Mất tự chủ khi tiểu tiện ở người cao tuổi

Bài viết bởi Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Mất tự chủ khi tiểu tiện là tình trạng phổ biến thường gặp ở những người cao tuổi, tình trạng này khiến người bệnh cảm thấy khó chịu. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng tiểu tiện không tự chủ từ nhẹ như đi tiểu khi ho hoặc hắt hơi đến mức độ nặng như đi tiểu đột ngột không kịp đi vệ sinh.

1. Mất tự chủ tiểu tiện là gì?

Mất tự chủ tiểu tiện là sự tống xuất nước tiểu không tự chủ đủ gây phiền phức cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Có khoảng 15-30% người trên 60 tuổi có vấn đề này, tỷ lệ phụ nữ gấp đôi nam giới. Theo đó, những người cao tuổi phải nằm viện, phải chịu sự trói buộc, sự quản thúc tại gia đình có tỷ lệ rối loạn này cao hơn. Tình trạng này là một gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình và ảnh hưởng đến kinh tế. Tiểu tiện mất tự chủ thường hay gặp ở người cao tuổi nhưng còn có các yếu tố nguy cơ khác không thể xác định được, bao gồm cả lúc mang thai, nhiễm trùng đường tiết niệu, dùng thuốc, sa sút trí tuệ, bất động, đái tháo đường, thiếu hụt estrogen, yếu cơ chậu hông và hút thuốc lá.

2. Các thể mất tự chủ tiểu tiện

2.1. Mất tự chủ thúc bách

Tình trạng này xảy ra khi các co bóp không tự chủ của bàng quang vượt quá sức kháng bình thường của niệu đạo và cũng được là sự mất tính ổn định của cơ mu bàng quang. Thể này có thể là nguyên nhân hay gặp nhất của mất tự chủ ảnh hưởng tới 70% người bị mất tự chủ. Cơ chế hoạt động của thể này là mất sự ức chế của não, co bóp cơ mu bàng quang không tự chủ, và mất các phản xạ bài tiết bình thường. Đặc trưng của nó là bởi một mong muốn bài tiết mãnh liệt mà theo sau đó là chảy nước tiểu, thường là trong lúc đi chưa đến nhà tắm. Các dấu hiệu và triệu chứng thể này không có khả năng đến kịp nhà vệ sinh để tiểu tiện, lượng nước tiểu chảy ra lớn, nước tiểu tồn động sau bài tiết bình thường.


Mất tự chủ thúc bách là do bàng quang vượt quá sức kháng bình thường của niệu đạo
Mất tự chủ thúc bách là do bàng quang vượt quá sức kháng bình thường của niệu đạo

2.2. Mất tự chủ sang chấn

Là tình trạng hay gặp nhất ở phụ nữ hậu mãn kinh, do giảm áp lực trong niệu đạo cùng với sự tăng đồng thời áp lực trong ổ bụng. Tình trạng này cũng được xem như là sự thiểu năng cơ thắt. Tình trạng này biểu hiện với một lượng nhỏ nước tiểu được tống xuất ra ngoài khi ho, hắt hơi, cười hoặc các hoạt động khác mà làm tăng áp lực trong bụng. Theo đó, mất tự chủ có triệu chứng chảy nước tiểu khi tăng áp lực trong ổ bụng, lượng nước tiểu chảy ra nhỏ, nước tiểu tồn động sau bài tiết bình thường.

2.3. Mất tự chủ tràn tiểu

Do bàng quang không hoàn toàn rỗng có thể thứ phát sau sự mất trương lực hoặc giảm trương lực của cơ mu bàng quang hoặc do sự tắc đầu ra của bàng quang do phì đại tuyến tiền liệt, chít hẹp niệu đạo, hoặc do sỏi. Giảm hoạt động cơ mu bàng quang có thể do bệnh đái tháo đường, tổn thương cột sống đoạn dưới, hoặc do thuốc. Mất tự chủ tràn dòng được đặc trưng bởi 1 loạt các triệu chứng có thể nhầm lẫn với các triệu chứng của mất tự chủ do stress, mất tự chủ thúc bách. Dòng nước tiểu thường yếu, người bệnh có cảm giác rỗng bàng quang không hoàn toàn. Triệu chứng gồm: Tràn nước tiểu liên tục, đau căng tức vùng bụng dưới, nước tiểu tồn động sau bài tiết nhiều.

2.4. Mất tự chủ chức năng

Xuất hiện ở người chức năng đường niệu bình thường nhưng vẫn bị mất tự chủ. Tình trạng này có lẽ do giảm chức năng thể chất, tâm thần, hoặc nhận thức hoặc do các hạn chế của môi trường. Thể mất tự chủ này thường gặp ở môi trường bệnh viện nơi mà có sự giam giữ người bệnh hoặc có chế độ tại giường. Thể bệnh này có triệu chứng như sau: Không có khả năng hoặc không có ý chí để tự chủ, lượng nước tiểu chảy ra ít hoặc nhiều, nước tiểu tồn động sau bài tiết bình thường.

3. Đánh giá mất tự chủ ở người cao tuổi

Đánh giá mất tự chủ tiểu tiện để có được sự khẳng định chẩn đoán xác định được bất kỳ nguyên nhân nào có thể hồi phục được và các yếu tố đòi hỏi cần phải can thiệp để chẩn đoán và điều trị hơn nữa. Cần có bệnh sử của bệnh tập trung vào các hệ thống thần kinh và tiết niệu, các thuốc đã dùng, tất các tình tiết mô tả của triệu chứng tiểu tiện kèm yếu tố liên quan, kể cả theo dõi tình trạng bàng quang liên tục trong vài ngày.

Khám tất cả các hệ thống thần kinh, sinh dục tiết niệu, không bỏ sót bất kỳ dấu hiệu nào liên quan cho dù hoàn toàn bình thường. Sau cùng là test gắng sức bằng cách cho bệnh nhân ho để quan sát sự tràn nước tiểu khi bàng quang đầy, đánh giá mức độ tồn lưu nước tiểu trong bàng quang, nếu > 100ml hướng nhiều đến tình trạng rỗng không hoàn toàn của bàng quang.

Một số trường hợp cần làm xét nghiệm nước tiểu, cấy nước tiểu, xét nghiệm chức năng thận, đường huyết, điện giải, X quang bể thận bàng quang có bơm thuốc cản quang đường tĩnh mạch, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính. Trong một số trường hợp cần thiết có thể gửi khám các chuyên khoa sâu hơn khi có vấn đề.


Bệnh nhân cần xét nghiệm nước tiểu để đánh giá mất tự chủ ở người cao tuổi
Bệnh nhân cần xét nghiệm nước tiểu để đánh giá mất tự chủ ở người cao tuổi

4. Điều trị chứng mất tự chủ ở người cao tuổi

Đầu tiên là phải xác định và điều trị bất kỳ một yếu tố nào có thể giải quyết được, vì tình trạng này thường là có từ hai yếu tố trở lên gây ra. Các chuyển biến của bệnh tưởng chừng như ít hiệu quả khi điều trị một yếu tố tìm thấy nhưng có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn ở bệnh nhân mà đôi khi là có thể khỏi bệnh. Điều trị hơn nữa sẽ được chỉ định tùy theo thể mất tự chủ tiểu tiện, liệu pháp hành vi, phẫu thuật hoặc thuốc.

4.1. Liệu pháp không dùng thuốc

Các thao tác tập luyện bàng quang, cơ chậu hông áp dụng cho hầu hết các thể mất tự chủ tiểu tiện. Luyện tập này bao gồm giáo dục hành vi thông qua việc sử dụng sự ức chế thúc bách và sự bài tiết theo lịch trình, để luyện tập được, người luyện tập phải có đủ năng lực nhận thức. Thúc đẩy bài tiết là một trị liệu không dùng thuốc được lựa chọn cho người bệnh mất tự chủ tiểu tiện và suy giảm nhận thức, nó là sự bài tiết theo lịch trình, cần phải có sự nhắc nhở, thúc đẩy của người chăm sóc. Các bài luyện tập cơ chậu là một chế độ gồm các bài tập các cơ chậu có kế hoạch, tích cực để tăng cường độ mạch cơ quan niệu đạo, rất hữu ích cho phụ nữ bị mất tự chủ do stress.

Các phương pháp kiểm soát mất tự chủ tiểu tiện không dùng thuốc, bao gồm thông ngắt quãng, đặt ống thông niệu đạo hoặc ống thông trên xương mu, các hệ thống thu gom nước tiểu bên ngoài và các quần áo lót bảo vệ. Đặt catheter lâu ngày không nên nhìn nhận là một lựa chọn điều trị có hiệu quả và chỉ nên chỉ định trong trường hợp tất cả các phương pháp khác đều thất bại hoặc trong trường hợp người bệnh có sẵn vết rạch da vùng đó.

4.2. Các thuốc điều trị

Phụ nữ hậu mãn kinh bị mất tự chủ do stress nên dùng estrogen tại chỗ hoặc uống với liều hậu mãn kinh trừ khi có chống chỉ định. Nếu người bệnh có tử cung còn nguyên vẹn thì cần dùng thêm progestin. Các thuốc cường giao cảm như phenylpropranolamin ( 25-100mg uống ngày 2 lần) hoặc pseudoephedrin (15-30mg ngày 3 lần) cũng có hiệu quả đối với mất tự chủ sang chấn.

Các thuốc kháng phó giao cảm như oxubutinin (2,5-5mg uống ngày 3-4 lần) propanthelin (7,5-30mg uống ngày 3 lần), dicyclomid (uống 25-100mg/ngày) và imipramin hoặc desipramin (25-100mg/ngày) có hiệu quả trong các trường hợp mất tự chủ thúc bách. Sử dụng các thuốc kháng phó giao cảm phải thận trọng, nhất là ở người cao tuổi vì tác dụng phụ của của thuốc có thể gây lú lẫn, táo bón và hoa mắt.

Với người mất tự chủ thể tràn tiểu, sử dụng thuốc bethanechol (10-50mg uống 3 lần/ngày) giúp làm rỗng bàng quang dễ dàng hơn. Nam giới bị tràn tiểu do phì đại tuyến tiền liệt có thể uống chẹn giao cảm alpha như prazosin, terazosin, hoặc doxazocin (liều 1-5mg/ngày).


Sử dụng thuốc có thể gây triệu chứng táo bón
Sử dụng thuốc có thể gây triệu chứng táo bón

4.3. Điều trị phẫu thuật

Chỉ một số trường hợp cần thiết các bác sĩ mới đưa ra chỉ định phẫu thuật như mất tự chủ sang chấn kèm sa niệu đạo, phẫu thuật kèm với nâng cổ bàng quang thành công 80-90%. Mất tự chủ tràn tiểu do tắc nghẽn có phì đại tuyến tiền liệt thường điều trị tốt bằng phẫu thuật tuyến tiền liệt. Mất tự chủ thúc bách và cơ mu bàng quang không ổn định điều trị nội khoa thất bại thường được phẫu thuật tạo hình bàng quang cho kết quả tốt.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe