra bệnh Methemoglobin huyết
Nguyên nhân di truyền gây ra bệnh Methemoglobin huyết di truyền gồm 3 nguyên nhân:
- Phần lớn là do ảnh hưởng bị thiếu enzyme cytochrome b5 reductase do các biến thể gây bệnh trong gen CYB5R3
- Ít phổ biến hơn có thể do bệnh hemoglobin M, do biến thể gây bệnh ảnh hưởng đến một trong các gen globin
- Hiếm gặp nhất là sự thiếu hụt cytochrome b5 (chất nhận điện tử)
Nguyên nhân mắc phải gây ra bệnh methemoglobin huyết gồm:
- Tăng hình thành Methemoglobin do các chất ngoại sinh gồm dùng thuốc quá liều hoặc ngộ độc hoặc thậm chí tán huyết xảy ra ở liều tiêu chuẩn
- Các loại thuốc gây tê tại chỗ thường là tác nhân: benzocaine, lidocaine, prilocaine). Những tác nhân này thường được thêm vào heroin, cocaine và các loại “ma tuý đường phố” khác và có thể là nguyên nhân gây ra bệnh methemoglobin huyết mắc phải không giải thích được
- Dapsone (thuốc điều trị các tình trạng mụn trứng cá, viêm da, nhiễm nấm phổi) là nguyên nhân phổ biến của methemoglobin huyết mắc phải
- Một số thuốc chống sốt rét bao gồm chloroquine, primaquine và diaminodiphenylsulfone đã được gắn liền với sự phát triển của methemoglobin ở những người dùng thuốc lần đầu
- Oxit nitric dạng hít (NO)- NO dạng hít được sử dụng làm thuốc giãn mạch phổi để điều trị tăng áp động mạch phổi cũng có thể là tác nhân gây ra methemoglobin hình thành trong quá trình gắn và giải phóng NO từ hemoglobin
- Lượng nitrat và nitrit ăn vào cao cũng có liên quan đến chứng methemoglobin huyết. Nitrat không trực tiếp oxy hóa hemoglobin, nhưng vi khuẩn đường ruột có thể chuyển hóa nitrat thành nitrit, có thể oxy hóa hemoglobin thành methemoglobin.
- Bệnh nhân có thể ngộ độc nitrit từ: nước giếng ô nhiễm, rau củ (cà rốt, củ cải đường, nước ép củ cải), nấm có chứa gyromitrin, các thực phẩm sấy khô đông lạnh sử dụng nitrit làm chất bảo quản, chất chống đông
- Thuốc nhuộm anilin, thuốc trừ sâu và các hoá chất khác cũng có thể gây ra Methemoglobin huyết.
4. Các biểu hiện của bệnh Methemoglobin huyết
Các biểu hiện lâm sàng của methemoglobin huyết bẩm sinh
- Phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ em là tím tái (máu xanh lam của da và niêm mạc) do methemoglobin huyết mãn tính. Chứng xanh tím thường quan sát được chỉ khi nồng độ tuyệt đối của methemoglobin vượt quá 1,5 g/dL, tương đương 8-12% methemoglobin ở nồng độ hemoglobin bình thường.
- Trường hợp thiếu hụt Cyb5R loại I (chỉ ở hồng cầu): lâm sàng điển hình là một đứa trẻ tím tái, có thể khó thở. Tuy nhiên loại này có tổng trạng tương đối tốt, tuổi thọ bình thường và không có nguy cơ gia tăng khi mang thai.
- Trường hợp thiếu hụt Cyb5R loại II (ở tất cả các tế bào): lâm sàng biểu hiện như bệnh nặng với các bất thường về thần kinh và phát triển như tật đầu nhỏ, động mạch, lác, suy giảm nhận thức, chậm phát triển, co giật, liệt tứ chi, tuổi thọ bị rút ngắn đáng kể.
Biểu hiện lâm sàng của methemoglobin huyết mắc phải/ nhiễm độc
- Cần nghi ngờ và đánh giá lâm sàng kịp thời tình trạng Methemoglobin mắc phải, vì tình trạng này tuy khá hiếm gặp nhưng có khả năng đe doạ tính mạng.
- Biểu hiện điển hình là sự tiến triển đột ngột của các triệu chứng thiếu oxy (oxy mô thấp) khi tiếp xúc với các chất oxy hoá gây ra tình trạng methemoglobin. Ngược lại với tình trạng thiếu oxy mô, tình trạng suy giảm oxy máu có thể không có.
- Các triệu chứng có thể từ tím tái nhẹ, khó thở hoặc các triệu chứng không đặc hiệu như nhức đầu, choáng váng, mệt mỏi, khó chịu, hôn mê cho đến sốc, suy hô hấp nặng, suy giảm thần kinh do thiếu oxy mô, cuối cùng là tử vong.
- Trong một số trường hợp, độc tính có thể trở nên trầm trọng hơn do các bệnh đã có từ trước như thiếu máu, bệnh tim, phổi hoặc thiếu hụt men G6PD cùng tồn tại và sau cùng là tan máu.
5. Xử trí Methemoglobin huyết như thế nào?
Việc làm đầu tiên cần thiết khi phát hiện bệnh nhân Methemoglobin huyết là khử ngay Methemoglobin bằng:
- Xanh methylen giúp kích thích hệ thống men khử reductase II: tiêm tĩnh mạch hoặc truyền nhỏ giọt tĩnh mạch 10ml xanh metylen trong 500ml glucose 5% trong 1 giờ và thêm lại nếu cần. Tuy nhiên, xanh methylen không có tác dụng nếu bệnh nhân thiếu G6PD hoặc trẻ nhỏ (hệ thống G6PD chưa hoàn chỉnh).
- Có thể dùng vitamin C 1g tiêm tĩnh mạch 2-4 giờ một lần. Vitamin C có chỉ định tốt trong trường hợp trẻ em, ngộ độc trung bình.
- Trường hợp nặng phải kết hợp thay máu và oxy cao áp.
Chống tan máu:
- Truyền máu nhiều lần hoặc thay máu
- Nếu tăng áp lực nội sọ máu gây vô niệu phải lọc màng bụng hoặc chạy thận nhân tạo
6. Phòng ngừa methemoglobin huyết như thế nào?
Để phòng ngừa bệnh methemoglobin huyết cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Đối với trẻ sơ sinh và trẻ em sử dụng nước giếng, nước cần phải được kiểm tra để đảm bảo mức nitrat và nitrit thấp.
- Tránh sử dụng các loại thuốc bao gồm các chất gây tê tại chỗ (benzocaine, lidocaine, prilocaine,...), dapsone, thuốc chống sốt, thuốc gây mê tại chỗ, NO dạng hít,... khi sử dụng cần theo dõi triệu chứng biểu hiện bệnh để kịp thời xử trí.
- Tránh sử dụng nước uống, rau củ, thức ăn có chứa Nitrat và nitrit cao.
- Quản lý thai nghén tốt, sàng lọc bất thường bẩm sinh.
- Tư vấn di truyền cho các cặp vợ chồng có tiền sử gia đình mắc bệnh và đang muốn có con.
Trên đây là những thông tin quan trọng về Methemoglobin là gì, người bệnh có thể tìm hiểu thêm để rõ hơn về tình trạng bệnh lý. Tốt nhất khi có dấu hiệu mắc bệnh cần tới bệnh viện để được thăm khám và bác sĩ điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.