Khi mẹ mang thai đến tuần 38, em bé trong bụng đã di chuyển xuống phần dưới của tử cung, chờ đợi được ra đời nên mẹ có thể thấy bụng tụt thấp hơn, đi đứng nặng nề và bất tiện hơn.
Khi 38 tuần thai lớn sẽ đè lên bàng quang tạo cảm giác buồn tiểu nhiều hơn. Các mạch máu xuống chân cũng bị bào thai chèn ép, lưu thông kém dẫn đến hiện tượng phù chân.
Trong những tuần cuối thai kỳ, mẹ càng đau lưng nhiều hơn, dễ đuối sức và thở dốc. Các vết rạn xuất hiện và lan nhanh chóng mặt tại các vùng như bụng, ngực, mông, đùi... sẽ khiến bạn phải bất ngờ. Trong tuần thai này, mẹ cần lưu ý một số điều quan trọng như sau:
1. Theo dõi các biến chứng thai kỳ muộn
Những triệu chứng sưng đau nhẹ ở bàn chân và mắt cá chân trong giai đoạn này có thể không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu mẹ nhận thấy sưng phù quá đột ngột, có thể lan đến tay, mặt và vùng xung quanh mắt hoặc tăng cân nhanh chóng thì nên đến bệnh viện để kiểm tra ngay. Đây có thể là dấu hiệu của tiền sản giật - một tai biến thai kỳ nguy hiểm thường xuất hiện ở giai đoạn những ngày gần sinh.
2. Cố gắng dành thời gian ngủ
Nếu có thể, hãy tranh thủ ngủ vào ban ngày vì đây là những cơ hội cuối cùng để mẹ có thời gian ngủ, nghỉ ngơi dưỡng sức cho ngày chuyển dạ và sau sinh sắp tới.
3. Thực hiện các bài tập
Mẹ có thể đi bộ nhẹ nhàng, thực hiện động tác Squat (ngồi xổm) cho bà bầu gần sinh hoặc kết hợp thêm với thiền định và yoga. Tất cả những bài tập trên rất có lợi cho quá trình chuyển dạ và sinh nở của mẹ, đồng thời giảm bớt các cơn đau do co thắt và giữ tinh thần thoải mái.
Duy trì thói quen đi bộ và luyện tập nhẹ nhàng lúc này sẽ rất có lợi cho ngày sinh nở của mẹ đấy.
4. Mặc quần áo thoáng mát
Tác động của những hormone, cùng với việc tăng lưu lượng máu đến da và tăng quá trình trao đổi chất trong thai kỳ có thể khiến mẹ đổ nhiều mồ hôi hơn. Mặc quần áo rộng với chất liệu vải mỏng nhẹ, uống nhiều nước hoặc dùng phấn hút ẩm cho bà bầu không chỉ giúp mẹ luôn được khô thoáng, mà còn tránh được tình trạng nổi phát ban do nóng bức. Cùng với việc chuẩn bị túi đi sinh, mẹ cũng nhớ chuẩn bị trước một số vấn đề sau:
Hỏi bác sĩ hoặc tìm hiểu các phương pháp giúp mẹ dễ sinh hơn, bớt đau hơn
Giấy tờ tùy thân bao gồm căn cước công dân, thẻ bảo hiểm... đây là những giấy tờ cần thiết sẽ sử dụng trong quá trình nhập viện, Chuẩn bị người thân chăm sóc khi nhập viện sinh bé.