Lý do trẻ sơ sinh bị vàng mắt

Trẻ sơ sinh bị vàng mắt và da là một hiện tượng thường gặp, không chỉ ở những trẻ sinh non mà còn trẻ sinh đủ tháng. Vậy trẻ sơ sinh bị vàng da vàng mắt có sao không, khi thấy trẻ sơ sinh bị vàng mắt phải làm sao?

1. Tìm hiểu hiện tượng trẻ sơ sinh bị vàng mắt, vàng da

Trẻ sơ sinh bị vàng mắt là tình trạng kết mạc hay còn gọi là lòng trắng mắt có màu vàng. Đây là biểu hiện thường gặp ở phần lớn trẻ sinh non và đủ tháng. Triệu chứng này xuất hiện trong tháng đầu tiên sau sinh, đặc biệt là 2 tuần đầu và là biểu hiện của hội chứng vàng da (sinh lý hoặc bệnh lý).

Có thể nhận biết trẻ sơ sinh bị vàng mắt và da bằng mắt thường nếu đủ ánh sáng. Một số bé có da hơi ngăm đen hoặc đỏ hồng có thể khó phát hiện hơn, nên có thể kiểm tra bằng cách dùng ngón cái ấn nhẹ vào da trẻ trong vài giây rồi thả tay ra. Nếu trẻ bị vàng da vùng da vừa bị ấn sẽ có màu vàng.

Ngoài vàng da, vàng mắt, trẻ cũng có thể bị vàng da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, nước tiểu đậm màu, phân nhạt màu.

2. Lý do trẻ sơ sinh bị vàng mắt

Trẻ sơ sinh bị vàng mắt là vì nồng độ bilirubin cao hơn mức bình thường. Đối với người lớn và trẻ em (từ tuổi tập đi trở lên), bilirubin sẽ được gan xử lý và đào thải qua ruột. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh, các cơ quan bên trong cơ thể đang tiếp tục phát triển, trong đó có gan, vì vậy cơ thể trẻ chưa thể đào thải bilirubin, bilirubin bị ứ đọng trong gan, mật và gây vàng da, mắt.

Nguy cơ trẻ sơ sinh bị vàng mắt sẽ cao hơn trong những trường hợp sau:

  • Trẻ sinh non, trước 37 tuần;
  • Trẻ sơ sinh không được bú mẹ hoặc nguồn sữa khác đầy đủ;
  • Trẻ sơ sinh và mẹ có nhóm máu không tương thích nhau, khi đó kháng thể tích tụ bên trong cơ thể trẻ sẽ phá hủy các tế bào hồng cầu làm gia tăng bilirubin đột ngột.

Ngoài ra, trẻ sơ sinh bị vàng mắt, vàng da cũng có thể do các yếu tố nguy cơ sau:


Sinh non trước 37 tuần là một trong các nguy cơ khiến trẻ sơ sinh bị vàng mắt
Sinh non trước 37 tuần là một trong các nguy cơ khiến trẻ sơ sinh bị vàng mắt

3. Trẻ sơ sinh bị vàng da vàng mắt có sao không?

Thông thường, khoảng 2 - 3 ngày đầu sau sinh, trẻ sẽ có dấu hiệu vàng mắt, vàng da và giảm dần trong 2 tuần tuổi đầu tiên mà không phải điều trị. Tuy nhiên, nếu là vàng da bệnh lý, tức đây là dấu hiệu của một căn bệnh nào đó, thì trẻ sẽ bị vàng da sớm hơn, ngay trong 24 giờ đầu tiên sau khi sinh. Cách nhận biết vàng da bệnh lý như sau:

  • Vàng da có màu sậm hơn;
  • Trẻ sinh đủ tháng không hết vàng da sau 1 tuần, còn trẻ sinh non thì không hết vàng da sau 2 tuần;
  • Trẻ sơ sinh bị vàng mắt, vàng da toàn thân, đặc biệt là lòng bàn tay, bàn chân;
  • Trẻ lừ đừ, uể oải, bỏ bú hoặc bú kém, khóc thét, thậm chí còn có thể bị co giật...

Vàng da bệnh lý nếu không được nhận biết và điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như vàng da nhân não, viêm não cấp tính, do bilirubin bị ứ đọng trong cơ thể, thấm vào não bộ một cách gián tiếp. Hậu quả cuối cùng là nhiễm độc thần kinh và có thể dẫn đến tử vong hoặc não bị tổn thương vĩnh viễn như bại não.

4. Trẻ sơ sinh bị vàng mắt phải làm sao?

Ở bệnh viện, sau khi sinh, trẻ sẽ được thăm khám thường xuyên trong 3 ngày đầu tiên để kiểm tra. Cũng trong khoảng thời gian này, cha mẹ và người chăm sóc nếu nhận biết sớm hơn trẻ bị vàng da thì nên báo ngay với bác sĩ.

Như đã đề cập ở trên, phần lớn các trường hợp trẻ sơ sinh bị vàng mắt, da là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể và không cần điều trị. Mặc dù vậy, trẻ vẫn cần được theo dõi kỹ lưỡng để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường. Thậm chí, sau khi xuất viện về nhà, nếu phát hiện trẻ bị vàng da hoặc mức độ vàng da, vàng mắt trở nên nghiêm trọng hơn như trẻ bỏ bú thì cần liên hệ ngay với bác sĩ.

Nếu trẻ sơ sinh bị vàng mắt, da sau 2 tuần mà chưa hết, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm nước tiểusinh hóa máu để kiểm tra nồng độ bilirubin cũng như các rối loạn khác trong cơ thể nếu có. Thông thường, trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý nếu được bú mẹ hoặc sữa công thức đầy đủ, tăng cân đều thì tự khỏi.

Hiện nay, phương pháp điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh chủ yếu là cung cấp đủ nước và chất dinh dưỡng thông qua việc cho bú hoặc truyền dịch để tăng tốc độ chuyển hóa và đào thải bilirubin, đồng thời trẻ được chiếu đèn. Trường hợp trẻ có biểu hiện nghi ngờ bị nhiễm độc thần kinh thì sẽ được thay truyền máu.

Có nhiều lời khuyên cho rằng tắm nắng có thể giúp làm giảm tình trạng trẻ sơ sinh bị vàng mắt, da. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh về biện pháp này và nó chỉ giúp những trẻ bị vàng da ở mức độ nhẹ.


Trẻ sơ sinh bị vàng mắt sẽ được chiếu đèn giúp cải thiện tình trạng bệnh
Trẻ sơ sinh bị vàng mắt sẽ được chiếu đèn giúp cải thiện tình trạng bệnh

5. Phòng ngừa trẻ sơ sinh bị vàng mắt, vàng da như thế nào?

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị vàng mắt, vàng da là do trẻ có vấn đề về gan như viêm gan A, B hoặc C. Vì vậy, ngay khi có kế hoạch mang thai, cha mẹ cần kiểm tra sức khỏe, nếu không mắc bệnh viêm gan hoặc không mang mầm bệnh thì cần tiêm phòng viêm gan để đảm bảo giai đoạn mang thai được an toàn.

Trường hợp chưa tiêm phòng nhưng trong thai kỳ phát hiện bị viêm gan B, người mẹ cần tham vấn ý kiến bác sĩ để biết cách xử trí. Trẻ có nguy cơ cao bị viêm gan do lây truyền từ mẹ và có biểu hiện trẻ sơ sinh bị vàng mắt, da nếu mẹ mang thai bị viêm gan B trong 3 tháng cuối thai kỳ. Vì vậy, sau khi sinh, cần xét nghiệm để kiểm tra trẻ có bị viêm gan không. Nếu trẻ không bị viêm gan sơ sinh thì sẽ được tiêm phòng viêm gan B với lịch tiêm như sau:

  • Mũi 1: 24 giờ đầu tiên sau khi sinh;
  • Mũi 2: Cách mũi 1 là 1 tháng;
  • Mũi 3: Khi trẻ 2 tháng tuổi.

Trường hợp trẻ bị viêm gan sơ sinh thì cần điều trị và tái khám định kỳ trong 6 tháng đầu tiên sau sinh.

Trẻ sơ sinh bị vàng mắt, da là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, đó cũng có thể là vàng da bệnh lý cần được theo dõi và nhận biết để chữa trị kịp thời, tránh gây các biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe và tính mạng của trẻ. Do đó, nếu nhận thấy trẻ bị vàng da, mắt lâu ngày không khỏi hoặc có các triệu chứng khác bất thường kèm theo, cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe