Máu tụ dưới màng cứng và những biến chứng nguy hiểm

Hiện tượng máu tụ dưới màng cứng là khi có khối máu đông tụ lại dưới lớp màng cứng. Khối máu tụ dưới màng cứng quá lớn sẽ làm tăng áp lực nội sọ, gây chèn ép, làm tổn thương não nặng nề và có nguy cơ dẫn đến tử vong.

1. Tổng quát về hiện tượng máu tụ dưới màng cứng

1.1. Tìm hiểu về màng não và khoang dưới màng cứng

Màng não được hiểu là lớp màng lót để bảo vệ não, bao bọc toàn bộ não trong hộp sọ và bao quanh toàn bộ tuỷ sống trong ống sống.

Màng não gồm có 3 lớp:

  • Lớp trong cùng gần nhất với não và tuỷ sống được gọi là màng mềm.
  • Lớp giữa là màng nhện
  • Lớp ngoài cùng nằm sát với xương sọ/tuỷ sống là màng cứng.

Giữa các lớp màng não sẽ có 3 khoang giữa bao gồm:

  • Khoang ngoài màng cứng: đây là khoang giữa hộp sọ và màng cứng, trong sọ não đây được coi là khoang ảo, khoang màng cứng chỉ xuất hiện khi có bệnh lý.
  • Khoang dưới màng cứng: là khoang giữa màng nhện và màng cứng.
  • Khoang dưới màng nhện: là khoang giữa màng mềm và màng nhện.

1.2. Định nghĩa hiện tượng tụ máu dưới màng cứng

Máu tụ dưới màng cứng là khối máu tụ được hình thành ở trong khoang dưới màng cứng. Hiện tượng tụ máu dưới màng cứng xuất hiện khi có chấn thương ở đầu. Việc chấn thương ở đầu làm tổn thương và chảy máu từ 1 hoặc nhiều mạch máu khác ở gần hoặc ở trong khoang dưới màng cứng. Máu chảy từ các mạch máu này sẽ tụ lại trong khoang dưới màng cứng. Chấn thương ở đầu đồng thời cũng gây ra tổn thương nhu mô não.

1.3. Phân loại tụ máu dưới màng cứng

Máu tụ dưới màng cứng gồm có 3 thể:

  • Tụ máu dưới màng cứng cấp tính: là khi máu tụ được hình thành nhanh chóng trong khoang dưới màng cứng ngay khi vừa bị chấn thương ở đầu, triệu chứng xuất hiện ngay lập tức hoặc chậm nhất là trong vài giờ.
  • Tụ máu dưới màng cứng bán cấp: là khi triệu chứng xuất hiện trong khoảng từ 3 - 7 ngày sau khi bị chấn thương ở đầu.
  • Tụ máu dưới màng cứng mãn tính: Máu tụ hình thành từ từ, triệu chứng xuất hiện trong khoảng từ 2 - 3 tuần sau khi bị chấn thương đầu.

Máu tụ dưới màng cứng được phân ra làm 3 loại
Máu tụ dưới màng cứng được phân ra làm 3 loại

2. Nguyên nhân

Nguyên nhân chủ yếu là do chấn thương ở đầu nghiêm trọng làm cho tĩnh mạch ở khoang dưới màng cứng bị rách. Vết rách làm cho máu chảy vào khoang tạo thành khối máu đông tụ lại chèn ép vào mô não (thường là cấp tính).

Máu tụ dưới màng cứng ở người lớn tuổi rất dễ xảy ra dù chỉ là một chấn thương đầu rất nhỏ, do ở người già tĩnh mạch thường bị giãn ra nên rất dễ bị tổn thương.

Hiện tượng máu tụ dưới màng cứng đôi khi cũng do chảy máu tự phát không phải do chấn thương đầu gây ra. Trường hợp này thường xảy ra ở những người bị rối loạn đông máu.

Ngoài ra tụ máu dưới màng cứng cũng do một nguyên nhân hiếm gặp khác đó là máu chảy từ chỗ phồng lên của mạch máu (túi phình mạch não). Thành túi phình mạch não khá yếu nên dễ vỡ ra và gây chảy máu.


Người bị rối loạn đông máu dễ gặp hiện tượng máu tụ dưới màng cứng
Người bị rối loạn đông máu dễ gặp hiện tượng máu tụ dưới màng cứng

3. Triệu chứng

Triệu chứng của hiện tượng tụ máu dưới màng cứng sẽ phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của chấn thương đầu và kích thước, vị trí của khối máu tụ trong khoang. Các triệu chứng có thể xuất hiện ngay hoặc mất vài tuần sau chấn thương.

3.1. Triệu chứng tụ máu dưới màng cứng cấp tính

Xuất hiện ngay khi vừa bị chấn thương đầu, sau vài phút hoặc vài giờ. Có thể bất tỉnh ngay khi vừa bị chấn thương (nhưng không phải lúc nào cũng xảy ra).

Một số trường hợp vẫn tỉnh táo sau chấn thương đầu nhưng sau đó vài giờ sẽ bị hôn mê khi khối máu tụ trong khoang não hình thành. Một số biểu hiện tiêu biểu gồm:

  • Mất ý thức hoàn toàn hoặc thay đổi dần mức độ tỉnh táo.
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Đau đầu từ nhẹ đến dữ dội
  • Chóng mặt, mất đi khả năng định hướng
  • Không phát âm được tròn câu chữ
  • Co giật
  • Thở bất thường
  • Một bên chi bị yếu đi và gặp khó khăn khi đi lại
  • Mất trí nhớ.

3.2. Triệu chứng của tụ máu dưới màng cứng bán cấp và mãn tính

Triệu chứng của tụ máu dưới màng cứng bán cấp cũng có những biểu hiện như ở cấp tính nhưng chỉ xuất hiện rõ ràng sau 3 - 7 ngày.

Với mãn tính, các triệu chứng sẽ xuất hiện sau 2 - 3 tuần sau chấn thương, một số trường hợp có thể là sau vài tháng mới xuất hiện. Trường hợp tụ máu dưới màng cứng mãn tính có thể do chấn thương nhỏ hoặc người bệnh quên mất là mình đã từng bị chấn thương ở đầu. Cụ thể là tụ máu ở những người lớn tuổi dùng thuốc kháng đông, hoặc ở người nghiện rượu.

Tụ máu dưới màng cứng mãn tính khó phát hiện và dễ bị bỏ sót. Các triệu chứng xuất hiện với xu hướng tăng dần, bao gồm:

  • Chán ăn
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa liên tục
  • Nhức đầu từ nhẹ đến dữ dội và liên tục
  • Tay chân yếu dần ở một bên cơ thể
  • Nói khó khăn
  • Thị giác bị rối loạn
  • Buồn ngủ
  • Lú lẫn, hay quên
  • Đôi khi là cả động kinh.

4. Máu tụ dưới màng cứng có nguy hiểm?

Tụ máu dưới màng cứng rất nguy hiểm, không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh mà còn để lại rất nhiều di chứng vĩnh viễn.

Máu tụ dưới màng cứng có nguy hiểm không cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ chấn thương cũng như kích thước và vị trí của khối máu tụ. Nhiều trường hợp có khối máu kích thước nhỏ có thể phục hồi hoàn toàn một cách nhanh chóng.

Với các trường hợp tụ máu dưới màng cứng cấp tính nếu không bị tổn thương mô não sẽ thì cứ khoảng 5 người bị sẽ có 4 người sống sót. Nếu có tổn thương mô não đi kèm thì khả năng sống sót sẽ thấp hơn. Một số bệnh nhân chết vì khối tụ máu trong não quá lớn.

Các biến chứng như nhiễm trùng hoặc viêm màng não có thể xảy ra trong khi diễn ra phẫu thuật. Tụ máu dưới màng não cũng gây ra những tổn thương gây biến chứng vĩnh viễn như yếu chi, khó khăn trong việc nói, lú lẫn, trí nhớ kém hoặc mất trí nhớ.


Tụ máu dưới màng não gây biến chứng vĩnh viễn như suy giảm trí nhớ, lú lẫn
Tụ máu dưới màng não gây biến chứng vĩnh viễn như suy giảm trí nhớ, lú lẫn

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe