Bài viết của Tiến sĩ Đào Thị Mai Lan - Chuyên viên Y tế - Công nghệ gen - Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec
Mang thai có được uống cafe không là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Thực tế, đã có rất nhiều nghiên cứu được chứng minh mẹ bầu uống cafe sẽ sinh con nhẹ cân và làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác.
Theo một nghiên cứu tại Viện Sức khoẻ Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), những phụ nữ mang thai tiêu thụ lượng caffeine tương đương với nửa ly cà phê mỗi ngày sẽ sinh con nhẹ cân hơn một chút so với những phụ nữ mang thai không tiêu thụ đồ uống có chứa caffeine. Các nhà nghiên cứu nhận thấy sự giảm chiều dài và cân nặng cơ thể tương ứng đối với trẻ sơ sinh có mẹ tiêu thụ dưới 200 miligam caffeine mỗi ngày (khoảng hai tách cà phê). Kích thước khi sinh nhỏ hơn có thể khiến trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, tim mạch và tiểu đường cao hơn khi lớn lên.
Nghiên cứu bởi bác sĩ, tiến sỹ Katherine L. Grantz, thuộc Bộ phận Nghiên cứu Sức khỏe Dân số Nội bộ tại Viện Sức khỏe Trẻ em và Phát triển Con người Quốc gia NIH’s Eunice Kennedy Shriver đăng trên tạp chí JAMA Network Open.
Tiến sĩ Grantz nói: “kết quả của chúng tôi cho thấy phụ nữ mang thai có thể cần thận trọng, hạn chế hoặc loại bỏ đồ uống có chứa caffeine trong thai kỳ. Phụ nữ cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tiêu thụ caffeine trong thai kỳ”.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ nhiều caffeine (hơn 200 miligam caffeine mỗi ngày) trong thời kỳ mang thai với khả năng thai nhỏ so với tuổi thai hoặc có nguy cơ hạn chế tăng trưởng trong tử cung. Tuy nhiên, các nghiên cứu về việc tiêu thụ caffeine hàng ngày ở mức vừa phải (≤200 miligam) trong thời kỳ mang thai cho kết quả khác nhau. Một số nghiên cứu đã cho thấy nguy cơ gia tăng tương tự đối với trẻ sơ sinh nhẹ cân và các kết quả sinh đẻ kém khác, trong khi có những nghiên cứu khác không tìm thấy mối liên hệ nào. Các tác giả trong nghiên cứu này lưu ý rằng nhiều nghiên cứu trước đó không tính đến các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến chiều dài và cân nặng của trẻ sơ sinh, chẳng hạn như sự thay đổi về hàm lượng caffeine trong các loại đồ uống khác nhau và việc bà mẹ hút thuốc khi mang thai.
Trong nghiên cứu này, các tác giả đã phân tích dữ liệu của hơn 2.000 phụ nữ đa dạng về chủng tộc và sắc tộc tại 12 cơ sở khám bệnh với phụ nữ mang thai từ 8 đến 13 tuần của thai kỳ. Những phụ nữ mang thai không hút thuốc và không có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào trước khi mang thai. Từ tuần 10 đến 13 của thai kỳ, họ được lấy mẫu máu sau đó được phân tích hàm lượng caffeine và paraxanthine-một hợp chất được tạo ra khi caffeine bị phân hủy trong cơ thể. Những người phụ nữ cũng cho biết họ tiêu thụ đồ uống có chứa caffeine hàng ngày (cà phê, trà, soda và nước tăng lực) trong tuần qua một lần khi họ đăng ký và định kỳ trong suốt thai kỳ.
So với những trẻ sinh ra từ những phụ nữ không có hoặc không có nồng độ caffeine trong máu tối thiểu, trẻ sinh ra từ những phụ nữ có nồng độ caffeine trong máu cao nhất lúc mới sinh nhẹ hơn trung bình 84 gram, chiều dài ngắn hơn 0.44 cm và có chu vi vòng đầu nhỏ hơn 0,28 cm.
Dựa trên ước tính của riêng phụ nữ về đồ uống mà họ đã uống, những phụ nữ tiêu thụ khoảng 50 miligam cafein mỗi ngày (tương đương với nửa tách cà phê) có trẻ sơ sinh nhẹ hơn 66 gam so với trẻ sinh ra từ những người không sử dụng caffein. Tương tự, trẻ sơ sinh được sinh ra từ những người tiêu thụ caffeine cũng có vòng đùi nhỏ hơn 0,32 cm.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng caffeine được cho là nguyên nhân khiến các mạch máu trong tử cung và nhau thai co lại, có thể làm giảm lượng máu cung cấp cho thai nhi và ức chế sự phát triển. Tương tự, các nhà nghiên cứu tin rằng caffeine có khả năng phá vỡ các hormone gây căng thẳng của thai nhi, khiến trẻ sơ sinh có nguy cơ tăng cân nhanh sau khi sinh và mắc bệnh béo phì, tim mạch và tiểu đường sau này.
Các tác giả kết luận rằng phát hiện của họ cho thấy rằng ngay cả việc tiêu thụ caffeine vừa phải cũng có thể liên quan đến việc giảm sự phát triển của thai nhi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo:
Gleason, JL et al. Maternal caffeine consumption and metabolism and neonatal anthropometry in the NICHD Fetal Growth Studies. JAMA Network Open. 2021. doi:10.1001/jamanetworkopen.2021.3238