Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tôn Thất Trí Dũng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Mất trí nhớ là tình trạng không thể nhớ các sự kiện đã qua, thường do chấn thương, bệnh lý hoặc tác động của chất kích thích. Ngoài ra, triệu chứng này cũng có thể do những nguyên nhân khác như lão hóa, căng thẳng hoặc thiếu ngủ.
1. Chứng mất trí nhớ là gì?
Mất trí nhớ là hội chứng liên quan đến sự suy giảm đáng kể các khả năng nhận thức như: sự chú ý, trí nhớ, ngôn ngữ, lý luận logic và kỹ năng giải quyết vấn đề. Những người bị mất trí nhớ thường gặp khó khăn trong việc học những thông tin mới và hình thành được những kí ức mới.
2. Nguyên nhân của bệnh mất trí nhớ
Nhìn chung, chứng mất trí xảy ra thường xuyên hơn khi độ tuổi ngày càng tăng. Có một vài nguyên nhân khác nhau gây mất trí nhớ, trong đó bệnh Alzheimer là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất (chiếm tới 60 - 70% trường hợp). Các nguyên nhân còn lại có thể là:
- Đột quỵ não: xuất huyết não, nhồi máu não, xuất huyết dưới nhện
- Viêm não (do vi khuẩn hoặc virus)
- Thiếu oxy não: như trong trường hợp đột quỵ tim, suy hô hấp hay ngộ độc khí carbon monoxide
- Lạm dụng rượu kéo dài dẫn đến thiếu Vitamin B1 (hội chứng Wernicke-Korsakoff)
- Khối u ở não: liên quan đến vùng chi phối bộ nhớ
- Một số loại thuốc: chẳng hạn như các nhóm thuốc benzodiazepin hoặc các nhóm thuốc có tác dụng an thần
- Chấn thương sọ não
- Hiếm gặp hơn là chứng mất trí nhớ phân ly (dissociative) liên quan đến yếu tố tâm lý, bắt nguồn từ các chấn thương tinh thần, cú sốc tâm lý chẳng hạn như là nạn nhân của các tội ác về bạo lực. Trong rối loạn này, nạn nhân thường mất ký ức cá nhân và ký ức tự truyện (autobiographical memory) nhưng thường chỉ trong một thời gian ngắn.
Trắc nghiệm xem trí nhớ của bạn tốt đến đâu
Trí nhớ của con người luôn là một đề tài thú vị và nhận được sự quan tâm của nhiều người. Liệu trí nhớ có bị mai một hay thay đổi theo thời gian hay không. Để xem trí nhớ của bạn tốt đến đâu, hãy cùng trả lời 14 câu trắc nghiệm dưới đây.
Bài dịch từ: webmd.com
3. Triệu chứng của bệnh mất trí nhớ
Bao gồm có 2 đặc điểm chính của mất trí nhớ:
- Quên thuận chiều ( Anterograde amnesia) là không có khả năng hình thành nên trí nhớ mới.
- Quên ngược chiều ( Retrograde amnesia) nói đến việc mất trí nhớ đối với các sự kiện trước một điểm thời gian đặc biệt nào đó.
Hầu hết những người mất trí nhớ có vấn đề về trí nhớ ngắn hạn – họ không thể ghi nhớ lại những thông tin mới. Những kí ức gần đây có thể bị mất nhưng những kí ức xa hơn hoặc từ nhỏ thì vẫn còn lưu giữ. Nhiều người có thể nhớ lại những kỷ niệm về thời thơ ấu hoặc biết tên các vị tổng thống trong quá khứ, nhưng không thể gọi tên tổng thống hiện tại, hay không thể kể được thực đơn họ đã ăn trong ngày hôm đó.
Mất trí nhớ không ảnh hưởng đến đến trí thông minh, tính cách hay phán đoán của một người, mà chỉ là sự mất trí nhớ đơn thuần và không có rối loạn chức năng nhận thức khác.
4. Chẩn đoán mất trí nhớ
Mất trí nhớ có thể là một dấu hiệu của bệnh lý về nghiêm trọng, vì vậy người bệnh cần được bác sĩ đánh giá toàn diện:
TIỀN SỬ:
Bời vì người bị mất trí nhớ không thể cung cấp thông tin đầy đủ và chi tiết, do đó cần phải khai thác thông tin bệnh nhân từ gia đình, bạn bè hoặc người chăm sóc.
Bác sĩ sẽ khai thác các thông tin để hiểu rõ sự mất trí nhớ bao gồm:
- Loại mất trí nhớ: ngắn hạn hay dài hạn
- Thời điểm và tiến trình lúc bắt đầu xảy ra việc mất trí nhớ
- Các yếu tố nguy cơ: chấn thương đầu, đột quỵ hay phẫu thuật...
- Tiền sử gia đình: đặc biệt là các bệnh lý thần kinh
- Việc lạm dụng rượu bia, chất kích thích hay dùng thuốc an thần..
- Các triệu chứng khác như: rối loạn ngôn ngữ, thay đổi nhận thức, khả năng tự chăm sóc...
THĂM KHÁM LÂM SÀNG:
Bác sĩ cần thăm khám đầy đủ tất cả các cơ quan cũng như thần kinh bao gồm: chức năng vận động, cảm giác, thăng bằng..và dùng test về nhận thức bằng cách kiểm tra trí nhớ ngắn hạn, dài hạn thông qua thông tin chung, chẳng hạn như tên chủ tịch nước hiện tại, hay thời điểm ngày tháng trong năm, hoặc bác sĩ yêu cầu người bệnh lặp lại các danh sách từ vựng được liệt kê trước đó.
Một số xét nghiệm bổ sung có thể được chỉ định dựa theo thông tin tiền sử và thể trạng chung. Các xét nghiệm thường được chỉ định bao gồm:
- Xét nghiệm máu và nước tiểu;
- Chụp X-quang ngực;
- Quét não MRI hoặc CT;
- Điện não đồ (EEG);
- Phân tích dịch tủy sống bằng thủ thuật chọc dò tủy sống.
Việc chẩn đoán sớm sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho chính người mắc bệnh mất trí cũng như thân nhân trong gia đình, nhờ được can thiệp điều trị nhằm tối ưu hóa sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần.
5. Điều trị chứng mất trí nhớ
Theo các chuyên gia, mục tiêu điều trị chứng mất trí là hướng đến kiểm soát các triệu chứng. Trong một số trường hợp, các loại thuốc ức chế acetylcholinesterase có thể giúp làm chậm quá trình thay đổi nhận thức. Tuy nhiên, đa phần tác dụng của thuốc chỉ ở mức hạn chế và không thể ngăn chặn được tình trạng cơ bản. Các liệu pháp điều trị khác liên quan đến cảm xúc, tâm lý cũng được xem như là một phần của kế hoạch điều trị tổng thể.
Đối với người trẻ tuổi, nếu bệnh mất trí nhớ vẫn còn tiếp diễn dù đã điều trị, nên viết ra những điều cần làm vào giấy ghi chú hoặc sổ để hỗ trợ ghi nhớ trong sinh hoạt và làm việc hàng ngày.
Tóm lại, mất trí nhớ là một hội chứng gây suy giảm trí nhớ, suy nghĩ, hành vi và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày của một người. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến người lớn tuổi phải phụ thuộc vào con cháu, gây tác động cả về mặt thể chất, tâm lý, và kinh tế. Sa sút trí tuệ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới những người bệnh, mà còn đối với người chăm sóc, gia đình và cả xã hội nói chung. Do đó bệnh mất trí cần phải được xem là một ưu tiên trong lĩnh vực y tế cộng đồng, cần được nghiên cứu để phát triển các phương pháp điều trị mới và hiệu quả hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com
XEM THÊM: