Massage lưng có tác dụng gì? Có giảm đau nhức, mệt mỏi?

Massage lưng có nhiều tác dụng cho sức khỏe con người như giúp giảm đau nhức và mệt mỏi cơ thể, đồng thời còn giúp điều trị tình trạng đau lưng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

1. Massage lưng có tác dụng gì?

Đau lưng là một triệu chứng thường gặp ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề và do nhiều nguyên nhân gây ra. Tình trạng đau lưng không chỉ gây đau đớn, khó khăn trong sinh hoạt, làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn gây ảnh hưởng tới năng suất lao động, thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng tới cả gia đình, xã hội.

Vì vậy, cần tìm ra một biện pháp giúp giảm đau mỏi lưng. Massage và kéo giãn cột sống là các phương pháp hiệu quả để điều trị đau lưng do cứng cơ, gai mỏ xương, hẹp khe khớp,... làm chèn ép các dây thần kinh. Massage lưng giảm đau nhức vì giúp giãn cơ, mở rộng các khe khớp, giải phóng sự chèn ép lên các rễ và dây thần kinh. Đồng thời, massage lưng giảm mệt mỏi, tăng dần vận động của đoạn cột sống bị hạn chế, tăng cường tuần hoàn tới nuôi dưỡng tại vị trí đau.

2. Kỹ thuật xoa bóp huyệt và massage lưng

Người bệnh nằm sấp trên giường, kéo áo lên trên thắt lưng và chiếu tia hồng ngoại 10 phút. Sau đó, kỹ thuật viên massage vùng lưng: Xát, xoa và day vùng thắt lưng 10 phút. Tiếp theo, kỹ thuật viên nắm tay lại, thực hiện đấm nhẹ dọc theo cột sống thắt lưng tới khớp xương hông của người bệnh. Thực hiện 3 - 5 lượt rồi dùng ngón cái để day ấn các huyệt thận du, đại trường du, hoàn khiêu và thừa phù. Mỗi huyệt day ấn khoảng 1 phút.

Vị trí các huyệt như sau:

  • Thận du: Nằm dưới gai sống thắt lưng 2, đo ngang ra 15cm;
  • Đại trường du: Nằm dưới gai sống thắt lưng 4, đo ngang ra 15cm;
  • Hoàn khiêu: Khi người bệnh nằm nghiêng, co chân đau ở trên, chân dưới duỗi thẳng thì huyệt hoàn khiêu nằm ở vị trí 1⁄3 ngoài và 2⁄3 trong của đoạn nối giữa điểm cao nhất của mấu chuyển lớn xương đùi với khe xương cùng;
  • Thừa phù: Là điểm giữa nếp lằn chỉ mông.

Các bước thực hiện kỹ thuật xoa bóp huyệt và massage lưng
Các bước thực hiện kỹ thuật xoa bóp huyệt và massage lưng

3. Các kỹ thuật kéo giãn cột sống

3.1 Động tác 1

Người bệnh nằm ngửa, co gấp 2 chân sao cho 2 gót chân sát vào mông. Kỹ thuật viên đứng phía trước bệnh nhân, dùng 2 tay giữ phía trước 2 đầu gối, dùng lực tỳ dần 2 đầu gối xuống, tới khi lưng người bệnh dần giãn tới mức tối đa thì giữ nguyên động tác 1 - 2 phút rồi trở lại tư thế ban đầu. Tiếp tục thực hiện lại 3 - 5 lần rồi chuyển sang động tác 2.

3.2 Động tác 2

Người bệnh nằm ngửa, gấp 2 chân sao cho mặt trước đùi gần áp sát bụng. Kỹ thuật viên đứng trước người bệnh nhân, dùng 2 tay giữ mặt dưới của khớp gối rồi tỳ ép gối người bệnh về phía ngực. Lúc này, lưng người bệnh dần được kéo giãn, chờ tới khi cùng lưng căng tối đa thì giữ nguyên động tác trong 1 - 2 phút rồi quay trở lại tư thế ban đầu. Tiếp tục thực hiện lại 3 - 5 lần rồi để người bệnh nằm nghỉ thư giãn trong 2 - 3 phút và kết thúc.

Lưu ý: Khi kéo giãn, nếu tăng - giảm lực quá nhanh có thể gây kích thích làm tăng co cơ. Vì vậy, cần tăng giảm lực từ từ, đặc biệt với người có bệnh lý đau cấp tính. Kỹ thuật viên cũng có thể linh hoạt điều chỉnh lực kéo và hướng kéo trong ngưỡng chịu đựng của người bệnh.

4. Kỹ thuật tăng cường vận động khớp háng và khớp gối

Người bệnh nằm ngửa trên giường, duỗi thẳng 2 tay và 2 chân, thả lỏng và thư giãn toàn thân. Kỹ thuật viên đứng cạnh bệnh nhân, 1 tay nắm cổ chân, 1 tay giữ đầu gối người bệnh và bắt đầu vận động. Đầu tiên, gấp chân, ép bụng và duỗi ra, thực hiện liên tục 10 lần mỗi chân. Sau đó, vận động xoay khớp háng theo chiều kim đồng hồ 5 vòng rồi xoay ngược lại 5 vòng, thực hiện tuần tự từng chân.

Động tác tiếp theo, bệnh nhân gấp 2 chân lên bụng, kỹ thuật viên dùng 2 tay giữ 2 đầu gối để vận động khớp háng. Thực hiện vận động theo chiều lên - xuống 10 lần, sang trái - sang phải 10 lần rồi xoay tròn theo chiều kim đồng hồ 10 lần, xoay ngược chiều kim đồng hồ 10 lần.


Kỹ thuật tăng cường vận động khớp háng và khớp gối
Kỹ thuật tăng cường vận động khớp háng và khớp gối

5. Các kỹ thuật massage lưng khác

5.1 Massage giảm đau nhức

Kỹ thuật: Dùng 2 tay luân phiên ấn và kéo giãn các cơ. Dùng ngón tay cái và phần trên lòng bàn tay để nhấn mạnh các vị trí massage. Động tác này thực hiện để massage cơ lưng, cơ mông và cơ đùi.

Lợi ích: Giúp cơ thể giảm bớt căng thẳng, làm dẻo cơ bắp và giảm đau nhức. Phương pháp massage này thường được sử dụng trong thể thao.

5.2 Massage tìm những vị trí căng thẳng

Kỹ thuật: Thực hiện động tác vuốt nhẹ nhàng bằng cách áp 2 bàn tay vào da, các ngón tay thẳng, 2 ngón cái áp sát vào nhau, vuốt nhẹ nhàng, hướng xuống dưới rồi chếch ra 2 bên. Cần thực hiện vuốt liên tục nhiều lần.

Lợi ích: Giảm căng thẳng cho hệ thần kinh. Qua phản ứng của cơ thể, việc massage có thể tìm ra những vùng bị căng thẳng.

5.3 Massage thông huyệt

Kỹ thuật: Dùng 2 ngón tay cái ấn mạnh dọc theo đốt sống lưng.

Lợi ích: Các khu vực nằm trên lưng đều liên quan tới các bộ phận trên cơ thể. Động tác này giúp làm thông những huyệt bị tắc ở lưng và mang lại nhiều lợi ích cho những bộ phận cơ thể tương ứng.


Bài massage thông huyệt dành cho lưng
Bài massage thông huyệt dành cho lưng

5.4 Massage giúp da khỏe

Kỹ thuật: Dùng các ngón tay vê trên da dọc theo lưng.

Lợi ích: Kỹ thuật giúp tác động tới da và mạch máu, loại bỏ bớt các tế bào da chết, mang lại sinh lực và độ đàn hồi cho làn da.

5.5 Massage kích hoạt cả cơ thể

Kỹ thuật: Thả lỏng ngón cái, để thẳng các ngón tay khác, vỗ nhẹ vào những vùng cần massage và thực hiện động tác chặt một cách nhẹ nhàng.

Lợi ích: Kỹ thuật rất hữu hiệu đối với người bị mệt mỏi. Động tác này sẽ được thực hiện vào cuối bài massage.

Các kỹ thuật massage lưng giảm mệt mỏi, đau nhức nên được thực hiện đúng cách để mang lại nhiều lợi ích nhất cho người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe